Trách nhiệm pháp lý với người tâm thần phạm tội?

Mới đây, Viện trưởng, Viện Phó và một số cán bộ Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa vừa bị CQ CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra, làm rõ một số hồ sơ liên quan đến kết quả giám định, điều trị những bệnh nhân. Vậy liên quan đến vấn đề xác nhận tâm thần, trách nhiệm pháp lý ra sao?

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa nơi có các cán bộ, bác sĩ bị bắt giam. Ảnh: HAC

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa nơi có các cán bộ, bác sĩ bị bắt giam. Ảnh: HAC

Nhận định của luật sư

Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tâm thần là một dạng bệnh lý xuất hiện do hiện tượng rối loạn hoạt động của não bộ. Sự rối loạn này sẽ gây nên những biến đổi một cách bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm và hành vi, ý tưởng của người bệnh. Những dạng bệnh tâm thần phổ biến thường là chứng rối loạn lo âu, bệnh trầm cảm, chứng tâm thần phân liệt, các hành vi gây nghiện hoặc bị rối loạn ăn uống.

Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015, một người được xem là có năng lực pháp luật dân sự khi người đó thực hiện khả năng của mình trong quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự; có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Và mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Khi phát sinh các dấu hiệu của bệnh tâm thần, trước tiên, cá nhân đó cần phải đến các cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn để tiến hành chẩn đoán, nếu thật sự có dấu hiệu tâm thần thì cơ sở sẽ cấp cho bệnh nhân Giấy chứng nhận tâm thần. Tuy nhiên, để xác định cá nhân thật sự là người bị mất năng lực hành vi dân sự thì cần phải thông qua quy trình yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Cũng tại Điều 22, Bộ luật Dân sự 2015, người mất năng lực hành vi dân sự được quy định như sau: khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. “Như vậy, một người bị tâm thần chỉ được xác định là mất năng lực dân sự khi được Tòa án ra quyết định dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng phân tích.

Có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Vậy người tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án là một trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.

Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Viện Kiểm sát Nhân dân hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, thực tế hiện nay, tình tiết mắc bệnh tâm thần cũng được nhiều cá nhân đưa ra với mục đích yêu cầu Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự có chia ra 3 trường hợp về bắt buộc chữa bệnh nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng bệnh tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự, như sau: người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định, Viện kiểm sát Nhân dân hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt…

Trường hợp người lợi dụng làm giả giấy chứng nhận bệnh tâm thần để nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự. Đây là hành vi phạm tội được quy định xử phạt theo Điều 341 Bộ luật Hình sự về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” với hình phạt tối đa có thể lên đến 7 năm tù.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trach-nhiem-phap-ly-voi-nguoi-tam-than-pham-toi-384958.html