TRÁCH NHIỆM THI ĐUA CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Chúng tôi vừa có dịp lên công tác tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tuy là ngày nghỉ, nhưng phải đến chiều tối chúng tôi mới gặp được đồng chí Bí thư Huyện ủy, bởi đồng chí cùng các cán bộ chủ chốt của huyện bận xuống các xã để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ...

Thực tế trong quá trình công tác, chúng tôi chứng kiến rất nhiều cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, địa phương không quản khó khăn, vất vả, làm việc cả trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, tận tâm tận lực thực hiện tốt nhiệm vụ, hết lòng phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng để đất nước và địa phương phát triển. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, làm việc thiếu trách nhiệm, hiệu quả thấp, thậm chí hách dịch, phiền nhiễu người dân, doanh nghiệp...

 Phong trào thi đua yêu nước ngày càng được lan tỏa sâu rộng. Ảnh: qdnd.vn

Phong trào thi đua yêu nước ngày càng được lan tỏa sâu rộng. Ảnh: qdnd.vn

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra hôm qua (10-12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025 với chủ đề: "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", trong đó có những nội dung quan trọng là: Thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước..., khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Để Phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025 phát triển sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, đương nhiên cần sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân, của toàn xã hội, nhưng trước hết phải phát huy được vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức bởi đây chính là lực lượng nòng cốt, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, bộ máy Đảng, Nhà nước, đồng thời là tấm gương để quần chúng nhân dân noi theo.

Thực ra, thi đua không phải là chỉ làm những việc to tát, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Mỗi cán bộ, công chức nhiệt tình, trách nhiệm làm tốt công việc hằng ngày của mình chính là đã đóng góp tích cực vào phong trào thi đua, góp phần thiết thực để đất nước phát triển.

Để biến những mục tiêu, nhiệm vụ của Phong trào Thi đua yêu nước thành hiện thực, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải có cơ chế giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm và đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ cũng như kết quả thi đua cụ thể, rõ ràng để tránh tình trạng "cào bằng tốt-xấu". Đặc biệt, những tấm gương cán bộ, công chức tận tụy, làm việc hết mình vì dân, vì nước cần được biểu dương, khen thưởng, nhân rộng kịp thời. Ngược lại, những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm... cần phải phê phán và xử lý nghiêm minh. Như thế chính là tạo sự công bằng trong thi đua và là động lực thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát triển.

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/trach-nhiem-thi-dua-cua-can-bo-cong-chuc-646258