Trải nghiệm điểm du lịch làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu

Đây là làng nghề chuyên biệt về tăm hương duy nhất của Hà Nội, nơi lưu giữ và phát triển một nghề thủ công truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt.

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Tp Hà Nội có những nét đẹp độc đáo, khắc họa rõ nét văn hóa của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Người dân nơi đây nhiều đời nay đã gắn bó với nghề làm hương từ vỏ tre, nhuộm thêm nhiều màu sắc sặc sỡ...

Du khách đến đây được tham quan và check- in những không gian độc đáo như những bó chân hương được xếp thành hình chữ S bản đồ Việt Nam, hình cờ đỏ sao vàng với nhiều hình thức, bố cục mầu sắc khác nhau… Chỉ với khoảng 50.000 đồng tiền phí, du khách có thể thoải mái chụp ảnh với những “rừng hương” độc đáo rực rỡ này.

Hình ảnh những bó tăm hương xếp tròn đều trên nền sân xuất hiện và đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh lớn.

Hình ảnh những bó tăm hương xếp tròn đều trên nền sân xuất hiện và đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh lớn.

Với một sản phẩm truyền thống mang cả yếu tố tâm linh, người làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu luôn tỉ mỉ, kì công ngay từ khâu trọn nguyên liệu. Vầu, nứa làm tăm hương phải đủ độ tuổi và được những người thợ tuyển chọn, sàng lọc kĩ càng.

Tăm hương ở làng Quảng Phú Cầu thường được nhuộm bằng hai màu chủ đạo là màu hồng và đỏ, tạo nên vẻ đẹp nổi bật và rực rỡ đặc trưng. Đây không chỉ là dấu ấn của làng nghề mà còn mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh sâu sắc.

Hương của làng nghề Quảng Phú Cầu không lẫn vào đâu - thơm lâu, bền màu, đẹp mắt bởi người làm nghề có bí quyết riêng trong việc pha chế các nguyên liệu thảo mộc như: quế, sả, trầm…

Hương của làng nghề Quảng Phú Cầu không lẫn vào đâu - thơm lâu, bền màu, đẹp mắt bởi người làm nghề có bí quyết riêng trong việc pha chế các nguyên liệu thảo mộc như: quế, sả, trầm…

Dù dịp gần tết công việc bận rộn hơn rất nhiều, nhưng người dân nơi đây vẫn ưu tiên những khoảng không gian, thời gian để phục vụ du khách. Ông Nguyễn Hữu Long, thành viên một gia đình làm hương ở làng phấn khởi khi nơi đây vừa được công nhận điểm du lịch làng nghề. "Chúng tôi có 2 nhân công để hỗ trợ, hướng dẫn du khách lựa chọn và chụp được những bức ảnh đẹp nhất, ưng ý nhất. Họ cũng hỗ trợ du khách tránh để xô lệch những bó hương, đảm bảo có những trải nghiệm tốt nhất”.

Tăm hương nơi đây chủ yếu mang màu vàng, đỏ nên rất đẹp và nổi bật.

Tăm hương nơi đây chủ yếu mang màu vàng, đỏ nên rất đẹp và nổi bật.

Làng hương Quảng Phú Cầu là một trong những làng nghề truyền thống vẫn kiên trì với việc sản xuất hương. Nơi đây không chỉ giữ cái hồn của một vật phẩm mang ý nghĩa văn hóa tâm linh mà còn là một địa điểm du lịch đẹp mà du khách nên ghé thăm khi đến với Thủ đô Hà Nội.

UBND TP Hà Nội vừa quyết định công nhận "Điểm du lịch làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu", xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định tiềm năng và giá trị du lịch của làng nghề, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương...

Điểm du lịch Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu có tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, có 6 thôn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Phú Lương Thượng và làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Phú Lương Hạ; Làng nghề sản xuất hương đen truyền thống thôn Xà Cầu; Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Đạo Tú; Làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Cầu Bầu và làng nghề chẻ tăm hương truyền thống thôn Quảng Nguyên.

Điểm du lịch làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có 22 công trình di tích, trong đó 8 di tích đã xếp hạng (4 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích xếp hạng cấp thành phố). Ngoài ra đến với làng nghề, du khách cũng có thể thăm các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia như: Di tích lịch sử - văn hóa Đình Phú Lương; Chùa Bầu Bỏi; Di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia Đình Quảng Nguyên; chùa Quảng Nguyên…

Diệu Linh/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/trai-nghiem-diem-du-lich-lang-nghe-tam-huong-quang-phu-cau-post1146712.vov