Trách nhiệm người thầy

Năm học này đánh dấu tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong mỗi bước đi của ngành, đặc biệt là nhiệm vụ đổi mới không thể tách rời vai trò quan trọng của người thầy. Và người thầy chính là nhân tố quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục. Nghĩa là trước đó, và bây giờ - khi mà giáo dục đã có rất nhiều thay đổi về phương pháp học, biện pháp đánh giá, thì người thầy vẫn đóng vai trò “căn cốt”, trung tâm khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho học sinh.

Qua một thập kỷ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục nước nhà đã đạt được những kết quả hết sức to lớn đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trong thành công đó người thầy đóng vai là trung tâm đổi mới và tạo ra cảm hứng dẫn đường cho học sinh đi. Tuy nhiên, có thực tế rất đáng buồn là bên cạnh những người thầy nỗ lực hết mình cống hiến trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp “trồng người”, thì vẫn còn những hình ảnh xấu xí, phản cảm gắn với người thầy. Có thể kể ra những vấn đề thuộc về nhân cách của người thầy, như một bộ phận giáo viên bất chấp quy định cố tình dạy thêm tràn lan, thậm chí gây áp lực bằng nhiều cách để học sinh phải học thêm. Là những phát ngôn thiếu tính sự phạm; là bạo hành học sinh...

Chỉ trong ít ngày gần đây đã liên tiếp xuất hiện những hình ảnh không đẹp về người thầy giáo. Điển hình, tối 29-9-2023 mạng xã hội lan truyền clip một nữ sinh Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) bị phạt nằm trước cửa lớp khóc, lên cơn co giật, sau đó bị cô giáo chủ nhiệm túm áo lôi vào lớp vì em đã đặt bánh sinh nhật không đúng cửa hàng cô giáo chỉ định. Tiếp đó, ngày 30-9-2023 tại Trường Tiểu học Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn), một giáo viên dùng roi tre đánh nhiều lần vào lưng học trò vì không làm bài tập. Cũng dịp này, báo chí thông tin một giáo viên ở Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội) chỉ tay vào mặt học sinh mắng bằng những lời lẽ thiếu chuẩn mực...

Nói về truyền thống tôn sư trọng đạo, tục ngữ có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (nghĩa là: Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Để nghề ngày càng cao quý hơn đòi hỏi những người trong nghề phải luôn biết giữ mình, sửa mình, bản lĩnh trước những cám dỗ. Một khi đã chọn nghề dạy học, nghĩa là người thầy đã chọn cách hiến thân mình cho một sự nghiệp vinh quang với nhiều chuẩn mực bắt buộc. Vì thế, người thầy phải đặt mình vào những khuôn phép lễ giáo, quy định của ngành, để xứng đáng với trách nhiệm “trồng người”.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/trach-nhiem-nguoi-thay/196961.htm