TPHCM: Chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với phát triển nông nghiệp đô thị

Ngày 20/6/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với phát triển nông nghiệp đô thị.

Chủ trì hội thảo là TS. Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM; đồng chủ trì có ông Lê Tuấn Tài – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM.

Đến tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, bà Hoàng Thị Mai – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành TP, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện UBND TP.Thủ Đức và các quận – huyện, đại diện các viện, trường, cơ quan báo chí và các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Đây là sự kiện lớn, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với phát triển nông nghiệp đô thị. Sự kiện đã quy tụ hơn 100 đại biểu (trong đó bao gồm các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã diễn giả, tham luận) đến từ Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, trọng tâm sâu sắc trong việc chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển nông nghiệp đô thị phải có chiến lược, hành động cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh nông nghiệp bền vững.

Bà Phạm Thị Thu Hà phát biểu ý kiến trong hội thảo

Bà Phạm Thị Thu Hà phát biểu ý kiến trong hội thảo

Ông cho rằng chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển đối với mọi thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tập thể. Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách, huy động mọi nguồn lực, phát triển theo tinh thần bắt kịp, cùng tiến với các khu vực kinh tế khác, đem lại những kết quả cụ thể, thiết thực.

Ngoài ra, vấn đề đáng lưu tâm đó là thay đổi nhận thức về chuyển đổi số nhằm chuyển đổi mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, tối ưu nguồn lực.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận và đóng góp nhiều ý kiến sôi nổi.

Tham luận với chủ đề “HTX phải sống được mới chuyển đổi số", ông Lâm Tuấn Ngọc – Giám đốc HTX rau thủy canh TP Thủ Đức cho rằng, chi phí đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp rất cao. Với mô hình thủy canh, chi phí chuyển đổi số cho 1000m2 lên tới tiền tỷ, do đó gây khó khăn trở ngại cho HTX, về chuyển đổi số trong nông nghiệp như: Yêu cầu cao về kỹ thuật quản lý, rủi ro sự cố công nghệ, phụ thuộc vào hạ tầng mạng, chi phí bảo trì và nâng cấp hệ thống, rủi ro về bảo mật....

Đồng thời, ông Ngọc cũng đề nghị lãnh đạo Sở có chính sách hỗ trợ chuyển đổi số đặc thù dành riêng cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Khoa- Giám đốc HTX rau sạch nên ăn (huyện Hóc Môn) cũng thừa nhận việc chuyển đổi số với HTX nông nghiệp là rất khó khăn. “HTX trước hết cần phải sống được mới thực hiện chuyển đổi số. Nếu HTX không sống được thì chuyển đổi số có ý nghĩa gì”, ông Khoa nói.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hà -Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vũ Hưng Trường (quận Bình Tân) cho rằng chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với phát triển nông nghiệp đô thị là những bước tiến vững mạnh được kỳ vọng của lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM.

Chuyển đổi số phải thay đổi tư duy - nhận thức từ thấp đến cao là trọng tâm, trọng điểm sẽ đem lại những kết quả cụ thể, thiết thực phát triển kinh tế, gắn liền với bảo vệ môi trường. Đó là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức.

Với tâm huyết phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn của HTX, bà Hà cho biết thêm cái khó khăn nhất là chuyển đổi về “tư duy- nhận thức”, sự hiểu biết trình độ học vấn của cả hệ thống chính trị, các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt “Ban Vận động, Trưởng thôn” thay đổi tư duy – nhận thức để tận dụng thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải hữu cơ để không gây ô nhiễm môi trường, không gây thiệt hại nặng nề đến phát triển kinh tế tập thể, nhằm cải tạo khôi phục môi trường gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, đem lại rất nhiều lợi ích môi trường cho xã hội, lợi ích môi trường cho người sử dụng, hướng đến sự bền vững vì sức khỏe và môi trường trong sạch, an toàn.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với phát triển nông nghiệp đô thị văn minh hiện đại phải gắn liền với việc có các quy phạm, chế tài trong quá trình hỗ trợ chuyển đổi số đặc thù, dành riêng cho sản xuất nông nghiệp; Sở cũng cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong vai trò chuyển đổi số.

Tại hội thảo, lãnh đạo Sở đã ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp tâm huyết với chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với phát triển nông nghiệp đô thị để kiến nghị, đề xuất với UBND TP để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Lãnh đạo Sở cho biết, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi sự tham gia, chung tay cả hệ thống chính trị, các hợp tác xã, người dân và doanh nghiệp; đồng thời sẽ chủ động giải quyết các vấn đề trong thẩm quyền để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, trong đó có chuyển đổi số cho khu vực này.

Qua đó, đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã; mở ra định hướng chuyển đổi số phát triển kinh tế xanh nông nghiệp tuần hoàn bền vững.

Thu Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/tphcm-chuyen-doi-so-khu-vuc-kinh-te-hop-tac-hop-tac-xa-gan-voi-phat-trien-nong-nghiep-do-thi_164012.html