Trà Vinh: Nhiều kiến nghị gỡ khó trong thực hiện chương trình MTQG vùng dân tộc thiểu số
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị tháo gỡ một số khó khăn.
Ngày 19/9, Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh về việc triển khai thực hiện Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Đoàn giám sát sẽ giám sát việc thực hiện Dự án 1 như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của Dự án 1; Đối tượng thụ hưởng của Dự án 1; việc hỗ trợ đất ở; việc hỗ trợ nhà ở; việc hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; việc hỗ trợ nước sinh hoạt; việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách liên quan đến triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình các năm 2022, 2023 của các địa phương.
Ông Hà Thanh Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, địa phương có 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm 31,53%, dân tộc Hoa chiếm gần 0,66%. Tỉnh có 59 xã, phường, thị trấn có trên 20% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi.
Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Dự án 1, ông Hà Thanh Sơn cho biết, các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, bước đầu cơ bản đạt được một số nhiệm vụ đề ra.
Về hỗ trợ đất ở, UBND các huyện, thành phố ra quyết định phê duyệt hộ hưởng lợi năm 2022 là 91 hộ, năm 2023 là 47 hộ thiếu đất ở. Khi triển khai thực hiện chỉ còn 50 hộ (vì một số hộ đã được hỗ trợ từ chương trình, dự án khác và thoát nghèo). Số hộ được hỗ trợ tiền để tự ổn định chỗ ở là 34/50 hộ với số tiền hơn 1,56 tỷ đồng. Về hỗ trợ nhà ở, UBND các huyện, thành phố ra quyết định phê duyệt hộ hưởng lợi năm 2022 có 846 hộ, năm 2023 có 775 hộ cần hỗ trợ xây dựng nhà ở. Số hộ được hỗ trợ nhà ở 737 hộ với số tiền hơn 33,94 tỷ đồng.
Số hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề là 508 hộ với số tiền 5,080 tỷ đồng. Tỉnh không thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất. Số hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt là 418 hộ, với số tiền hơn 1,25 tỷ đồng. Có 3 xã được đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung. Bên cạnh đó, giai đoạn 2022-2023, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện cho 1.036 hộ vay vốn với số tiền hơn 47 tỷ đồng.
Ông Hà Thanh Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho rằng, việc thực hiện hỗ trợ đất ở khó, do giá đất ở cao so với số tiền hỗ trợ. Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, địa phương đối ứng hỗ trợ không quá 15% và Ngân hàng chính sách hỗ trợ cho vay không quá 50 triệu đồng. Do đó, với các khoản hỗ trợ gần 100 triệu đồng khó mua được đất ở trong khi đó, địa phương không còn quỹ đất công.
Riêng đất sản xuất, tỉnh không thực hiện mà hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển đổi nghề. Vì mức hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất có khả năng sản xuất và Ngân hàng chính sách cho vay tối đa 77,5 triệu đồng/hộ khó tìm mua quỹ đất phục vụ sản xuất hiện nay.
Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nâng lên mức hỗ trợ nhà ở 80 triệu đồng/hộ và xem xét nâng mức hỗ trợ đất ở và đất sản xuất vì giá đất hiện nay trên địa bàn tỉnh rất cao.
Kiến nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh nội dung số 1 của Dự án 4 về duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng… thành “Duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp mở rộng công trình cơ sở hạ tầng” để địa phương linh hoạt trong việc triển khai các công trình cơ sở hạ tầng của các xã, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (theo Quyết định 1719). Mở rộng địa bàn thuộc Dự án 8 (Quyết định 1719) vì theo quy định được triển khai trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn (hiện nay tỉnh Trà Vinh không còn xã, ấp đặc biệt khó khăn, chỉ có 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đó không triển khai thực hiện được).
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 0,5% theo chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh. Sớm ban hành hệ thống phần mềm báo cáo đánh giá Chương trình để địa phương nhập số liệu báo cáo kết quả thực hiện, thống nhất, đồng bộ.
Tổ chức tập huấn hướng dẫn cách ghi biểu tổng hợp số liệu theo Thông tư số 01/2022/TT-UBDT cho cán bộ triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp. Hướng dẫn cụ thể điều kiện để xác định đối tượng được hưởng chính sách đào tạo dự bị đại học, đại học thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 5, để có đủ cơ sở xác định đối tượng chính sách và cấp chế độ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, đoàn công tác sẽ giám sát trực tiếp việc triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình, qua đó tiến hành tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện của các địa phương, đơn vị, góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm tiêu cực. Kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, hạn chế, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định; biểu dương, khen thưởng, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phổ biến, hướng dẫn nâng cao kiến thức nghiệp vụ giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam các cấp; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình.
Qua báo cáo của Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành, ban hành các Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn, phân bổ nguồn vốn, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm.
"Qua báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tôi thấy Ban Dân tộc đã bám theo đề cương của đoàn giám sát, cung cấp các số liệu hết sức cơ bản, đầy đủ. Rất ấn tượng khi ngay từ khi triển khai chủ trương HĐND tỉnh ban hành 14 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 27 Quyết định và các văn bản khác chỉ đạo. Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ của chương trình", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhận xét.
Sau buổi làm việc với Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh, đoàn giám sát khảo sát một số dự án cụ thể tại xã Thuận Hòa (huyện Cầu Ngang), giám sát việc thực hiện Dự án 1 tại huyện Cầu Ngang. Đồng thời, sẽ tổ chức Hội nghị sau giám sát, lấy ý kiến đại biểu hoàn thiện báo cáo.