Trái đất có thể tăng tới 3,1 độ C vào năm 2100

Khi nhiệt độ Trái đất mới chỉ tăng tới 1,5 độ C, nhiều thảm họa đã xảy ra. Vậy khi con số ấy tăng đến 3,1 độ C, thậm chí cao hơn nữa, ngôi nhà của nhân loại sẽ ra sao?

Vào năm 2015, các quốc gia cũng đã đồng lòng ký kết vào Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo đó, các quốc gia phải cùng nhau giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng vượt quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực tốt nhất là giữ cho nhiệt độ Trái đất chỉ tăng đến 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mục tiêu đặt ra là vậy nhưng suốt 2 năm liền từ 2023 đến 2024, thế giới đều phải chứng kiến nhiệt độ nóng lên bất thường của Trái Đất. Năm 2023, Liên Hợp Quốc (United Nations - UN) dự báo nhiệt độ Trái đất có thể tăng thêm tới 3 độ C vào cuối năm 2100. Chỉ trong gần 1 năm sau đó, con số dự báo này lại tiếp tục tăng trong năm nay.

Trái đất có thể nóng lên tới 3,1 độ C vào năm 2100

Theo báo cáo phát thải hằng năm công bố vào ngày 24/10 vừa qua của Liên Hợp Quốc (United Nations - UN), với các chính sách lỏng lẻo về khí hậu cũng như hành động thiếu quyết liệt trong mục tiêu cắt giảm khí nhà kính, nhiệt độ Trái đất có thể tăng lên 3,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100. Nếu điều này xảy ra, đây là mức nhiệt cao gấp đôi so với mức thế giới đã thỏa thuận cách đây gần một thập kỷ.

 Nhiệt độ Trái đất được dự báo có thể tăng tới 3 độ C vào cuối thế kỷ 21 và giờ lại tăng thêm là 3,1 độ C. Ảnh: Live Science.

Nhiệt độ Trái đất được dự báo có thể tăng tới 3 độ C vào cuối thế kỷ 21 và giờ lại tăng thêm là 3,1 độ C. Ảnh: Live Science.

Được biết, báo cáo Emissions Gap hằng năm của Liên Hợp Quốc sẽ đánh giá cam kết của các quốc gia trong công tác chống biến đổi khí hậu. Theo thống kê cụ thể của báo cáo, lượng khí thải nhà kính toàn cầu đã tăng 1,3% trong giai đoạn năm 2022 - 2023, tương đương 57,1 gigaton carbon. So với mức phát thải cũ, đây là mức tăng mới đáng kể.

Dựa trên các số liệu thống kê trong 3 năm qua, Trái đất đã nóng lên khoảng 1,3 độ C tính ở thời điểm hiện tại. Nhiệt độ Trái đất vẫn sẽ tăng từ 2,6 độ C đến 2,8 độ C vào thời điểm từ giờ đến cuối thế kỷ 21.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, nhân loại đang trong ở trong tình trạng chênh vênh giữa sự sống còn của hành tinh. Nếu các nhà lãnh đạo quốc gia không quyết liệt giảm phát thải khí nhà kính, nhân loại sẽ đối mặt với thảm họa khí hậu. Cũng theo tác giả của báo cáo - bà Anne Olhoff, nếu xét tới tiến độ hướng tới mục tiêu năm 2030, các quốc gia G20 đã không đạt được nhiều tiến triển.

Trái đất sẽ ra sao nếu nóng hơn 3 độ C

Nếu kịch bản nhiệt độ Trái đất tăng thêm 3 độ C xảy ra, cụ thể là 3,1 độ C theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, một loạt những hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra như mực nước biển dâng cao, sản lượng lương thực giảm một nửa và môi trường sống bị hủy hoại ở mức thảm khốc. Bên cạnh đó, hơn 1 tỷ người sẽ phải di dời để tìm kiếm những nơi sinh sống an toàn hơn.

Sóng nhiệt nóng gay gắt kéo dài và thường xuyên hơn

Với kịch bản nhiệt độ Trái đất nóng thêm hơn 3 độ C, các thành phố sẽ phải chịu sóng nhiệt dài hơn, với tần suất thường xuyên hơn so với kịch bản nóng hơn 1,5 độ C, đặc biệt là các thành phố lớn trên thế giới. Nếu như thế giới nóng lên 1,5 độ C, trung bình mỗi năm các thành phố sẽ phải đón đợt sóng nhiệt kéo dài 16,3 ngày. 3% trong số đó sẽ đối mặt với cơn sóng nhiệt kéo dài 1 tháng hoặc có thể lâu hơn. Tuy nhiên, nếu với kịch bản Trái đất nóng hơn 3 độ C, thời gian nóng trung bình trong năm có thể tăng lên 24,5 ngày với 16% trong số đó có thể đối mặt với thời gian sóng nhiệt kéo dài tới 1 tháng hoặc lâu hơn.

 Sóng nhiệt sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc và gay gắt hơn. Ảnh: News Medical.

Sóng nhiệt sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc và gay gắt hơn. Ảnh: News Medical.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nếu phải sống trong môi trường có nhiệt độ cao bất thường trong thời gian dài, con người có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao, đồng thời làm nền kinh tế chậm lại. Ngay cả khi, nhiệt độ nắng nóng chưa đạt tới mức đe dọa tính mạng nhưng sóng nhiệt vẫn có thể làm tăng rủi ro cho sản xuất nông nghiệp như mất mùa; cơ sở hạ tầng cũng đòi hỏi nhiều nhu cầu về năng lượng cao hơn

Băng tan và mực nước biển dâng

Khi nhiệt độ Trái đất ngày một tăng cao cũng khiến cho các tảng băng tại hai cực Trái đất tan nhanh hơn, từ đó kéo theo mực nước biển dâng. Mới nghe qua nhiều người vẫn nghĩ rằng, mực nước biển dâng sẽ chỉ làm mất đi những bờ biển trải dài thơ mộng. Thế nhưng nguy hiểm hơn, diện tích đất liền cũng bị biển xâm lấn và bị thu nhỏ lại. Những thành phố ven biển đông dân sẽ bị chìm trong biển nước, khiến cuộc sống của 12% dân số toàn cầu bị đe dọa.

Thảm họa thiên nhiên xảy ra nhiều hơn

Nếu nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng, cường độ và tần suất của những thảm họa thiên nhiên cũng sẽ tăng theo. Điển hình là những cơn bão, sóng nhiệt, giông, lốc xoáy và hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

 Thảm họa thiên nhiên luôn là nỗi khiếp sợ đối với nhân loại. Ảnh: Colibrie.

Thảm họa thiên nhiên luôn là nỗi khiếp sợ đối với nhân loại. Ảnh: Colibrie.

Ngoài mối đe dọa tới nơi định cư của con người, mực nước biển dâng cao còn có thể gây ra nhiều cơn bão thảm khốc hơn hiện nay. Điều này có nghĩa là mực nước biển dâng cao còn góp phần gây ra nhiều thảm họa thiên nhiên hơn cả hiện tượng nóng lên của Trái đất.

Hạn hán và khủng hoảng nước sạch

Khi nhiệt độ Trái đất tăng sẽ gây ra nhiều đợt hạn hán hơn. Mực nước biển dâng cao cũng sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngọt vốn đã khan hiếm trên Trái đất. Theo WWF, bao phủ 70% bề mặt Trái đất là nước. Tuy nhiên chỉ có 3% trong đó là nước ngọt mà con người có thể sử dụng được. ⅔ lượng nước ngọt trên Trái đất tồn tại dưới dạng những tảng băng lớn mà con người không thể sử dụng nước. Nếu nguồn nước sạch trở nên khan hiếm, nông nghiệp, trồng trọt và đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Tình trạng suy sinh dưỡng và đói nghèo sẽ tăng vọt lên mức đáng lo ngại.

Hệ sinh thái đảo lộn

Hệ sinh thái vốn là môi trường cần thiết để duy trì mọi sự sống trên Trái đất với chức năng cung cấp tài nguyên, ngăn xói mòn đất, duy trì lưu vực nước và thúc đẩy đa dạng sinh học. Một khi bị ảnh hưởng lớn bởi nhiệt độ Trái đất tăng, hệ sinh thái sẽ không thể giữ vững được chức năng duy trì của nó được nữa.

 Hệ sinh thái là môi trường nuôi dưỡng nhân loại. Ảnh: Freepik.

Hệ sinh thái là môi trường nuôi dưỡng nhân loại. Ảnh: Freepik.

Khủng hoảng kinh tế, xã hội

Trên góc nhìn xa rộng hơn, hiện tượng nóng lên của Trái đất còn kéo theo hiệu ứng Domino. Do bị thiệt hại bởi biến đổi khí hậu, các quốc gia sẽ phải cần tới nhiều kinh phí để khắc phục. Từ đó những cuộc khủng hoảng kinh tế không lường trước được sẽ xảy ra trên thế giới.

Bên cạnh đó những bất đồng về an sinh, xã hội cũng xảy ra. Các nước đang phát triển sẽ phải chịu tác động tàn khốc từ nạn đói, tình trạng vô gia cư, thiệt hại về dân số…

Cát Ân (Tổng hợp theo: Reteurs, Green, WWF)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/trai-dat-co-the-tang-toi-31-do-c-vao-nam-2100-94452.html