Trái Đất có thể đang mắc kẹt trong 'lỗ hổng vũ trụ'
Những 'tiếng vọng' từ sự kiện vụ nổ Big Bang cho thấy khoảng không mà Trái Đất đang trú ngụ rất khác biệt so với phần còn lại của vũ trụ.
Theo Live Science, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà thiên văn Indranil Banik từ Đại học Portsmouth (Anh) đã thu thập dữ liệu 20 năm về dao động âm thanh baryon (BAO), được xem như "tiếng vọng âm thanh" từ vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ.
BAO là các sóng áp suất được tạo ra trong sự kiện này, "đóng băng" tại chỗ và mở rộng cùng với vũ trụ, chi phối sự phân bố của các thiên hà mà chúng ta thấy ngày nay.
Và nó đã tiết lộ Trái Đất cũng như cả thiên hà Milky Way (Ngân Hà) dường như đang mắc kẹt trong một "lỗ hổng" bí ẩn.

Trái Đất có thể đang nằm giữa một vùng trống trải khác thường của vũ trụ - Minh họa AI: Thu Anh
Đề xuất cấp tiến này cho rằng thiên hà của chúng ta có thể đang trôi nổi trong một vùng rộng 2 tỉ năm ánh sáng có mật độ thấp hơn 20% so với mật độ trung bình của vũ trụ.
Điều này đã làm sai lệch đáng kể nhiều quan sát thiên văn, dẫn đến những điều khó hiểu trong vũ trụ học.
Trong đó, đáng chú ý là câu đố nổi tiếng về "sức căng Hubble": Tốc độ giãn nở của vũ trụ khi được đo bằng 2 phương pháp được coi là uy tín nhất trong thiên văn học lại cho ra 2 kết quả khác nhau đáng kể.
Theo TS Banik, Trái Đất nằm gần trung tâm của "lỗ hổng vũ trụ" mà ông và các đồng nghiệp đề xuất.
Vật chất bị lực hấp dẫn kéo về phía bên ngoài có mật độ cao hơn của khoảng trống, khiến khoảng trống này ngày một trống hơn, khiến sự giãn nở của vùng vũ trụ bên trong lỗ hổng diễn ra nhanh hơn so với các vùng dày đặc hơn, xa xôi hơn.
Do vậy, các phép đo tốc độ giãn nở của vũ trụ bị làm sai lệch - và có thể nhiều phép đo khác trong ngành vũ trụ học cũng như thế.
Nghiên cứu cũng tính đến xác suất thực tế của giả thuyết Trái Đất nằm trong lỗ hổng vũ trụ, chỉ ra rằng khả năng này cao gấp 100 lần so với khả năng hành tinh của chúng ta ở trong một vùng có mật độ trung bình.
Bước tiếp theo mà các tác giả nhắm đến so sánh mô hình liên quan đến "lỗ hổng vũ trụ" của họ với các mô hình khác để xem mô hình nào phù hợp nhất với lịch sử giãn nở của vũ trụ, từ đó xem các mô hình vũ trụ học chuẩn nào có thể phải được điều chỉnh.