TPHCM tổ chức bảo vệ an toàn thông tin qua 4 lớp và giám sát 24/7

Trả lời chất vấn của đại biểu về bảo mật thông tin, an ninh mạng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, TPHCM đang triển khai một số giải pháp như giám sát 24/7, nghiên cứu xây dựng dự án trung tâm dữ liệu dự phòng và tổ chức bảo vệ an toàn thông tin qua 4 lớp...

Hoàn thiện hạ tầng cho cơ sở

Sáng 16-7, tiếp tục phiên chất vấn Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng tại kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khóa X, ĐB Huỳnh Đặng Hà Tiên đặt vấn đề, hiện nay, UBND cấp phường, xã, quận, huyện là cơ quan trực tiếp cung cấp dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp. ĐB đề nghị Giám đốc Sở TT-TT TPHCM đánh giá về hạ tầng thông tin tại các địa phương, thành phố có giải pháp gì để chuyển đổi số tại địa phương đạt hiệu quả?

 Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng trả lời các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng trả lời các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, TPHCM đã nhận diện hạn chế về hạ tầng thông tin ở cơ sở. Do đó, năm nay, TPHCM đặt chỉ tiêu 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện và phường, xã, thị trấn.

Hiện nay, Sở TT-TT phối hợp rà soát, xác định cần đầu tư cho các đơn vị, địa phương hơn 3.000 thiết bị với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng. Hiện Sở KH-ĐT đã trình UBND TPHCM, sở sẽ tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM chủ trì nghe ý kiến các sở, ngành để thông qua nhanh, bố trí kịp vốn để trang bị kịp thời.

 ĐB Trần Quang Thắng đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Trần Quang Thắng đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Quang Thắng về đường truyền mạng của các địa phương có tốc độ yếu ảnh hưởng đến tương tác của người dân với chính quyền, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết có 3 nguyên nhân:

Thứ nhất là hạ tầng máy tính tại các đơn vị đã cũ, xuống cấp. Giải pháp cho nguyên nhân này là sở phối hợp tham mưu đưa việc mua sắm máy tính ra khỏi việc mua sắm tập trung để các đơn vị mua sắm thuận tiện hơn.

Thứ hai là do nhu cầu chuyển đổi số quá lớn, yêu cầu phát sinh phức tạp nên việc quản trị nền tảng chung điều chỉnh không kịp. Việc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM được thành lập là một trong những giải pháp để hỗ trợ các địa phương. Thời gian tới, Sở TT-TT sẽ ban hành cổng vận hành điều phối chuyển đổi số của TPHCM để giúp các cơ quan về hạ tầng, nền tảng chung nhằm giải quyết kịp thời cho các đơn vị.

Thứ ba là phần mềm, nền tảng của bộ, ngành triển khai trên địa bàn thành phố nhưng chưa thích ứng, phù hợp với TPHCM, chưa lường được quy mô của thành phố, khi điều chỉnh chưa kịp thời.

"Sở TT-TT đang nghiên cứu, tham mưu UBND TPHCM có những đề án, chương trình chuyên sâu thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn", Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng.

Tăng cường bảo mật thông tin

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Đức Hiếu về vấn đề bảo mật thông tin, an ninh mạng, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, TPHCM đang triển khai một số giải pháp như đặt toàn bộ dữ liệu tại trung tâm dữ liệu của thành phố, được giám sát 24/7. TPHCM cũng đang nghiên cứu xây dựng dự án trung tâm dữ liệu dự phòng.

 Các đại biểu dự phiên chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu dự phiên chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM tổ chức bảo vệ an toàn thông tin qua 4 lớp gồm bảo vệ tại cơ quan đơn vị, trung tâm dữ liệu TPHCM, đội ngũ chuyên gia đánh giá độc lập, hệ thống kết nối với hệ thống đảm bảo an toàn của trung ương. TPHCM cũng có mạng lưới ứng cứu an toàn thông tin để ứng cứu các đơn vị khi có sự cố xảy ra. TPHCM còn tổ chức diễn tập trực chiến an toàn thông tin; nhiều lớp tập huấn về an toàn thông tin.

Về chia sẻ dữ liệu dùng chung, ông Lâm Đình Thắng khẳng định, hệ thống cơ sở dữ liệu của TPHCM đã được liên thông trên nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Toàn bộ cơ quan trên địa bàn TPHCM đều được tích hợp và chia sẻ. Việc này được thực hiện từ lâu, kiên trì từng năm.

Việc chia sẻ dữ liệu tại TPHCM được thực hiện trên sở nền tảng số thống nhất, hệ thống thống nhất như hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận giải quyết thông tin trên cổng 1022, hệ thống giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo thống nhất… Thời gian tới, TPHCM sẽ đưa vào vận hành các hệ thống như quản lý đất đai, giấy phép xây dựng, hồ sơ học bạ điện tử, sức khỏe điện tử…

Ủng hộ chi ngân sách hỗ trợ bệnh viện công chuyển đổi số

ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc đặt vấn đề, chuyển đổi số đang là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong ngành y tế. "Với vai trò là Giám đốc Sở TT-TT, ông có đề xuất hay có giải pháp cụ thể nào thúc đẩy việc triển khai đầu tư, đảm bảo hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số trong các bệnh viện công?", ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn.

ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng khẳng định, ngành y tế rất tích cực và đầu tư có hiệu quả công tác chuyển đổi số.

Sở TT-TT đang phối hợp tích cực với ngành y tế để đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngoài ra, quan điểm của sở ủng hộ việc chi ngân sách nhà nước hỗ trợ các bệnh viện công chuyển đổi số, mua sắm trang thiết bị và đặt dữ liệu của các bệnh viện này tại trung tâm dữ liệu của TPHCM. Do đó, Sở sẽ làm việc với các sở, ngành để xác định những nội dung, hạng mục, dự án có thể đề nghị UBND TPHCM chi hỗ trợ cho ngành y tế. Riêng dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử chung cho toàn thành phố thì TPHCM phải ưu tiên đặt tại trung tâm dữ liệu thành phố. Còn những nội dung riêng của từng bệnh viện thì tùy mức độ để tính toán.

VĂN MINH - NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-to-chuc-bao-ve-an-toan-thong-tin-qua-4-lop-va-giam-sat-247-post749529.html