TPHCM nửa thế kỷ tiên phong chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Sau những thăng trầm lịch sử, TPHCM lại một lần nữa đang chứng minh vai trò tiên phong của mình trong công cuộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Việc nâng cấp công nghệ và chuyển đổi mô hình trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị kéo dài, thị trường thế giới phân mảnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh là một thử thách chưa có tiền lệ trong lịch sử.
Những thăng trầm lịch sử
Trước khi những nông dân Việt Nam di cư đến khẩn hoang, Nam bộ là một vùng đất đầm lầy với mật độ dân cư thưa thớt. Nền văn minh lúa nước của nhà nước phong kiến Việt Nam cùng với những con người tiên phong mang trong mình hoài bão và tinh thần khai phá đã nhanh chóng biến vùng đất đầm lầy này thành một vùng nông nghiệp trù phú. Từ những giai đoạn đầu tiên, Gia Định đã là hạt nhân của Nam bộ và nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế xã hội lớn của Việt Nam và khu vực Đông Á và Đông Nam Á vào đầu thế kỷ XIX.
Làn sóng đổ bộ của các nước đế quốc châu Âu đã tạo ra nhiều biến cố lịch sử xô đẩy các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á theo nhiều hướng khác nhau. Theo ước tính của nhà kinh tế học Angus Maddison, GDP bình quân đầu người vào năm 1820 của Việt Nam xấp xỉ bằng 0,64 lần của Nhật Bản và 0,35 lần của Vương Quốc Anh. Thống nhất đất nước năm 1975, GDP bình quân đầu người của Việt Nam xấp xỉ bằng 0,06 lần của Nhật Bản và Vương Quốc Anh. Chúng ta có thể tranh luận về tính chính xác của các con số GDP ước tính cho các nền kinh tế xa xưa nhưng những ngã rẽ của lịch sử là thực tế.

GDP bình quân đầu người (USD, giá so sánh 2011)Nguồn: Dự án Maddison (The Maddison Project)
Trong suốt 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách trên con đường phát triển kinh tế để trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới. Khoảng cách GDP bình quân đầu người giữa Việt Nam và Nhật Bản hay Vương Quốc Anh ngày càng được thu hẹp. TPHCM trở lại là trung tâm kinh tế xã hội lớn nhất cả nước và đang từng bước chuyển mình để trở thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Những thăng trầm lịch sử cho thấy thành phố là vùng đất hội tụ những đặc tính ưu việt cho các hoạt động kinh tế, chỉ cần môi trường thuận lợi sẽ tăng trưởng rất nhanh.
Tăng trưởng kinh tế sau giải phóng
Thập niên đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước là một giai đoạn đầy khó khăn và thử thách. Một nền kinh tế nông nghiệp tàn phá nặng nề bởi thuộc địa và chiến tranh phải xoay sở để công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong bối cảnh bị bao vây, cô lập và cấm vận quốc tế. Thử và sai là cách tiếp cận duy nhất. TPHCM đã chứng minh được vai trò tiên phong bằng rất nhiều sáng kiến và thử nghiệm quan trọng, góp phần đưa cả nước bước vào thời kỳ Đổi Mới.

GRDP, đầu tư, và lực lượng lao độngNguồn: Chi Cục Thống kê TPHCM
Những nền tảng cốt lõi của kinh tế thị trường được khai thông, từ luật đất đai đến luật doanh nghiệp, đóng vai trò như những dòng nước xanh mát tưới vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Nông nghiệp nhanh chóng hồi sinh và đạt được hiệu quả cao, công nghiệp và dịch vụ bắt đầu nở rộ. Từ bình thường hóa quan hệ với Mỹ đến gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và tham gia các hiệp định thương mại tự do, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới tiếp tục đem đến những dòng dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển TPHCM bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chào đón lao động từ khắp mọi miền trên đất nước đến lập nghiệp.

Chỉ số giá trị gia tăng và chỉ số sản xuất công nghiệp (2012 = 100) Nguồn: Chi Cục Thống kê TPHCM
Như hầu hết các vùng đất khác trên thế giới, TPHCM cũng bắt đầu công nghiệp hóa bằng các ngành chế biến chế tạo sử dụng lao động giản đơn và hàm lượng công nghệ khá thấp. Dòng người nhập cư đem lại một nguồn cung lao động dồi dào, chi phí lao động thấp tương đối khiến Thành phố trở thành điểm đến lý tưởng cho các khoản đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt là các hoạt động sản xuất với định hướng xuất khẩu.
Công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và các ngành dịch vụ sử dụng lao động giản đơn chứng kiến sự ra đời của rất nhiều doanh nghiệp nội địa chập chững tìm những bước đi đầu tiên trong nền kinh tế thị trường đang mở cửa hội nhập với thị trường quốc tế. GRDP (giá so sánh 2010) của TPHCM có một mối quan hệ đồng biến khá chặt chẽ với lực lượng lao động, theo sau đó là đầu tư.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Lịch sử các nền kinh tế trên thế giới đã cho thấy tăng trưởng kinh tế không đi theo một xu hướng tuyến tính mà là sự nối tiếp của những chu kỳ thay đổi về lượng và chất. Khi sản lượng sản xuất của nền kinh tế tăng lên đến một ngưỡng giới hạn, cần phải có một sự nâng cấp về chất lượng. Các thể chế kinh tế hiện hành, từng là cơ chế bảo vệ cho nền kinh tế non trẻ trước đây, nay trở nên gò bó, trở thành rào cản, đòi hỏi phải có những thay đổi để hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi và duy trì tăng trưởng.
Nhận thấy được vấn đề này, Quốc hội đã thông qua nhiều thay đổi lớn về thể chế cho TPHCM để phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực bộ máy hành chính và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ thâm dụng lao động với giá trị gia tăng thấp sang ứng dụng công nghệ với giá trị gia tăng cao. Đối với ngành công nghiệp, sự chuyển dịch này sẽ khiến giá trị gia tăng theo giá so sánh (phản ánh giá trị thị trường của sản phẩm công nghiệp được sản xuất) tăng nhanh hơn sản lượng sản xuất (phản ánh số lượng sản phẩm công nghiệp được sản xuất).
Giai đoạn 2012-2019 là giai đoạn mà lực lượng lao động di cư đến thành phố tăng mạnh đồng thời sản lượng công nghiệp tăng nhanh hơn giá trị gia tăng, phản ánh sự tăng trưởng của các ngành thâm dụng lao động với giá trị gia tăng thấp, ví dụ như dệt và trang phục. Đến giai đoạn dịch Covid-19, sản lượng lại giảm sâu hơn giá trị gia tăng. Từ sau đại dịch, sản lượng phục hồi chậm, nhưng là tín hiệu tích cực cho thấy đang có sự chuyển dịch sang các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Kỷ nguyên mới
Nửa thế kỷ sau giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế quan trọng. Trong kỷ nguyên mới của đất nước, thành phố lại một lần nữa chứng minh vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập cao. Việc nâng cấp công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh tế trong bối cảnh này là một thử thách chưa có tiền lệ trong lịch sử. Một lần nữa, thử và sai là cách tiếp cận duy nhất. Như một cái cây được ươm mầm từ hạt giống tốt, chỉ cần có không gian phù hợp, TPHCM sẽ vượt qua thử thách này và tiếp tục vươn mình trở thành đô thị hàng đầu khu vực châu Á.