Trả lời chất vấn về dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

Chiều 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã giải đáp các vấn đề đại biểu đặt ra như: Bảo hộ công dân, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa...

Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Kiên Giang, có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé dự phiên họp.

Đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc truyền bá văn hóa Việt Nam, duy trì phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua, Bộ tích cực xây dựng đề án, chiến lược, cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức sự kiện ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt Nam. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có góc trưng bày sản phẩm văn hóa ở trụ sở, đặc biệt là ở phòng tiếp khách, tiếp công dân.

Bộ Ngoại giao phối hợp thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước sở tại.

Các đại biểu tại điểm cầu Kiên Giang nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.

Các đại biểu tại điểm cầu Kiên Giang nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.

Về việc duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học để triển khai việc hỗ trợ các hội đoàn người Việt xây dựng các trường, lớp tiếng Việt, qua đó duy trì, phát huy được giá trị văn hóa Việt Nam.

Các cơ quan đã xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt dành riêng cho đối tượng người Việt tại nước ngoài, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục, đào tạo về tiếng Việt. Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hơn 70.000 các loại sách giáo khoa tiếng Việt, nhiều văn hóa phẩm tiếng Việt đi kèm để hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp các hội, đoàn người Việt ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức dạy tiếng Việt, vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở giảng dạy tiếng Việt của kiều bào ta, đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại phù hợp với cấp học; hỗ trợ xây dựng các cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Một là, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Hai là, thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo.

Bốn là, hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch. Năm là, công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

Tin và ảnh: TRÚC LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/tra-loi-chat-van-ve-day-tieng-viet-cho-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-19509.html