Trải nghiệm Tết Đoan Ngọ tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Ngày 6/6, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức Chương trình 'Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa' năm nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm văn hóa đậm dấu ấn truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Dự Chương trình có: Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; ông Johnathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Các đại biểu dâng hương tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Các đại biểu dâng hương tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Phát biểu khai mạc Chương trình, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, trong Chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức hoạt động trưng bày, trải nghiệm văn hóa truyền thống phục vụ du khách tham quan.

Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2024.

Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2024.

Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ như tục “giết sâu bọ”, tục đeo bùa ngũ sắc, tục hái thuốc nam đề cao tri thức dân gian dùng thảo mộc chăm sóc sức khỏe con người và trưng bày quạt trong đời sống xưa và nay... thông qua hệ thống trưng bày hiện vật, pano, tranh vẽ diễn giải sẽ mang lại nhiều điều bất ngờ và hấp dẫn.

Hoạt động thể nghiệm tái hiện nghi lễ dâng hương lên các vị tiên đế.

Hoạt động thể nghiệm tái hiện nghi lễ dâng hương lên các vị tiên đế.

Cũng trong chương trình năm nay, hoạt động thể nghiệm tái hiện nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ Ban quạt trong cung đình Thăng Long tiếp tục được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Công ty Ỷ Vân Hiên và Trung tâm bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam thực hiện.

Du khách cũng sẽ được tặng những món quà độc đáo và trải nghiệm phong tục ẩm thực “giết sâu bọ” của ngày Tết Đoan Ngọ cùng nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết và thưởng trà cùng nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng. Đây là những hoạt động góp phần gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, khơi nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Các đại biểu trải nghiệm phong tục ẩm thực “giết sâu bọ” của ngày Tết Đoan Ngọ cùng nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết.

Các đại biểu trải nghiệm phong tục ẩm thực “giết sâu bọ” của ngày Tết Đoan Ngọ cùng nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết.

Tham dự chương trình, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội rất chú trọng công tác nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa phi vật thế, đặc biệt là nghiên cứu những nghi lễ trong cung đình, đã tổ chức các chương trình trưng bày, thể nghiệm các nghi lễ truyền thống nhân các dịp lễ, tết như Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu.

Văn hóa phi vật thể trong cung đình chính là nhân tố làm sống lại và giúp di sản “tỏa sáng”, nhất là thu hút khách du lịch. Đây là hướng đi đúng cần tiếp tục phát huy của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội”.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang phát biểu tại chương trình.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang phát biểu tại chương trình.

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Đây là ngày Tết truyền thống của một số quốc gia Đông Á gồm Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan Ngọ được xem là một trong những dịp lễ tết quan trọng bậc nhất.

“Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ, ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ là lúc mặt trời ở gần trái đất nhất. Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “Tết giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

Chính vì vậy, ở Việt Nam ta cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm, từ chốn cung đình hoa lệ, tôn nghiêm cho đến những miền quê mộc mạc đều hân hoan đón Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ trong cung đình hay ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông và những người có công sinh công dưỡng đối với mỗi người.

Trong cung đình, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, hoàng đế/nhà vua chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong ước ban phúc lành, ban sức khỏe, bình an cho muôn nhà. Tết được các vương triều tổ chức trang trọng với những lễ nghi mang tính cung đình.

Các nguồn sử liệu cho biết, dưới thời Lê Trung hưng, Tết cũng là dịp để nhà vua, hoàng tộc sửa soạn lễ phẩm dâng tiến lên tổ tiên và các bậc sinh thành. Lễ tế tự ở nhà Thái miếu hoàn tất, thì cũng là lúc xa giá nhà vua chính thức lên điện thiết triều. Với nghi thức thường triều, tại điện Cần Chánh, hoàng thân cùng các quan văn võ từ bậc tam phẩm đều được tham dự. Nhà vua uy nghi ngự trên ngai rồng, bề tôi vui mừng chúc tụng.

Nhằm nêu cao tình thần trung nghĩa của các quần thần, nhà vua làm thơ đề trên quạt để ca ngợi cuộc sống thanh bình của muôn dân, đồng thời để khuyên răn triều thần làm những điều tốt đẹp cho xã hội, cho trăm họ. Theo thông lệ, tết cũng là dịp các bề tôi được ban thưởng. Tết Đoan Ngọ diễn ra đúng vào lúc thời tiết nóng nực, chiếc quạt là vật dụng làm mát vô cùng thiết yếu, nên ngoài ban yến, nhà vua còn tiến hành ban quạt. Quạt được ban cho các hoàng thân, văn võ bá quan, bính lính, nô tì, tiểu giám... và còn được cung tiến vào văn miếu, vũ miếu. Ân điển ban quạt thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến thần dân với ý nghĩa nhân văn là ban “Phúc lành, Sức khỏe, Bình an”.

Ngoài dân gian, Tết Đoan Ngọ cũng có những phong tục hết sức độc đáo như dâng cúng sản vật của mùa hạ lên ông bà tổ tiên, dùng thức ăn để “diệt sâu bọ” trong người, hái lá làm thuốc nam vào giờ ngọ, đeo bùa và chỉ ngũ sắc, dùng lá nhuộm móng tay móng chân, mặc áo dấu, bôi rượu hùng hoàng cho trẻ con, treo con giáp tết từ ngải cứu, khảo cây...

Những phong tục này chính là những kinh nghiệm dân gian có nguồn gốc liên quan trực tiếp đến nông nghiệp và thời tiết. Việt Nam là xứ nóng, tháng 5 lại là mùa nóng càng tạo điều kiện cho các loài sâu bọ, vi trùng phát triển làm hại mùa màng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vì thế, con người phải tìm cách chống lại cái nóng và phòng dịch bệnh thông qua các món ăn, thức uống, đồ dùng. Phong tục tốt đẹp này đã đi vào kho tàng văn học Việt Nam.

Ngay từ thế kỉ 15, bài thơ Đoan Ngọ của Phạm Dữ Nhuật mô tả khá chi tiết “Mâm đầy bánh gói hương thơm ngát. Tay vấn bùa thiêng sắc mới tươi. Cắt rễ xương bồ, vấn ngải chơi”. Sách Hà Nội địa dư chép “Tết Đoan Dương bó lá ngải, nhuộm móng tay, buộc chỉ cổ tay”, sách An Nam phong tục cũng ghi: “Mùng năm tháng năm là tết Đoan Dương. Ngày hôm đó trẻ nhỏ buộc lụa ngũ sắc vào cổ tay, ngoài cửa treo bùa để diệt khí độc…”.

Đặc biệt, vào đầu thế kỉ 20, trong bộ sách “Kỹ thuật của người An Nam”, Henri Oger cũng đã khắc họa lại một cách rõ nét và chân thực nhất về các phong tục này. Trên mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến, trong 36 phố phường, không phải ngẫu nhiên mà có 3 phố hàng xuất hiện đều có liên quan đến phong tục ngày Tết Đoan Ngọ. Phố Hàng Mụn bán bùa ngũ sắc, phố Hàng Quạt bán quạt, phố Thuốc Bắc bán thuốc nam.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trai-nghiem-tet-doan-ngo-tai-khu-di-san-hoang-thanh-thang-long-171806.html