TPHCM và Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Chiều 16-1, tại Hội thảo Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam do UBND TP Đà Nẵng và Bộ KH-ĐT tổ chức, TPHCM và TP Đà Nẵng được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao, có nhiều lợi thế để phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, mục tiêu phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng dựa trên điều kiện nền tảng chung của cả quốc gia với tình hình chính trị ổn định, quy mô nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, độ mở lớn và hội nhập với nền kinh tế thế giới...
Đặc biệt là vị trí chiến lược có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, vị trí địa chính trị quan trọng nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới.
Từ lợi thế của quốc gia là điều kiện nền tảng, TPHCM và Đà Nẵng tiếp tục phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
TPHCM được xếp hạng trong danh sách các trung tâm tài chính tại báo cáo xếp hạng các Trung tâm tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index- GFCI) lần đầu tiên vào năm 2022. Và tại báo cáo gần nhất của GFCI (tháng 9-2024), Trung tâm tài chính TPHCM được đánh giá là một trong số các trung tâm tài chính có sự cải thiện nổi bật về thứ hạng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
TPHCM cũng là trung tâm dịch vụ tài chính số của Việt Nam, là thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính cùng với hệ sinh thái tài chính tập trung hơn 50% công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (Fintech), cùng với lực lượng lao động, lập trình viên có trình độ, tay nghề cao với mức chi phí rất cạnh tranh so với các nước trong khu vực, có thể tạo được lợi thế và hình thành các sản phẩm đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM.
Báo cáo của GFCI cũng đánh giá TPHCM là trung tâm tài chính mới nổi, đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên còn thiếu tính kết nối, đa dạng và chuyên môn hóa của các trung tâm tài chính hàng đầu.
TPHCM sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng trung tâm tài chính, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng phục vụ trung tâm tài chính; xây dựng và triển khai phương án đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho trung tâm tài chính...
Việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để trung tâm tài chính tại Việt Nam bắt kịp chuẩn mực thông lệ quốc tế, hiện thực hóa được mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong tương lai, các trung tâm tài chính của Việt Nam sẽ đóng vai trò là trung tâm tài chính quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, có đủ năng lực để tận dụng cơ hội dịch chuyển các dòng vốn đầu tư quốc tế, kết nối các thị trường tài chính và trở thành một trung tâm tài chính toàn diện được quốc tế công nhận.
Trong khi đó, theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thụy Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng trong hành lang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và môi trường - hạ tầng đô thị của TP Đà Nẵng, tạo nên sự kết hợp khác biệt giữa các dịch vụ tài chính truyền thống và công nghệ tiên tiến hàng đầu, thúc đẩy giao lưu, hợp tác và đầu mối giao thương của các chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển.
Đây là định hướng phù hợp với thực tiễn phát triển và thời cơ mới từ việc hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phát huy được các điều kiện, lợi thế của TP Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, mở ra triển vọng đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính - công nghệ của quốc gia, khu vực.
Phát biểu khai mạc, theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 47-TB/TW về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Đây là thách thức lớn, lĩnh vực mới mẻ nhưng là chiến lược đột phá trong phát triển kinh tế, tài chính, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Để quán triệt và bảo đảm triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Bộ Chính trị tại kết luận số 47-TB/TW, trong thời gian ngắn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31-12-2024 về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện kết luận số 47-TB/TW và Quyết định số 1718/QĐ-TTg ngày 31-12-2024 về thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Hội thảo sẽ làm rõ các tiềm năng và điều kiện thuận lợi để hình thành, phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; các ý tưởng, khuyến nghị để Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sớm phát triển.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế về thành công của các trung tâm tài chính quốc tế, Tiến sĩ Andreas Baumgartner EMBS, Viện Metis cho rằng, có 5 yếu tố cốt lõi để hình thành trung tâm như: định vị rõ ràng và đề xuất giá trị cụ thể; môi trường quản trị và pháp lý mạnh mẽ, minh bạch, đáng tin cậy; môi trường vật chất hấp dẫn; cộng đồng năng động và sự kiên trì và xuất sắc trong thực thi.
Quan trọng nhất chính là định vị rõ ràng và đề xuất giá trị cụ thể. Các trung tâm tài chính quốc tế thành công đều mang một giá trị độc đáo cho thị trường. Không một trung tâm nào chỉ thành công bằng cách đơn thuần gắn nhãn “Trung tâm tài chính quốc tế”. Điển hình, Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai luôn tự định vị là một nhà đổi mới mạnh mẽ, ban đầu là trung tâm khu vực thực thụ và sau đó phát triển để có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
"Khi Việt Nam thành lập không chỉ một mà là hai trung tâm tài chính quốc tế ở Đà Nẵng và TPHCM, việc phân biệt rõ ràng hai trung tâm này là rất quan trọng. Mỗi trung tâm cần có một đề xuất giá trị cụ thể, rõ ràng, nhằm tránh sự nhầm lẫn hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Điều này sẽ đảm bảo rằng mỗi trung tâm có thể khai thác tốt nhất tiềm năng riêng và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của thị trường", TS Andreas Baumgartner EMBS nêu.
Ông Andy Khoo, Tập đoàn Terne Holdings cho rằng, quản trị là nền tảng của bất kỳ trung tâm tài chính thành công nào. Đối với Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng, điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo sự độc lập trong quy định, tính minh bạch và cách tiếp cận chính sách có tầm nhìn xa.
Bằng cách thiết lập một cơ quan quản lý tự chủ theo mô hình của Dubai, Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể xây dựng niềm tin và sự tin cậy từ các nhà đầu tư toàn cầu. Đây không chỉ là một lý tưởng mà còn là một yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ trung tâm tài chính nào muốn cạnh tranh trên trường quốc tế.
Việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ vận hành chính giúp Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo khả năng tiếp cận cho các bên liên quan trên toàn cầu.
“Để đảm bảo rõ ràng về mặt pháp lý, chúng tôi đề xuất thiết lập một khung trọng tài chuyên biệt với đội ngũ chuyên gia quốc tế. Điều này sẽ mang lại sự yên tâm cho các doanh nghiệp rằng các tranh chấp của họ có thể được giải quyết một cách hiệu quả và công bằng.
Với một hệ thống thuế bậc thang, chúng ta có thể làm cho Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng trở nên cạnh tranh mà vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu. Việc áp dụng chiến lược thuế linh hoạt sẽ hỗ trợ thu hút đầu tư mà không gây bất lợi cho sự ổn định tài chính”, ông Andy Khoo nói.