TPHCM ghi nhận thêm 98 ca sởi trong một tuần

TPHCM ghi nhận thêm 104 ca sốt phát ban nghi sởi trong tuần 36, tăng 12,7% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 98 ca sởi.

 Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi

Ngày 11/9, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tuần 36 (từ ngày 2-8/9), thành phố ghi nhận 104 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 12,7% so với trung bình 4 tuần trước (92 ca), trong đó có 98 ca sởi.

Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến ngày 8/9 là 748 ca, trong đó có 581 ca sởi (287 ca xác định phòng xét nghiệm và 294 ca lâm sàng). Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Trước đó, ngày 27/8, UBND TPHCM đã công bố dịch sởi trên quy mô toàn thành phố. Từ ngày 31/8, ngành y tế thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên tốc độ tiêm được đánh giá còn chậm trong khi vaccine đã có sẵn, các đội tiêm chủng cũng sẵn sàng.

Sở Y tế TPHCM cho biết, số trẻ từ 1 đến 10 tuổi cần tiêm vaccine sởi trong chiến dịch ước tính khoảng gần 125.000 trẻ (bao gồm 60.733 trẻ 1 tuổi đến 5 tuổi và 63.303 trẻ 6 tuổi đến 10 tuổi). Tính đến hết ngày 9/9, toàn thành phố đã có 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vaccine sởi, chiếm tỷ lệ 32,6% đối với nhóm trẻ từ 1-5 tuổi và chiếm 15% trong nhóm trẻ từ 1 đến 10 tuổi.

Biểu đồ diễn biến ca sốt phát ban nghi sởi theo tuần năm 2024 tại TPCHm - Nguồn: HCDC

Biểu đồ diễn biến ca sốt phát ban nghi sởi theo tuần năm 2024 tại TPCHm - Nguồn: HCDC

Theo Sở Y tế, vẫn còn những quận huyện cần phải đẩy mạnh và nhanh hơn nữa công tác rà soát thực tế cho chiến dịch tiêm vaccine thật sự phát huy hiệu quả, cụ thể là: quận 1, Tân Bình, Tân Phú và quận 12 là những quận chỉ mới đạt khoảng 70%. Về tiến độ tiêm vaccine, có đến 21 quận huyện, ngoại trừ huyện Bình Chánh, đều có tiến độ tiêm dưới 60% so với số trẻ đã được lập danh sách.

BS.CK1 Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, giai đoạn khởi phát của bệnh sởi, trẻ thường có các biểu hiện của triệu chứng viêm long đường hô hấp như đỏ mắt, ho, hắt hơi, sổ mũi; một số trẻ kèm theo vết loét, nổi ban trong miệng.

Khi mắc sởi, trẻ sốt cao và khó hạ trong vòng 5-7 ngày đầu, sau ngày 4-5 của phát ban thì tình trạng sốt sẽ giảm. Khi mắc sởi thì trẻ cũng dễ gặp phải các biến chứng như viêm loét giác mạc, viêm tai giữa, viêm phổi.

Theo bác sĩ Ngọc Lưu, khi trẻ mắc sởi, tốt nhất là nên chăm sóc trẻ trong môi trường đủ thông thoáng, đủ ánh sáng để quan sát kịp thời các dấu hiệu bất thường như chảy mủ tai, nhòe mắt nhiều, trẻ thở nhanh, thở mệt. Một số trẻ mắc sởi thì còn kèm theo các vấn đề về đường tiêu hóa, trẻ có thể bị tiêu chảy nhiều dẫn đến mất nước. Do vậy phụ huynh nên chia nhỏ cữ ăn, cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu; không nên kiêng ăn tuyệt đối vì có thể khiến cho trẻ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Trẻ bị sởi thì không cần kiêng gió kiêng nước; nên cho trẻ tắm, lau người nhẹ nhàng cho trẻ.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tphcm-ghi-nhan-them-98-ca-soi-trong-mot-tuan-20240911163132733.htm