Trách nhiệm hình sự vụ giết người tình rồi tự sát

Luật sư cho biết, nếu bị chứng minh có tội, kẻ giết người tình rồi tự sát bất thành này có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội 'Giết người'.

Đối tượng Phan Đình Tuyến nhập viên sau nghi án giết người tình rồi tự sát

Đối tượng Phan Đình Tuyến nhập viên sau nghi án giết người tình rồi tự sát

CQ CSĐT CA tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Phan Đình Tuyến, SN 1985, trú tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để điều tra về hành vi giết người.

Trước đó, khoảng 19h ngày 30/5, người dân địa phương trình báo với cơ quan chức năng về việc tại nhà Phan Đình Tuyến phát ra tiếng kêu cứu. Thời điểm hàng xóm chạy sang, phát hiện chị Nguyễn Thị N., SN 1994, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh bị nhiều vết thương ở vùng ngực, tay... cạnh đó là Tuyến cũng bị nhiều vết thương trên vùng ngực.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng phối hợp người nhà đưa cả hai người đi cấp cứu tại BVĐK thị xã Kỳ Anh. Tuy nhiên, do bị nhiều vết thương, người phụ nữ đã tử vong từ trước khi vào bệnh viện, còn Tuyến sau khi được các y, bác sĩ sơ cứu đã chuyển bệnh viện.

CQCA cho biết, vì Tuyến đang điều trị tại bệnh viện, nên chưa thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra. Lãnh đạo UBND phường Kỳ Liên thông tin, Tuyến và chị N. sống chung với nhau nhưng chưa có giấy đăng ký kết hôn.

Liên quan đến vụ án giết người tình rồi tự sát, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tính mạng, sức khỏe của người khác là bất khả xâm phạm, những người cố ý tước đoạt tính mạng của người khác phải đối mặt với hình phạt hết sức nghiêm khắc.

Trong vụ việc này, CQĐT sẽ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của người liên quan, thu giữ các vật chứng liên quan đến vụ án… để xác định nguyên nhân, động cơ gây án của đối tượng. Ngoài ra, CQĐT cũng sẽ đánh giá diễn biến sự việc, đánh giá khả năng nhận thức hành vi của đối tượng, làm cơ sở định tội và xử lý theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Nguyên, dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa, hành vi giết người cũng không thể chấp nhận được. Nếu vì lý do nhỏ nhặt mà đối tượng ra tay tàn ác với nạn nhân, hành vi sẽ được xác định với tình tiết định khung là có tính chất côn đồ.

Vì thế, nếu bị chứng minh có tội, đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 123, BLHS là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là khung hình phạt nặng nhất của tội “Giết người”.

Ngoài trách nhiệm hình sự, đối tượng còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591, Bộ luật dân sự. Thiệt hại bao gồm chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.

“Nếu không có những người này, người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền trên. Còn mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được, mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”, luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trach-nhiem-hinh-su-vu-giet-nguoi-tinh-roi-tu-sat-338818.html