Trách nhiệm với di sản
Những ngày qua, dư luận dậy sóng quanh việc ngai vàng triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia, đặt tại điện Thái Hòa (Đại nội Huế) bị một người mua vé vào tham quan rồi vượt qua hàng rào bảo vệ, leo lên ngồi xếp bằng trên ngai vua triều Nguyễn rồi bẻ gãy phần bệ tì tay trước sự chứng kiến của nhiều người.
Đối tượng này hiện đang bị Công an TP Huế tạm giữ hình sự để điều tra hành vi xâm hại di sản. Quá trình giải quyết, đối tượng có biểu hiện tâm thần, nói nhảm, không thể trả lời câu hỏi của Công an. Tuy nhiên, cho dù đối tượng đó là ai, có bị tâm thần hay không, thì việc hủy hoại một bảo vật quốc gia được trưng bày trong điện Thái Hòa cũng cho thấy lỗ hổng trong việc bảo vệ di tích, di sản, nhất là di sản thuộc hàng bảo vật quốc gia.
Được biết, trước khi bị bẻ gãy, ngai vua triều Nguyễn là ngai vàng duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn ở Việt Nam. Ngai vua triều Nguyễn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa - nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày 1 và 15 âm lịch. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình như: lễ đăng quang của nhà vua, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần.... Trong 143 năm tồn tại của nhà Nguyễn, ngai vua tại điện Thái Hòa chưa bao giờ bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu.
Trong đợt trùng tu tổng thể điện Thái Hòa năm 2021, ngai được di chuyển vào kho bảo quản và sau khi công trình trùng tu xong được đưa ra trưng bày trở lại, được đặt tại điện Thái Hòa nhằm phục vụ du khách du lịch đến chiêm ngưỡng, tham quan.
Việc ngai vua nhà Nguyễn bị phá hỏng một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về bảo vệ di tích, di sản, đặc biệt là bảo vật quốc gia. Trước đây đã không ít trường hợp nhà chùa bị kẻ gian đột nhập lấy trộm tượng và những đồ thờ cúng, tế lễ quý báu đã từng tồn tại với thời gian. Cũng không ít di tích bị những người thiếu ý thức bôi bẩn bằng cách viết vẽ lên, như một cách “đánh dấu kỉ niệm” cá nhân. Lại có cả trường hợp chùa, di tích... bị hỏa hoạn.
Đành rằng việc bảo vệ, giữ an toàn cho di tích, di sản không hề dễ dàng, tuy nhiên những gì diễn ra vẫn khiến xã hội lo lắng. Trước hết, đó là việc thiếu ý thức của một số người khi tham quan, chiêm ngưỡng. Sau đó chính là việc lơi lỏng, thiếu biện pháp bảo vệ cần thiết của địa phương, của nơi có di tích, di sản. Khi mà du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh ngày càng thu hút đông đảo du khách thì di tích, di sản càng đứng trước nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn; đòi hỏi ý thức của người tham quan cũng như chính quyền địa phương và cơ sở bảo quản, khai thác di tích, di sản càng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn.
Ở đây cũng không thể không nói tới trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành, đó là ngành văn hóa trong việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở chứ không chỉ là ra những cảnh báo chung chung. Việc thường xuyên và trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ “đánh thức” trách nhiệm của địa phương, của cơ sở di tích, di sản.
Thực tế cho thấy, việc thiếu trách nhiệm, lơ là trong quản lý không chỉ dẫn đến việc di tich, di sản bị xâm hại mà còn cả việc phục dựng, sửa chữa cũng xảy ra nhiều việc không hay. Không ít di tích, công trình kiến trúc cổ hàng trăm năm tuổi sau khi sửa chữa, phục dựng đã bị biến dạng, bị làm mới, tính thiêng và giá trị thời gian bị mất đi.
Trở lại với việc ngai vua trong điện Thái Hòa (Đại nội Huế) bị phá hỏng càng cho thấy trách nhiệm của địa phương nơi có di tích, di sản. Ở một nơi tưởng chừng như được bảo vệ rất kĩ càng như điện Thái Hòa mà bảo vật quốc gia vẫn bị phá, thì ở những nơi khác sẽ ra sao?
Mặc dù Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết sẽ xây dựng phương án đảm bảo chặt chẽ an ninh an toàn trong khu di sản nói chung và đối với hiện vật, cổ vật... đặc biệt là bảo vật quốc gia. Trong đó, sẽ tăng cường các trang thiết bị an ninh, công cụ hỗ trợ; tăng cường công tác bảo vệ, tập huấn xử lý các tình huống an ninh, phát hiện ngăn chặn từ sớm các hiện tượng nghi vấn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy”.
Mặt khác, qua sự cố này cũng cho thấy việc khai thác du lịch từ di sản tại các địa chỉ văn hóa - lịch sử đang chưa được làm tốt. Và việc này cần phải gấp rút chấn chỉnh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trach-nhiem-voi-di-san-10306676.html