Trái ngọt trên đất cằn

Say sưa thu hái những quả hồng giòn căng vàng, vợ chồng anh Vàng Dỉ Mìn, thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) không giấu được niềm vui, bởi vụ quả năm nay được mùa, được giá. Dẫn tôi đi thăm vườn hồng giòn, trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió vùng cao của người nông dân Pa Dí này luôn rạng rỡ, bởi cả vườn hồng chính vụ quả to, đều và sai trĩu cành.

Cùng đi và được nghe anh Mìn tâm sự, tôi mới hiểu, không phải bỗng dưng giữa vùng đất dốc, cằn cỗi này có vườn trái ngọt, mà đó là thành quả gần 10 năm trời biết bao mồ hôi, tâm sức của vợ chồng anh đổ vào đây.

Chọn quả hồng căng vàng, anh Mìn hái xuống, gọt vỏ mời tôi nếm thử. Quả hồng rất giòn và ngọt. Dường như cây không phụ công người, cho quả to và ngọt hơn, như muốn bù đắp cho sự vất vả “một nắng hai sương” của những lão nông vùng cao chịu thương, chịu khó.

Vườn hồng của gia đình anh Vàng Dỉ Mìn vào vụ thu hoạch.

Vườn hồng của gia đình anh Vàng Dỉ Mìn vào vụ thu hoạch.

Đứng ở nơi cao nhất, nhìn thấy cả đồi hồng đang vào chính vụ thu hoạch, quả hồng chín như góp thêm sắc vàng cho nắng thu, anh Mìn bảo: Toàn bộ diện tích trồng hồng giòn này trước kia đất dốc. Để có lương thực, gia đình đã phải đầu tư san gạt, làm ruộng bậc thang. Không hiểu sao, cả năm chỉ trồng được một vụ lúa, dù đã chọn giống cẩn thận, tích cực chăm bón nhưng hạt lép nhiều hơn hạt mẩy, có vụ chỉ được vài ba bao thóc.

Năm 2014, trong một lần đi chợ Mường Khương, thấy bán cây hồng giòn giống Trung Quốc, anh liền nảy ra ý định trồng thử loại cây này trên mảnh ruộng bậc thang đất cằn. Nếu hợp thì được ăn, nếu không thì cũng là một lần thử nghiệm. Nghĩ vậy, anh dành thời gian hỏi người bán cây hồng giống về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; kỹ thuật trồng và chăm sóc; cách phòng, trừ sâu bệnh hại cây… Mỗi câu hỏi của anh đặt ra đều được người bán trả lời rõ ràng và không quên nhấn mạnh, trồng cây hồng giòn đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn nhiều công chăm sóc, nếu không tỷ lệ đậu quả sẽ không cao. Thấy được sự chân thành của người bán, anh Mìn quyết định mua 200 cây giống về trồng thử nghiệm, chấp nhận có thể thất bại và là người đầu tiên đưa cây hồng không hạt về trồng trên đất Sa Pả.

Người dân tất bật thu hoạch hồng để đưa đi tiêu thụ.

Người dân tất bật thu hoạch hồng để đưa đi tiêu thụ.

Về nhà, anh Mìn tìm hiểu thêm về cây hồng giòn thông qua những kênh thông tin khác nhau. Anh nhận thấy có hai điều kiện phù hợp để trồng loại cây này, đó là độ cao so với mực nước biển, ở Sa Pả độ cao khoảng 900 m so với mực nước biển và sự chăm chỉ, chịu khó của chính anh cũng như các thành viên trong gia đình. Sau khi làm kỹ đất, nhặt sạch cỏ, anh Mìn trồng 200 cây hồng giòn theo đúng khoảng cách được hướng dẫn, tương đương với diện tích khoảng 0,25 ha. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, những công việc như làm cỏ, bón phân, theo dõi sâu bệnh trên cây đã trở thành quen thuộc. Cây hồng giòn cứ thế sinh trưởng theo sự chăm sóc và chờ đợi của gia đình anh Mìn.

Những trái hồng to tròn, căng mọng.

Những trái hồng to tròn, căng mọng.

Đến năm thứ 6, những nụ hoa bắt đầu xuất hiện trên các cây hồng, báo hiệu giai đoạn đơm hoa kết trái. Cả gia đình hồi hộp, vừa mừng vừa lo, mừng vì bao công sức đổ ra đã cho kết quả, lo vì liệu có đậu được quả không? Thật may mắn, trong thời gian ra hoa đậu quả không có mưa to, gió lớn, nên tỷ lệ đậu quả tương đối cao, đến trước tết Trung thu gần 1 tháng, cả đồi hồng giòn bắt đầu cho thu hái quả. Năm 2022, là năm thứ ba gia đình anh Mìn thu hoạch quả hồng giòn, với sản lượng từ 400 - 500 kg. Với giá bán tại chỗ là 30.000 đồng/kg, gia đình anh thu được từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng trên diện tích khoảng 0,25 ha.

Nhiều khách tới tham quan và mua hồng tại vườn.

Nhiều khách tới tham quan và mua hồng tại vườn.

Cũng như anh Mìn, anh Giàng Phủ Dìn cũng quyết định đưa cây hồng giòn về trồng trên đất nương. Dù chưa biết có phù hợp hay không, nhưng anh Dìn còn “liều” hơn anh Mìn khi trồng đến 400 cây. Mặc dù số lượng cây hồng giòn sau khi trồng bị chết không ít, nhưng 3 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình anh cũng thu hái được hơn 100 kg quả. Anh Dìn tâm sự: Toàn bộ diện tích trồng hồng giòn trước kia là trồng ngô. Do khí hậu khắc nghiệt, nên ngô chỉ trồng được một vụ, trong khi đất không màu mỡ nên năng suất cũng không cao. Do vậy, khi thấy anh Mìn chuyển toàn bộ diện tích ruộng sang trồng hồng giòn, tôi cũng quyết định làm theo. Dù nhiều cây bị chết và sản lượng quả không cao, nhưng thực tế, có không ít cây ra quả sai trĩu cành, do vậy tôi sẽ tìm hiểu và nhờ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tư vấn.

“Trồng cây hồng giòn đòi hỏi kỹ thuật tương đối cao và phải đầu tư công chăm sóc, phân bón nhiều hơn, nếu không đảm bảo hai yếu tố trên có thể dẫn đến cây bị chết hoặc tỷ lệ đậu quả không ổn định. Nếu làm tốt thì đây sẽ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa cho biết.

Mỗi cây trồng mới đều có những “sai số”, nhưng điều trân quý nhất ở xứ Mường chính là sự chủ động, năng động và chút “liều” của nông dân vùng cao, khi họ dám chấp nhận thất bại để đổi lấy thành công. Không chỉ có đồi hồng của gia đình anh Vàng Dỉ Mìn, mà sẽ có nhiều và rất nhiều đồi hồng khác ở Mường Khương đơm hoa kết trái, cho quả ngọt trên những mảnh đất cằn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360549-trai-ngot-tren-dat-can