Trải nghiệm ở vùng đất đậm chất miền Tây Nam bộ ở TPHCM

Đảo Long Sơn được ví như 'Rồng xanh' của vùng cửa biển với con sông Lòng Tàu, sông Thị Vải đi sâu vào đất liền. Trước đây trực thuộc TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), xã đảo Long Sơn ngày nay thuộc TPHCM. Tuy nằm ở miền Đông nhưng Long Sơn lại mang nét văn hóa đậm chất miền Tây Nam bộ.

Trên đảo Long Sơn có núi và rừng nứa xanh ngát, nhìn xa xa như dáng một con Rồng màu xanh khổng lồ đang phơi mình trên sóng biển nên được gọi là Long Sơn (Rồng núi). Do Long Sơn cách đất liền bởi những vùng đất ngập mặn sình lầy nên trước những năm 2000 trờ về trước, từ đất liền đi tới Long Sơn chỉ có phương tiện duy nhất là những con đò và phà nhỏ. Vì khoảng cách này nên một thời vùng đất này có những khác biệt rất nhiều so với đất liền.

Khu dân cư trung tâm Long Sơn

Khu dân cư trung tâm Long Sơn

Đặt chân lên xã đảo Long Sơn, ai cũng đều có cảm nhận như là đang đi giữa một mảnh đất thuộc miền Tây Nam bộ bởi từ căn nhà ba chái với chiếc lu ngoài sân, từ những người đàn ông nơi đây thường thích mặc bộ bà ba đen, tóc búi tó, những người phụ nữ có giọng nói chân chất… cùng phong cách sinh hoạt đậm chất Nam Bộ.

Sở dĩ như vậy là vì mảnh đất này do những người Tây Nam bộ khai khẩn. Theo sử sách ghi lại, ông Lê Văn Mưu (1855- 1935) quê ở Hà Tiên (Kiên Giang) tham gia phong trào kháng Pháp cùng phái đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại An Giang. Sau khi phong trào kháng Pháp thất bại, ông Mưu đã bị giặc Pháp truy lùng. Để chạy trốn, năm 1891 ông Mưu đã đưa gia đình cùng một số đồng đạo xuống 5 chiếc ghe lớn, từ Hà Tiên đi vòng qua mũi Cà Mau để đến khai khẩn tại Long Sơn. Theo thời gian, những người miền Tây như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau lần lượt theo chân ông để lập nên một đất miền Tây Nam bộ tại nơi đây.

Trong Nhà Lớn vẫn lưu giữ dấu ấn thời khẩn hoang qua các dụng cụ làm nông thời đó

Trong Nhà Lớn vẫn lưu giữ dấu ấn thời khẩn hoang qua các dụng cụ làm nông thời đó

Từ khi lập nghiệp tại Long Sơn, ông Mưu vẫn phát huy nét đẹp từ giáo lý đã được học khi tham gia môn phái đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đó là chú trọng phát triển đạo Phật trên cơ sở tập hợp thêm triết lý của Nho giáo, Lão giáo và tục lệ thờ cúng Ông bà Tổ tiên, chú tâm nhiều đến việc thờ cúng, bố thí và lấy việc "tu nhân" làm nền tảng cho sự hành đạo….

Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu đậm đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và một số đạo khác, nhưng đạo do ông Mưu lập ra có nhiều điểm khác biệt là không lập chùa miếu, không kinh kệ chuông mõ, không ép buộc ăn chay và cũng không dung túng tệ mê tín dị đoan.

Nhà Lớn trên Long Sơn

Nhà Lớn trên Long Sơn

Vì ông Mưu thích ở trần, đi chân đất và búi tóc nên sau này, người ta gọi dòng đạo do ông sáng lập là Đạo Ông Trần. Hơn 100 năm qua, Đạo Ông Trần tồn tại tại Long Sơn và được các bậc kỳ lão ở đây tự hào đây là đạo làm người. Ngày xưa Ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu... và cứ thế truyền đời.

Sinh thời, ông sáng tác bài thơ "Huấn Tử" (còn gọi là "Mã Triều Châu", gồm 87 câu, theo thể thơ tự do), và cũng thường đem truyện Lục Vân Tiên ra để dạy khuyên con cháu và tín đồ về cương thường và đạo nghĩa.

Các tín đồ trong ngày cúng lễ Trùng Cửu (9/9 Âm lịch hàng năm)

Các tín đồ trong ngày cúng lễ Trùng Cửu (9/9 Âm lịch hàng năm)

Hiện nay tại Long Sơn còn có Nhà thờ Lớn, còn gọi là Nhà Lớn hay Đền ông Trần. Đó là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ mang dáng dấp đình làng Việt Nam, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý; kiến trúc khép kín với nhiều công trình được chia thành ba khu riêng biệt là khu nhà thờ, khu lăng mộ Ông Trần và một quần thể bao gồm nhiều nhà với nhiều chức năng khác nhau, như trường học, nhà chợ, nhà mát (dành cho ngư dân tránh mưa nắng), các dãy phố (dành cho lưu dân mới đến chưa có nhà ở), kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, nhà bảo tồn ghe Sấm (một trong năm chiếc ghe đầu tiên đưa đoàn Ông Trần đến đảo Long Sơn), v.v...

Người dân và du khách nô nức tới cúng lễ hàng năm

Người dân và du khách nô nức tới cúng lễ hàng năm

Qua hàng trăm năm phát triển, nét tín ngưỡng của đạo Ông Trần và tính quần cư, đoàn kết giữa những người dân tha hương khi đến chốn rừng núi hoang sơ lập nghiệp đã được định hình rõ nét ở nơi đây.

Nhiều tập tục riêng của Long Sơn do ông Trần chỉ dạy vẫn còn được làm theo theo như đám tang chỉ chung 1 áo quan, không kèn trống, không tụng kinh, chôn cất trong vòng 24 giờ và không xem ngày giờ, xả tang ngay tại mộ.

Đám cưới cũng không xem ngày, chỉ chọn hai ngày trong tháng là mồng Một và 16 âm lịch để tổ chức…. Hai ngày lễ quan trọng tại Long Sơn là ngày 20/2 Âm lịch (Ngày giỗ ông Trần) và ngày 9/9 Âm lịch (ngày Tết Trùng cửu). Hàng năm vào những ngày này Nhà Lớn Long Sơn đều có tổ chức lễ hội long trọng, thu hút hàng chục ngàn người gần xa tới tham dự.

Cầu Chà Và, một trong 3 cây cầu nối Long Sơn với đất liền

Cầu Chà Và, một trong 3 cây cầu nối Long Sơn với đất liền

Ngày nay, với 3 cây cầu nối với đất liền, Long Sơn không còn là một hòn đảo biệt lập mà từng bước trở thành điểm đến phát triển kinh tế và du lịch. Một trong những dấu mốc quan trọng của Long Sơn là dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn khởi công vào tháng 2/2018, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 5 tỷ USD. Bên cạnh đó, nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản cũng được phát triển tạo cơ hội cho hàng nghìn lao động địa phương.

Sau khi sáp nhập, xã Long Sơn vẫn giữ nguyên là một xã trực thuộc thành phố TPHCM mới. Xã Long Sơn bao gồm một phần đất liền và đảo Gò Găng, hiện có diện tích 56,50 km2 (đạt 188,34% so với tiêu chuẩn); dân số 17.767 người (đạt 111,04% so với tiêu chuẩn).

Chùm ảnh Nhà Lớn Long Sơn:

Nhà Lớn nhìn từ xa

Nhà Lớn nhìn từ xa

Cổng vào Nhà Lớn

Cổng vào Nhà Lớn

Hàng lang trên gác nối các gian nhà trong Nhà Lớn với

Hàng lang trên gác nối các gian nhà trong Nhà Lớn với

Tấm bia đá chào mừng du khách

Tấm bia đá chào mừng du khách

Nhà mát dành cho khách tới thăm

Nhà mát dành cho khách tới thăm

Các bậc kỳ lão đang chuẩn bị cho cúng Lễ

Các bậc kỳ lão đang chuẩn bị cho cúng Lễ

Truyền thống của Đạo Ông Trần suốt hơn 100 năm qua với những nét văn hóa, tập tục đậm chất Tây Nam bộ vẫn được phát huy, giữ gìn khiến nơi đây trở thành điểm đến của những người ưa khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trai-nghiem-o-vung-dat-dam-chat-mien-tay-nam-bo-o-tphcm-post1758755.tpo