Trái cây New Zealand 'đổ bộ' thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu tỷ đô sau táo, kiwi, anh đào

Sau thành công vang dội với táo, kiwi và anh đào, ngành nông sản New Zealand đang tăng tốc mở rộng thị trường tại Việt Nam – nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của New Zealand sang Việt Nam đạt 172 triệu USD, chủ yếu từ ba loại trái cây chủ lực, trong đó táo chiếm áp đảo với 126 triệu USD, tiếp theo là kiwi (30 triệu USD) và anh đào (10 triệu USD). Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ hai của táo New Zealand, chỉ sau Trung Quốc.

Năm ngoái, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai (sau Trung Quốc) của táo New Zealand, đạt doanh thu 126 triệu đô la.

Năm ngoái, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai (sau Trung Quốc) của táo New Zealand, đạt doanh thu 126 triệu đô la.

Việt Nam – “ngôi sao đang lên” của nông sản New Zealand

Doanh nghiệp đi đầu trong làn sóng xuất khẩu là Heartland Fruit – một công ty gia đình tại vùng Tasman, đã thu về 7,8 triệu USD từ riêng thị trường Việt Nam. Theo Giám đốc Brendon Osborn, việc bảo đảm chất lượng trái cây trong hành trình dài hàng tuần bằng đường biển đòi hỏi kỹ thuật canh tác và bảo quản tinh vi.

T&G Global – thương hiệu hơn 120 năm tuổi và là “ông lớn” trong ngành táo – đã xuất khẩu 7.800 tấn táo Envy sang Việt Nam trong năm 2023 và dự kiến tăng gấp đôi lượng hàng trong hai năm tới. WinCommerce – hệ thống bán lẻ sở hữu chuỗi WinMart – cũng vừa ký kết mở rộng phân phối thêm 50% lượng táo Envy trong mạng lưới cửa hàng.

Giám đốc khu vực châu Á James Gordon nhấn mạnh: “Việt Nam đang nổi lên như thị trường phát triển nhanh nhất của chúng tôi – và sẽ sớm là một trong những thị trường lớn nhất. Đây là một ngôi sao sáng của ngành nông sản tươi sống toàn cầu.”

Không dừng lại ở ba loại trái cây chủ lực, New Zealand đang thúc đẩy đàm phán mở rộng thị trường cho các loại trái cây tiềm năng khác như lê, bơ và nhóm trái cây mùa hè. Tập đoàn New Zealand Apples and Pears khẳng định, sau táo sẽ là thời điểm để “giới thiệu quả lê đến người tiêu dùng Việt Nam”. Bộ Công nghiệp Cơ bản New Zealand (MPI) xác nhận đang phối hợp với Việt Nam để xúc tiến phân tích rủi ro dịch hại và kiểm định chất lượng nhằm mở rộng thêm danh mục trái cây xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong tháng 2 vừa qua, New Zealand và Việt Nam đã ký kết 16 thỏa thuận kinh doanh trị giá 130 triệu USD, hướng đến mục tiêu kim ngạch song phương đạt 3 tỷ USD vào năm 2026 và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mở đường cho một loạt sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Theo bà Liz Bell, CEO Hội đồng doanh nghiệp ASEAN – New Zealand, Việt Nam là “thị trường đang phát triển nhanh nhất” của các nhà xuất khẩu New Zealand. Sự bất ổn từ các chính sách thuế quan toàn cầu – nhất là sau các mức thuế mới từ Hoa Kỳ – càng tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp New Zealand thâm nhập sâu hơn vào Việt Nam.

Việt Nam và “cơn khát” trái cây cao cấp

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, Việt Nam là thị trường tiêu thụ trái cây có tốc độ tăng trưởng nhanh, với tổng nhập khẩu trái cây – rau quả đạt 3,13 tỷ USD chỉ riêng năm 2019. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các loại trái cây cao cấp có thương hiệu và truy xuất được nguồn gốc.

Zespri – hãng xuất khẩu kiwi số một của New Zealand – ghi nhận doanh số 30 triệu USD tại Việt Nam trong năm qua, với sản lượng đạt 4.500 tấn trái cây. Zespri hiện có ba đối tác phân phối tại Việt Nam và sẽ bổ sung đối tác thứ tư trong mùa vụ 2025. Công ty cũng triển khai kế hoạch giảm khí thải vận chuyển bằng tàu nhiên liệu sinh học, thể hiện cam kết song hành với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Các nhà sản xuất New Zealand cũng chuyển hướng sang chiến lược tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng tại Việt Nam, thay vì chỉ dựa vào các nhà phân phối trung gian – một mô hình đang chứng minh hiệu quả cao tại các thị trường như Trung Quốc và Hồng Kông.

Các thỏa thuận thương mại song phương và Hiệp định AANZFTA hiện đang tạo lợi thế lớn cho trái cây New Zealand như chanh dây, hồng, mơ, việt quất khi vào thị trường Việt Nam với mức thuế bằng 0%.

New Zealand kỳ vọng việc cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển và số hóa kiểm định nông sản tại Việt Nam sẽ giúp nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, mở rộng khả năng giao thương hàng hóa giữa hai quốc gia.

Việt Nam đang nâng cấp cảng và đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa các khâu kiểm tra hàng hóa, trong đó có đề xuất chuyển đổi quy trình kiểm dịch thực vật sang nền tảng điện tử. Đây là yếu tố then chốt để giữ vững chất lượng trái cây tươi sống trong suốt hành trình kéo dài nhiều tuần bằng đường biển.

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 2/2025 đã nhận định: “Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực, không chỉ nhờ tốc độ tăng trưởng mà còn nhờ vào quyết tâm cải thiện môi trường pháp lý, hỗ trợ thương mại mở và tăng tính kết nối”.

Trong bối cảnh ngành nông sản New Zealand vẫn đang phục hồi sau các tác động của biến đổi khí hậu và bất ổn thị trường toàn cầu, Việt Nam nổi lên như điểm sáng thương mại mới – vừa tăng trưởng mạnh, vừa có nhu cầu ngày càng cao với các sản phẩm trái cây chất lượng, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Đây là cơ hội vàng mà các doanh nghiệp New Zealand đang tận dụng từng ngày.

Thành An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/trai-cay-new-zealand-do-bo-thi-truong-viet-nam-dat-muc-tieu-ty-do-sau-tao-kiwi-anh-dao-1106149.html