Trái đắng dịch vụ việc làm trên mạng xã hội

Chỉ vì tin dịch vụ việc làm qua mạng xã hội mà nhiều người lao động đã phải ngậm trái đắng tiền mất, công việc thì không vẫn hoàn không.

“Bẫy” dịch vụ việc làm online

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều công ty, cá nhân cung cấp dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và đang cần việc làm, nhiều người lao động đã bị mất tiền đóng tiền cọc để được giới thiệu việc làm.

Theo đó, các đối tượng lấy lý do đã ứng trước cho phía tuyển dụng để giữ chỗ, nên bắt người lao động phải trả tiền. Thậm chí, nếu yêu cầu không được đáp ứng, các đối tượng còn manh động khi đánh, bắt ép người lao động phải trả lại khoản tiền này.

Trước đó, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tiếp nhận, điều tra, xử lý nhiều vụ việc có hành vi phạm tội như trên. Đơn cử, nhóm Hà Xuân Thắng và Đỗ Quốc Khanh cùng nhau góp vốn để lập một nhóm môi giới việc làm. Nhóm này tìm người lao động đang có nhu cầu đi làm, bằng cách đăng bài lên trang mạng xã hội facebook. Đồng thời, bọn chúng cũng tìm kiếm thông tin về các nhà hàng, quán ăn đang cần tìm người lao động.

Sau khi bàn bạc, Thắng thống nhất với Đỗ Quốc Khanh đưa ra quy định nếu người lao động tự ý thay đổi ý định không muốn đi làm nữa, thì phải nộp số tiền chi phí ăn ở là 200 nghìn đồng/1 ngày và nộp tiền phạt là 1,5 triệu đồng.

Thông qua kênh tìm kiếm việc làm online, 4 người gồm Bùi Sỹ Hoa, Bùi Văn Huy, Nguyễn Văn Hiệp và Trương Văn Hưng đã liên lạc với người môi giới trong nhóm của Thắng, để xin việc làm. Khi 4 thanh niên trên đến gặp Thắng, nhóm này yêu cầu người lao động phải đưa căn cước công dân. Do không được làm việc cùng một chỗ, tối cùng ngày 4 “khách hàng” không muốn đi làm nữa và yêu cầu trả lại căn cước công dân để đi về.

Nhóm đối tượng Nguyện, Trung, Đạt bị khởi tố vì hành vi cưỡng đoạt tài sản

Nhóm đối tượng Nguyện, Trung, Đạt bị khởi tố vì hành vi cưỡng đoạt tài sản

Sợ bị mất “con mồi”, Thắng đã chỉ đạo Khanh lên kiểm tra, nếu ai chống đối sẽ đánh và để đòi số tiền 1,5 triệu đồng mà bọn chúng đã đặt ra quy định từ trước. Tuy nhiên, nhóm 4 người trên không có tiền, nên đã bị tịch thu điện thoại và tắt máy. Rất manh động, bọn chúng chỉ mở nguồn một chiếc để cả nhóm liên lạc với người thân yêu cầu gửi tiền, thì mới được trả giấy tờ và cho về nhà.

Trong khi người lao động không thể liên hệ được với gia đình để ứng cứu, thì đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện sự việc và triệu tập tất cả về trụ sở Công an phường Mỹ Đình 2 để giải quyết.

Cũng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, một vụ việc khác tương tự đã xảy ra. Theo đó, nhóm Đỗ Xuân Nguyện (SN 2002, trú tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, Phú Thọ), Phạm Trung Quân (SN 2002, trú tại xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba), Đàm Tiến Đạt (SN 2003, trú tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, Nam Định) thuê phòng trọ tại khu đô thị Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì để môi giới lao động.

Sau khi đăng lên mạng tìm người có nhu cầu xin việc làm, nhóm của Nguyên đưa “khách” về nhà và thỏa thuận đưa người lao động đến nơi làm việc. Tuy nhiên, ngày 16/4, khi có 2 người là Nguyễn Văn Công và Nguyễn Văn Thắng (cùng trú tại Thái Nguyên) liên hệ, nhóm của Nguyện đã đưa đến hai nơi cần lao động phổ thông đều không được. Thế nhưng, nhóm này khẳng định đã đặt tiền cọc cho nơi sử dụng lao động và yêu cầu các anh Công, Thắng trả lại số tiền 3 triệu đồng.

Vậy nhưng, hai nạn nhân trên nói không có tiền. Tức tối, nhóm Nguyện đã đánh và đem xe máy của nạn nhân đi bán được 2,5 triệu đồng và chia nhau số tiền trên. Đến thời điểm này, hai vụ việc nêu trên đều đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Cảnh giác với trò việc nhẹ, lương cao, tiền cọc thật

Từ những vụ việc trên có thể thấy, phương thức và thủ đoạn của các đối tượng phạm tội rất tinh vi, kèm theo sự manh động. Các nạn nhân đều thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội và sau đó bị cưỡng đoạt tài sản. Thời gian qua, trên cả nước có rất nhiều những vụ việc lừa đảo tìm việc làm xảy ra. Điểm chung của các đối tượng cung cấp dịch vụ tìm việc làm là thường đưa ra những lời chào mời hấp dẫn như việc nhẹ, lương cao.

Tuy nhiên, cùng với đó cũng là những biểu hiện “bất thường” đi kèm như yêu cầu thu phí tiền đặt cọc hay thông tin người tuyển dụng mập mờ, không công khai thông tin công ty, không có trụ sở công ty… Đặc biệt, khi người lao động đưa ra những ý kiến thắc mắc, hay không muốn tiếp tục nhờ dịch vụ tìm việc làm, thì các đối tượng bắt đầu hối thúc chuyển tiền hoặc đe dọa “khách hàng” ép trả tiền đặt cọc, tiền công môi giới.

Bởi vậy, các chuyên gia pháp lý đều khuyến cáo, người dân khi tiếp xúc và sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm việc làm cần phải đề cao cảnh giác. Nếu người dân có nhu cầu tìm việc trên mạng thì cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty, công việc và đề cao cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn. Người lao động nên trực tiếp đến nơi công ty tuyển dụng và không giao dịch hay phỏng vấn với người tuyển dụng lạ mặt, không có trụ sở công ty.

Điểm chung các đối tượng phạm tội đưa ra là những lời chào mời việc nhẹ, lương cao

Điểm chung các đối tượng phạm tội đưa ra là những lời chào mời việc nhẹ, lương cao

Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác, cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Vì thế, nếu phía người tuyển dụng yêu cầu đưa tiền hoặc tài sản đảm bảo, thì người lao động cần nhận biết ngay.

Cùng với đó, trong quá trình người lao động xin việc làm, không ít các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng khi sử dụng thông tin cá nhân như: số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,… của họ để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan chức năng đề nghị, khi người dân phát hiện về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì có thể tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn giải quyết.

Trước những hành vi manh động trong những sự việc nêu trên, lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, các đối tượng nêu trên có người thiếu hiểu biết pháp luật, thế nhưng cũng có đối tượng sẵn sàng "lên mặt" với những người lao động trong độ tuổi thanh thiếu niên và nhất là các lao động ngoại tỉnh.

Để tránh các trường hợp bị thu phí theo kiểu “cắt cổ”, cơ quan chức năng khuyến cáo người lao động cần đến các trung tâm môi giới việc làm có uy tín, tìm hiểu rõ thông tin trước khi nộp giấy tờ, thực hiện các giao dịch ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở cung cấp dịch vụ việc làm cần thực hiện đúng quy định pháp luật về tuyển dụng lao động. Từ đó, không để các vụ việc tương tự như trên xảy ra và người lao động không phải nhận trái đắng, khi tin vào dịch vụ tìm việc làm qua mạng xã hội.

Hà Cường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trai-dang-dich-vu-viec-lam-tren-mang-xa-hoi-255160.html