Trà Vinh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống

Trong bối cảnh triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh đã có những bước đi quan trọng nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đặc biệt chú trọng đến việc cấp đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ nhà ở, với mục tiêu giúp các cộng đồng DTTS ổn định cuộc sống và phát triển bền vững. Những nỗ lực này không chỉ nhằm cải thiện điều kiện sống mà còn đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại các vùng khó khăn.

Đời sống đồng bào DTTS ở Trà Vinh ngày một nâng cao (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Đời sống đồng bào DTTS ở Trà Vinh ngày một nâng cao (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Ngày 20/3/2024, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND để thực hiện Chương trình năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, tỉnh đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hộ đồng bào DTTS, cụ thể là hỗ trợ đất ở cho 34/50 hộ và nhà ở cho 767/795 hộ. Mục tiêu của tỉnh Trà Vinh trong năm 2024 là hỗ trợ đất ở cho 25 hộ và xây dựng nhà ở cho 319 hộ. Tỉnh phấn đấu đạt 100% hỗ trợ cho các đối tượng hộ DTTS nghèo và hộ nghèo dân tộc Kinh sống tại ấp đặc biệt khó khăn. Các đối tượng được ưu tiên bao gồm: hộ chưa có đất ở, nhà ở hoặc nhà ở chưa đạt chuẩn (theo quy định 03 cứng: nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng); hộ làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức của địa phương. Đặc biệt, ưu tiên cho hộ nghèo có phụ nữ làm chủ hộ hoặc là lao động duy nhất nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động.

Căn cứ vào quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách, UBND cấp huyện sẽ xem xét và quyết định giao đất cho các đối tượng phù hợp với điều kiện địa phương. Tại những nơi có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương sẽ sử dụng ngân sách để tạo mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật cấp đất ở. Ngược lại, ở những nơi thiếu đất đai, chính quyền sẽ bố trí kinh phí để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.

Để đảm bảo rằng mọi hộ dân đều nhận được sự hỗ trợ cần thiết, tỉnh đã quy định rõ các tiêu chí hỗ trợ xây dựng một căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, với định mức xây dựng cho một căn nhà cấp 4 đảm bảo tiêu chí 03 cứng. Các hộ thuộc đối tượng chính sách sẽ nhận một trong hai hình thức hỗ trợ: trực tiếp cấp đất sản xuất nếu có nhu cầu, hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề trong trường hợp không thể bố trí được đất sản xuất.

Về tài chính, nhu cầu vốn thực hiện Dự án 1 là 18.828 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 15.901 triệu đồng (vốn đầu tư 12.589 triệu đồng, vốn sự nghiệp 3.312 triệu đồng); ngân sách địa phương là 2.385 triệu đồng (vốn đầu tư 1.888 triệu đồng, vốn sự nghiệp 497 triệu đồng). Ngoài ra, sẽ có nguồn vốn vay tín dụng chính sách theo nhu cầu của các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng.

UBND tỉnh Trà Vinh đã phân công Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính cùng các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có liên quan, hướng dẫn tổ chức thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS. Sở Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp thực hiện hỗ trợ nhà ở cho đối tượng của Dự án. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và tuyên truyền chính sách đến từng hộ dân, đảm bảo rằng các đối tượng thụ hưởng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong chương trình hỗ trợ này. MTTQ tỉnh sẽ tổ chức các cuộc họp, hội thảo để thu thập ý kiến phản hồi từ cộng đồng, từ đó điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho phù hợp với thực tiễn.

Trong hạng mục hỗ trợ đất ở, UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt cho 91 hộ năm 2022 và 47 hộ năm 2023. Tuy nhiên, chỉ có 50 hộ đủ điều kiện nhận hỗ trợ vì một số hộ đã được trợ giúp từ các chương trình khác hoặc đã thoát nghèo. Trong số đó, 34 hộ đã được hỗ trợ tiền để tự ổn định chỗ ở với tổng kinh phí 1.564 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.360 triệu đồng và ngân sách tỉnh hỗ trợ 204 triệu đồng. Về hỗ trợ nhà ở, năm 2022 có 846 hộ và năm 2023 có 775 hộ cần hỗ trợ xây dựng nhà ở, với tổng số 737 hộ đã nhận được hỗ trợ, tổng kinh phí 33.943 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 29.480 triệu đồng, ngân sách tỉnh 4.463 triệu đồng).

Trong nội dung hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề, năm 2022 có 824 hộ và năm 2023 có 273 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề. Trong số đó, 508 hộ đã được hỗ trợ với tổng số tiền 5.080 triệu đồng từ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, tỉnh không thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất vì không còn quỹ đất. Thay vào đó, UBND các huyện, xã đã triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân bằng cách hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc hoặc thông qua vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và các dịch vụ cơ bản khác, đến nay đã hỗ trợ được 333 hộ chuyển đổi nghề.

Về vấn đề thiếu nước sinh hoạt, năm 2022 có 477 hộ và năm 2023 có 150 hộ được phê duyệt nhận hỗ trợ. Tổng cộng 418 hộ đã nhận hỗ trợ nước sinh hoạt với tổng kinh phí 1.254 triệu đồng từ ngân sách Trung ương. Các hộ dân ở vùng khó khăn được hỗ trợ dụng cụ chứa nước, hoặc ở nơi có sẵn nguồn nước nhưng thiếu thiết bị đấu nối, được hỗ trợ các dụng cụ để dẫn nước. Tại huyện Trà Cú, ba công trình nước sinh hoạt tập trung đã hoàn thành xây dựng ở các xã Thanh Sơn, Kim Sơn và Ngãi Xuyên, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.

Trong giai đoạn 2022-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tạo điều kiện cho 1.036 hộ vay vốn với số tiền 47.074 triệu đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch. Các khoản vay bao gồm: 31.645 triệu đồng cho 601 hộ vay vốn xây nhà, 1.240 triệu đồng cho 25 hộ vay vốn đất ở, và 14.189 triệu đồng cho 410 hộ vay vốn chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa phân bổ vốn triển khai tiếp tục.

Trong những năm qua, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, nơi có gần 51% đồng bào Khmer sinh sống, đã nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Từ nguồn đầu tư của Trung ương và địa phương, xã đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở. Năm 2022, xã đã xây dựng 19 căn nhà theo Quyết định số 2100/QĐ-UBND và hỗ trợ vay vốn cho 53 căn nhà thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong năm 2023, huyện đã giải ngân gần 15 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho 360 hộ Khmer, cơ bản hoàn thành gần 330 căn. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ 17 căn nhà Đại đoàn kết. Đến nay, xã đã có 2.936 hộ đạt chuẩn về nhà ở, chiếm 93,47%, không còn hộ nào sống trong nhà tạm hay dột nát.

Tại xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, nơi có hơn 70% dân số là đồng bào Khmer, Chương trình đã được triển khai từ đầu năm 2023, tập trung vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ đầu tư sản xuất. Hơn 70 hộ nghèo và cận nghèo đã được vay tổng cộng hơn 6 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Địa phương đã xây dựng 15 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở, với nguồn hỗ trợ 40 triệu đồng và cho vay 50 triệu đồng, cùng với 28 căn từ Dự án 1. Nhiều hộ gia đình tại Thạnh Hòa Sơn đã được chính quyền hỗ trợ cho vay từ 40 đến 50 triệu đồng, nhờ vào nguồn tích góp, nhiều hộ đã xây dựng được những ngôi nhà khang trang.

Tại huyện Duyên Hải, nơi có 8.732 hộ dân tộc Khmer, chiếm 42,4% tổng số hộ, địa phương đã giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho 29 hộ nghèo người dân tộc Khmer với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ nhà ở cho 24 hộ. Đây là một trong những nỗ lực lớn của huyện nhằm cải thiện điều kiện sống cho đồng bào DTTS.

Huyện Càng Long trong năm 2023 đã giải quyết cho 1 hộ được hưởng lợi về đất ở và 3 hộ về nhà ở. Tại huyện Tiểu Cần, năm 2023, đã hỗ trợ nhà ở cho 15 hộ, trong đó xã Tập Ngãi, với gần 50% dân số là đồng bào Khmer, đã có 5 hộ được hỗ trợ nhà ở với mức 46 triệu đồng/hộ. Năm 2024, huyện Cầu Kè dự kiến sẽ hỗ trợ 15 hộ đồng bào DTTS còn gặp khó khăn về nhà ở.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình tại Trà Vinh còn một số khó khăn, việc quản lý còn thiếu đồng bộ tại cấp xã và ấp. Công tác giám sát cộng đồng tại một số nơi chưa phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở khâu khảo sát, thiết kế và giám sát các công trình, dẫn đến chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, một số tiểu dự án vẫn chưa huy động được cộng đồng tham gia xây dựng phương án sản xuất.

Để tháo gỡ, Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành các nghị quyết quan trọng, như Nghị quyết 11/NQ-HĐND, thí điểm phân cấp quản lý cho hai huyện Cầu Ngang và Trà Cú, giúp địa phương chủ động điều chỉnh vốn giữa các chương trình. Cùng với đó, Nghị quyết 12/NQ-HĐND và Nghị quyết 14/NQ-HĐND cho phép chuyển vốn chưa giải ngân từ năm 2023 sang 2024 để tiếp tục triển khai. Thực hiện Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội, tỉnh cũng có thể điều chỉnh vốn đầu tư công và chi thường xuyên giữa các chương trình để tập trung cho các dự án có khả năng triển khai.

Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh xác định cần tăng cường vai trò lãnh đạo từ cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu, đồng thời khuyến khích sự tham gia chủ động của nhân dân và tính gương mẫu của cán bộ. Ngoài ra, cần huy động thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương và đóng góp từ cộng đồng, doanh nghiệp, phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội trong các chính sách vay vốn ưu đãi. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông và giám sát, tạo sự đồng thuận và tăng cường nhận thức trong toàn xã hội về các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đảm bảo chương trình đạt hiệu quả cao nhất.

Hồng Phương

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/tra-vinh-ho-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-on-dinh-cuoc-song-59102.html