TPHCM chuẩn bị mặt bằng cho metro 2 tỷ USD
Việc di dời, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án metro số 2 TPHCM sẽ được thực hiện trong khoảng 20 tháng. Đây là khâu chuẩn bị quan trọng, nhằm cung cấp mặt bằng sạch để sớm hoàn thành dự án trị giá 2 tỷ USD.
Sáng 22/6, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, (MAUR, chủ đầu tư) tổ chức khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật - dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng Ban phụ trách BQL Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, tuyến metro số 2 có tổng chiều dài khoảng 11,3 km (từ ga Bến Thành đến ga Tham Lương), trong đó có 9,3 km đi ngầm và 2 km đi trên cao, với 11 nhà ga, chạy dọc đường Cách mạng tháng Tám và Trường Chinh, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, cùng với khu vực đỗ tàu, depot Tham Lương tại quận 12 với diện tích 25 ha. Dự án được tài trợ bởi ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách của thành phố.
Công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đến nay đạt 86,7% (508/586 trường hợp đã bàn giao mặt bằng). Trong đó, 4/6 quận (quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú) đạt 100%.
“Trong tương lai, tại khu vực lân cận các nhà ga của dự án, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành và chủ đầu tư triển khai việc Phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) góp phần chỉnh trang đô thị, phát huy hiệu quả tối đa của dự án và nguồn lực đất đai… Đây là một hình mẫu cho các dự án đường sắt đô thị triển khai trong thời gian sắp tới theo tinh thần nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 về quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM hiện đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua”. Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM
Hiện nay vướng mắc chính là các trường hợp tại quận 3 (66 trường hợp) liên quan đơn giá bồi thường. Tháng 4, Chủ tịch UBND thành phố thành lập tổ công tác để tham mưu giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc này. Hiện nay, các cơ quan liên quan (UBND quận 3, Sở TN&MT, Văn phòng UBND TPHCM) đang tập trung để xử lý đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án cuối năm 2023. “Hiện nay, các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án metro số 2 TPHCM gồm công trình cấp, thoát nước, công trình điện, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng… Việc khởi công xây dựng và tái bố trí hạ tầng kỹ thuật sẽ làm tiền đề cho việc chuẩn bị mặt bằng sạch, cả trên mặt đất và cả không gian ngầm. Từ đó sẽ bàn giao cho các nhà thầu chính thi công nhà ga, đường hầm vào đầu năm 2025”, ông Hiển cho biết.
Theo đại diện chủ đầu tư, công tác thi công di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ tuyến metro số 2 sẽ được thực hiện trong khoảng 20 tháng tại 12 vị trí trên dọc tuyến (9 vị trí nhà ga ngầm, 2 đoạn đào hở và 1 nhà ga trên cao) và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, nhà thầu sẽ thi công xây dựng hệ thống cấp và thoát nước; điện cao thế (110kV) bố trí một lần vào hành lang 5m hai bên hông nhà ga ngầm, nhà ga trên cao; di dời tạm các công trình điện (trung thế và hạ thế), công trình viễn thông… Giai đoạn 2, nhà thầu sẽ di dời tái lập ngầm vĩnh viễn công trình điện (trung và hạ thế), công trình viễn thông vào hào kỹ thuật ngầm đảm bảo phù hợp thiết kế, cảnh quan đô thị.
Dự án đầu tiên áp dụng BIM
Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, kinh nghiệm từ tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và các dự án hạ tầng giao thông đô thị thành phố thời gian qua cho thấy việc chuẩn bị mặt bằng sạch trước khi triển khai dự án là khâu hết sức quan trọng. “Chúng ta phải nỗ lực để có mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật phải sạch 100% trước khi triển khai các dự án chính, đặc biệt là đối với các dự án ODA có những yêu cầu rất khắt khe trong quản lý hợp đồng. Việc này sẽ giúp tránh các khiếu kiện, khiếu nại của các nhà thầu chính của nước ngoài khi chúng ta không đủ điều kiện bàn giao mặt bằng dẫn đến các gói thầu chính phải chờ”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, metro số 2 là dự án đầu tiên của thành phố áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) ngay từ trong giai đoạn thiết kế. Việc áp dụng mô hình BIM đã góp phần giúp chủ đầu tư phát hiện xung đột giữa các hạng mục hạ tầng kỹ thuật từ rất sớm trong quá trình thiết kế và kịp thời đề xuất các biện pháp thi công phù hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. “Dự án metro số 2 triển khai mô hình BIM đầu tiên, sau đó trong thời gian vừa qua, các dự khác như nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dự án quốc lộ 50, Vành đai 3 TPHCM cũng đang triển khai mô hình này”, ông Cường cho biết.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tphcm-chuan-bi-mat-bang-cho-metro-2-ty-usd-post1545145.tpo