Trại Cẩm Giàng: Ai nhớ, ai quên?

Đã 15 năm từ hội thảo 'Bảo tồn phát huy di sản văn hóa Tự Lực Văn Đoàn tại thị trấn Cẩm Giàng', đã 11 năm kể từ khi dự án khu công viên Tự Lực Văn Đoàn được phê duyệt nhưng đến nay, dự án vẫn nằm trên bản vẽ.

Từ ga Cẩm Giàng (Hải Dương) đi xuôi xuống, dọc theo đường tàu chừng 200m là khu lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn. Nằm giữa vườn cây lưu niên là gian thờ các yếu nhân của nhóm, một căn nhà cấp 4 cũ nát. Mưa lớn khiến nước từ cái ao phía trước tràn qua vườn, dâng ngập sân và mấy bậc tam cấp.

“Cố trạch” hoang tàn

Cửa mở, mùi ẩm mốc xộc lên, cái mùi của lãng quên mà hương thơm của những nén nhang vừa thắp không thể xua tan. Tất cả vẫn như thế, vẫn là cái hiên đầy rêu và lá mục, vẫn những cánh cửa sổ xệ xuống, cùng những bức tường tróc lở... Tất cả nhuốm một màu hoang phế.

Trong nhà treo rất nhiều ảnh. Ngoài ảnh chân dung 8 nhà văn trên ban thờ, với một ít ảnh chụp lại một số trang của ấn bản báo Phong Hóa, Ngày Nay treo trên bức tường bên trái, thì hai mảng tường lớn còn lại phủ kín ảnh tư liệu: không gian khu lưu niệm qua các năm, các đoàn hội về tham quan, các đại biểu đang phát biểu trong khuôn khổ buổi hội thảo cấp tỉnh vào năm 2008.

Bàn thờ các nhà văn.

Bàn thờ các nhà văn.

Ai có thể hình dung không gian hoang tàn đổ nát này lại chính là “cố trạch”, là “trại Cẩm Giàng” nơi anh em Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã lớn lên, nơi trông ra cái ga xép đìu hiu trong Gió lạnh đầu mùa, nơi đại gia đình Nguyễn Tường sinh sống; nơi chứng kiến những hoạt động sôi nổi của một văn đoàn trong thời kỳ canh tân rực rỡ nhất của nền văn học Việt Nam?

Được khởi xướng bởi Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) vào năm 1932, và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1934, Tự Lực Văn Đoàn tụ hợp được những nhân tố tài năng như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Thế Lữ; các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí… Họ chủ trương cách tân văn chương, đề cao tinh thần dân tộc, cổ xúy lối sống văn minh, bài phong kiến, chỉ trích nhà cầm quyền thực dân…

Chỉ tồn tại vỏn vẹn 10 năm, Tự Lực Văn Đoàn đã tạo cho mình một tầm vóc, đánh một dấu son rực rỡ trong lịch sử văn học nước nhà.

Họ cũng có những hoạt động xã hội ngoài văn chương như phong trào Hội Ánh Sáng, tức là đem lối sinh hoạt văn minh tới các khu lao động nghèo, bắt đầu từ xóm lao động ngoài đê Yên Phụ, bằng cách tổ chức xây dựng những căn nhà lấy đủ ánh sáng tự nhiên, thoáng đãng và sạch sẽ; hướng dẫn dân quê cách đắp đường đi, đào giếng nước, khơi thông cống rãnh… Tất cả kinh phí đều do Hội Ánh Sáng chi trả (từ tiền quỹ của hội viên đóng góp, tiền do Tự Lực Văn Đoàn quyên được…).

Chỉ tồn tại vỏn vẹn 10 năm, Tự Lực Văn Đoàn đã tạo cho mình một tầm vóc, đánh một dấu son rực rỡ trong lịch sử văn học nước nhà. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, từng phát biểu: “Tự Lực Văn Đoàn là một phong trào văn chương rất nổi tiếng của nước ta trong thế kỷ XX. Tôi tán thành cần đánh giá tích cực về phong trào văn học này và có hình thức lưu niệm”.

Lối ra nào cho dự án?

Chị Thùy Linh, một giáo viên tại địa phương, nói vấn đề khu lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn đã được truyền thông đưa tin rải rác từ năm 2000 tới nay, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy khả năng khởi động của dự án. Những người trực tiếp liên quan tới khu di tích như cụ Nguyễn Thanh Đạm, chủ sở hữu hợp pháp hiện tại của khu đất, thì đã già yếu.

Trại Cẩm Giàng khi xưa.

Trại Cẩm Giàng khi xưa.

Theo chị Thùy Linh thì toàn bộ vườn tược và khu nhà ở sót lại hiện nay là do gia đình cụ Đạm dựng lên sau này, bởi sau công tác tiêu thổ kháng chiến do Việt Minh phát động năm 1946 thì toàn bộ khu trại Cẩm Giàng đã bị san phẳng. Đại gia đình Nguyễn Tường tứ tán. Mảnh đất đó về sau (quãng 1953-1954), một phần được sử dụng cho nhà ga Cẩm Giàng, phần còn lại làm nơi sinh hoạt của gia đình cụ Thiệp (sếp ga Cẩm Giàng), tới 1970 khi cụ Thiệp được điều chuyển về ga Giáp Bát, cụ đã sang nhượng mảnh đất đó cho cụ Đạm. Và cụ Đạm trở thành chủ sở hữu hợp pháp của khu đất từ đó tới nay. Nhưng mấy năm gần đây, do tuổi cao và đau yếu luôn nên việc trông nom khu lưu niệm, cụ Đạm bàn giao cho chị.

Qua sự giới thiệu của chị Thùy Linh, tôi được gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Quang Thông, người mà chị Thùy Linh nói rằng “còn hơn cả một học giả về Tự Lực Văn Đoàn”. Ông lấy ra một tập hồ sơ dày là những bản vẽ, từ tổng thể đến chi tiết các hạng mục trong dự án khu công viên văn hóa Tự Lực Văn Đoàn. Theo đó, diện tích công viên (23.789m2) không chỉ gói gọn trong khu lưu niệm hiện tại (phần đất thuộc sở hữu của cụ Đạm), mà bao trùm cả khu kho thóc kế bên, tới cả khu đất tiếp nối kho thóc (chỗ hiện nay là khu nhà tạm tự phát, vài hộ dân dựng lên để trông coi vịt).

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Thông trình bày sơ đồ dự án năm 2012.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Thông trình bày sơ đồ dự án năm 2012.

Mặt bằng tổng thể dự án.

Mặt bằng tổng thể dự án.

Với lòng trân trọng dành cho Tự Lực Văn Đoàn, cụ Đạm sẵn sàng hiến tặng khu đất hoặc bán với giá tượng trưng. Hai khu vực còn lại đều thuộc sở hữu nhà nước (UBND thị trấn Cẩm Giàng) nên có thể chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định pháp luật.

Một dự án xây dựng bị đình trệ, thông thường do hai lý do: giải tỏa mặt bằng và kinh phí. Ở đây, mặt bằng đã thông, vậy chỉ còn vấn đề kinh phí. Khi được hỏi kinh phí cho dự án này được lấy từ đâu, ông Thông cho biết “theo quyết định phê duyệt dự án vào tháng 2.2012 thì kinh phí sẽ được hỗ trợ một phần từ ngân sách tỉnh, phần còn lại là nhờ vào nguồn xã hội hóa. Đây chính là khó khăn lớn nhất mà dự án vấp phải”.

Không gian phía ngoài khu lưu niệm.

Không gian phía ngoài khu lưu niệm.

Không gian bên trong khu lưu niệm.

Không gian bên trong khu lưu niệm.

Tuy vậy, cái khó khăn mà ông Thông trăn trở không phải không có hướng giải quyết. Thực tế cho thấy nhiều công trình công cộng đã được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, nhưng trước hết cần phải có một kịch bản đủ thuyết phục.

Nói tới đây, ông Thông bỗng trở nên hào hứng: hãy hình dung một con đường di sản chạy qua Hải Dương. Người ta đi tới Côn Sơn Kiếp Bạc viếng Nguyễn Trãi, qua Nghĩa Phú viếng Tuệ Tĩnh, qua Văn miếu Mao Điền viếng các trạng nguyên… thì tới thị trấn Cẩm Giàng có gì, còn gì hay hơn, hợp lý hơn việc thăm viếng một di tích văn chương nổi tiếng trong nền văn học nước nhà?

Thời gian không chờ đợi…

11 năm không phải là một khoảng thời gian ngắn. Những bức ảnh tư liệu xếp cùng tập hồ sơ dự án cho thấy sức công phá ghê gớm của thời gian: một ông Nguyễn Thanh Đạm khỏe khoắn nhanh nhẹn trong những lần đón tiếp các đoàn khách về tham quan, nay đã thành một cụ già 92 tuổi đau yếu, chỉ đủ sức đi lại trong nhà; một NSNA Trần Quang Thông, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, tóc đen nhánh, lịch lãm trong bộ comple khi trình bày trước quan khách dự án khu công viên Tự Lực Văn Đoàn, nay đã ở tuổi “cổ lai hy” với mái tóc bạc trắng… Ai còn nhớ, ai đã quên nơi phát tích một văn đoàn chói sáng mà họ từng nhắc tới?

Cụ Đạm (giữa) tiếp khách ngoại quốc tới thăm khu lưu niệm, năm 2007.

Cụ Đạm (giữa) tiếp khách ngoại quốc tới thăm khu lưu niệm, năm 2007.

Khách về tham quan khu lưu niệm.

Khách về tham quan khu lưu niệm.

Ông Thông cười buồn nói: “Tôi cứ thấy Tự Lực Văn Đoàn như một bông hoa đẹp vậy, ai cũng thích ngắm, thích cầm lên cho ra vẻ thức thời, sang trọng. Nhưng người ta chỉ cầm, chỉ ngắm trong chốc lát thôi, vì hoa dẫu có đẹp vẫn chẳng là thứ ăn được. Nhưng dẫu thế thì tôi vẫn tin đến một lúc nào đó người ta sẽ nhận ra cái độc đáo, cái giá trị đẹp đẽ của Tự Lực Văn Đoàn, và việc thấy cần thiết phải xây dựng một khu tưởng niệm tại đây, đúng như lời nhà sử học Dương Trung Quốc đã phát biểu: “Giới văn học ngày nay đã có một bảo tàng khang trang ở giữa thủ đô, nhưng đừng quên những di tích quan trọng như Cẩm Giàng” (báo Thể thao Văn hóa cuối tuần, 14.11.2007).

Bà Nguyễn Tường Nhung, con gái nhà văn Thạch Lam về thăm khu lưu niệm.

Bà Nguyễn Tường Nhung, con gái nhà văn Thạch Lam về thăm khu lưu niệm.

Dẫu có bao chuyến tàu đến rồi đi qua cái ga xép nhỏ Cẩm Giàng, dẫu có bao nhiêu người quên hay nhớ mảnh “cố trạch” này thì Tự Lực Văn Đoàn vẫn vẹn nguyên giá trị trong lịch sử văn chương Việt Nam, trong lòng công chúng mến mộ, như hạt ngọc trai lấp lánh. Và điều quan trọng nhất là khi vẫn còn những người như cụ Đạm, như NSNA Quang Thông, như cô giáo Thùy Linh, như nhà sử học Tăng Bá Hoành…, thì rồi đến một ngày nào đó, dự án công viên văn hóa Tự Lực Văn Đoàn sẽ thoát khỏi cơn thụy miên đằng đẵng.

Nắng cuối ngày hắt lên tường những vệt vàng lộng lẫy, như hồi quang của một thời kỳ văn nghệ rực rỡ. Cái ao vuông, vết tích duy nhất còn lại từ trại Cẩm Giàng xưa, hôm nay mênh mông nước, có giọt nào trong cái mênh mông ấy là giọt nước của ngày xưa?

Bài và ảnh: Quý Phạm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/trai-cam-giang-ai-nho-ai-quen-41165.html