Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Thực hiện quy định của pháp luật về tiếp xúc cử tri, trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình đến các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh để giải quyết theo quy định. Hiện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được văn bản trả lời của Bộ Quốc phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trên số báo này, Báo Ninh Bình đăng tải văn bản trả lời của Bộ Quốc phòng để cử tri và nhân dân được biết.
* Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị của cử tri về chế tài xử phạt vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự và Chính sách ưu tiên về việc làm đối với bộ đội xuất ngũ Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Bình do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại Công văn số 8243/VPCPQHĐP ngày 10/11/2021 với nội dung, kiến nghị: Nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng quy định chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự; tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về nghĩa vụ quân sự; đồng thời, nghiên cứu có chính sách ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp đối với nam thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự".
Sau khi nghiên cứu, Bộ Quốc phòng có ý kiến như sau: Về chế tài xử phạt Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, tại Điều 59 quy định xử lý vi phạm như sau: "Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Xử lý vi phạm hành chính về nghĩa vụ quân sự (NVQS) quy định tại Nghị định số 120/2013/ NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (Nghị định số 120/2013/NĐ-CP).
Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt quy định tại Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Những năm gần đây, hành vi trốn tránh NVQS có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương; nhất là những nơi có nhiều khu công nghiệp, làng nghề, thành phố, thị xã, trong khi đó, mức xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 120/2013/NĐ-CP được coi là nhẹ, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa; trình tự thủ tục xử phạt còn những vướng mắc, bất cập, chưa có tính kịp thời.
Về giải pháp, thực hiện Quyết định số 1510/QĐ-TTg ngày 01/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật NVQS năm 2015; Bộ Quốc phòng đã tiến hành sơ kết 6 năm thực hiện Luật NVQS giai đoạn 2016-2021 và báo cáo kết quả trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Qua đó, kiến nghị đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập đối với Luật NVQS và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong đó có chế tài xử phạt và chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành dự thảo "Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới, cùng với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, góp phần ngăn ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm liên quan về NVQS trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm tại các địa phương.
Chính sách ưu tiên về việc làm đối với bộ đội xuất ngũ Chính sách về việc làm đối với bộ đội xuất ngũ được quy định tại Điều 50 Luật NVQS năm 2015, Điều 8 Nghị định số 27/2016/NĐCP ngày 6/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
Theo đó, bộ đội xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm, được cấp Thẻ học nghề, được tiếp nhận lại nơi làm việc trước khi nhập ngũ, được ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng và một số chế độ, chính sách khác. Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả chính sách hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ và công tác hậu phương quân đội; đồng thời, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng tăng thời hạn sử dụng Thẻ học nghề và cải thiện chế độ chính sách liên quan.
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị quân đội tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 98/CT-BQP ngày 26/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường biện pháp, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trong tình hình mới; trong đó có nội dung thực hiện chế tài xử phạt liên quan về NVQS và chính sách việc làm của bộ đội xuất ngũ.