'Trải qua hàng thiên niên kỷ, nhân loại vẫn vậy trước đại dịch'

Những gì chúng ta đang trải qua, trong cuộc khủng hoảng chưa từng thấy này, thực ra đã có quá nhiều tiền lệ. Và rồi dịch bệnh cũng sẽ qua đi.

Những tác phẩm văn học về dịch bệnh kinh điển có thể kể tới “The Decameron” của Boccaccio, “A Journal of the Plague Year” của Daniel Defoe và “The Plague” của Camus.

Văn học khai thác chủ đề dịch bệnh, từ những nghiên cứu của Thucydides (sống từ năm 460 - 400 trước Công nguyên) đến nay, tập trung vào những phản ứng dễ đoán của con người trước những cuộc khủng hoảng như vậy.

Zing dịch lại bài viết từ Guardian, trong đó tác giả nhận xét rằng dù trải qua hàng thiên niên kỷ, con người vẫn giữ nguyên một vài kiểu hành vi nhất quán: tích trữ, hoảng loạn, sợ hãi, đổ lỗi, mê tín, ích kỷ, anh hùng, ám ảnh với cái chết, buồn chán khi cách ly.

Defoe đã nhận ra những thay đổi ở trung tâm London trước thềm dịch bệnh: các quán rượu đóng cửa; chiếc xe tải dỡ đồ tại ngôi nhà của một người giàu có ở Mayfair; mọi người chen chúc mua sắm đồ tích trữ.

“Nhiều gia đình”, ông viết, “đã thấy trước việc các cửa hàng nhu yếu phẩm sẽ tạm thời đóng cửa, nên họ mua đồ tích trữ đủ dùng cho cả gia đình, và ‘mất hút’ tới nỗi dường như không ai nhìn hoặc nghe tin gì về họ cho đến khi dịch bệnh chấm dứt”.

 Tranh minh họa về đại dịch ở London 1665. Ảnh: Heritage Images/Getty.

Tranh minh họa về đại dịch ở London 1665. Ảnh: Heritage Images/Getty.

Sự tò mò muốn biết những gì sẽ xảy ra trong và sau dịch bệnh trở thành một nhu cầu tất yếu, và chúng ta tìm về lịch sử để tìm câu trả lời.

“A Journal of the Plague Year” của Daniel Defoe tập trung vào đợt bùng phát dịch hạch ở Marseille năm 1720. Vốn đã biết về sự lây lan của căn bệnh này, độc giả muốn biết nó đã diễn biến thế nào từ năm 1665. Và Defoe đã rất thức thời - đáp ứng hoàn hảo nhu cầu này bằng một cuốn sách với đầy đủ số liệu thống kê, những hồi tưởng, tin đồn, giai thoại và kịch tính đẫm máu.

Những tình tiết kịch tính được thêm vào khiến cuốn sách trở nên hấp dẫn, nhưng sự liên hệ tới tình hình hiện tại cũng khiến người đọc xót xa. Defoe nhấn mạnh sự thiếu chuẩn bị và giấu dịch khiến cho sức tàn phá của dịch hạch trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông nói: “Tôi thường suy nghĩ về tình hình bi thảm của con người khi lần đầu tiên thảm họa này xảy đến với họ; họ đã mong muốn các biện pháp và cách quản lý được đưa ra kịp thời như thế nào; và tất cả những sự hoảng loạn này, số lượng người chết khổng lồ này, nếu có sự chuẩn bị từ sớm, đã có thể tránh được”.

Nhiều người phê bình tác phẩm của Defoe thiếu tính nghệ thuật, nhưng sự thiếu chau chuốt trong câu từ của ông lại đem đến cho tác phẩm sự mạnh mẽ rất riêng.

Có một cái gì đó cuốn hút đáng kinh ngạc về sự sinh động và tính tò mò của ông - các số liệu tỷ lệ tử vong được trích dẫn đầy đủ; các nhân vật phụ như Solomon Eagle cuồng tín khỏa thân ra đường với chảo than cháy đội trên đầu; hay John Cock, một thợ cắt tóc bất cẩn, vui mừng trở lại nếp sống thường ngày quá sớm trước khi dịch bệnh thực sự kết thúc, và phải trả giá vì điều đó. Bài học rút ra là gì? Đừng như John Cock!

Độc giả sẽ nhận thấy rất nhiều hành vi của các bậc tiền bối thế kỷ 17 quen thuộc một cách khó chịu. Người dân ở phía Đông London nhởn nhơ nhìn bệnh dịch càn quét phía Tây, đinh ninh rằng mình sẽ ổn. Họ đã sai lầm khủng khiếp. Defoe bình luận lạnh lùng: “Và cuối cùng nó cũng thực sự tấn công họ như một kẻ mang vũ trang”.

Ngay cả trước khi Lý thuyết về mầm bệnh ra đời, Defoe đã có những đúc kết mà chính các bác sĩ của chúng ta phải gật đầu thừa nhận. Ông đã cảnh báo về sự nguy hiểm của những người mang mầm bệnh không có triệu chứng: “Không thể tránh sự bùng phát khi người ta cứ tiếp xúc bừa bãi trong khu vực có dịch, và có những người mắc bệnh mà không hề hay biết, rồi vô tư lây lan cho mọi người xung quanh”.

 Solomon Eagle cuồng tín trong cuốn "A Journal of the Plague Year" của Daniel Defoe. Ảnh: Colin Waters/Alamy.

Solomon Eagle cuồng tín trong cuốn "A Journal of the Plague Year" của Daniel Defoe. Ảnh: Colin Waters/Alamy.

Hành vi của con người đến nay có thể vẫn vậy, nhưng có một điều đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, đó là khoa học và sự hiểu biết của chúng ta về dịch bệnh.

Bảy trăm năm trôi qua, những miêu tả chính xác của Boccaccio về sự lây lan của Cái chết đen ở Florence vẫn khiến người đọc rợn ngợp: “Điều đặc biệt đáng sợ về bệnh dịch này là nó lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh bất cứ khi nào có sự tiếp xúc gần, giống như lửa bắt cháy ngay lập tức khi để gần vật liệu khô hay dầu hỏa. Và đó không phải là tất cả. Không chỉ nói chuyện hay tiếp xúc với người bệnh mới bị nhiễm, mà việc chạm vào quần áo của người bệnh hoặc xử lý bất cứ thứ gì họ chạm vào cũng bị lây”. Chúng ta cảm thấy mình như khán giả trong một vở kịch câm, muốn hét lên, xuyên qua thời gian để vạch mặt con virus “phản diện” và cách nó ta vận hành.

Không phải ai cũng phản ứng với bệnh dịch bằng sự canh cánh, thấp thỏm theo từng diễn biến của nó. Thái độ thoát ly thực tại cũng là một phản ứng thường thấy và “The Decameron” là một ví dụ điển hình. Sau những mô tả ngắn gọn nhưng đáng sợ về bệnh dịch ở Florence, Boccaccio “cách ly” dàn nhân vật của mình khỏi thực tại và dành phần còn lại của cuốn sách kể những câu chuyện hài hước có phần hơi “thô tục”, không nhắc đến dịch bệnh nữa.

Thomas Mann và Camus ít quan tâm đến bệnh dịch hạch hơn mà tập trung sử dụng nó để làm bật lên những vấn đề xoay quanh sự tồn tại. Bệnh dịch trong “Death in Venice” là hiện thân của cái chết nói chung, một bí ẩn khủng khiếp thông qua hình ảnh con ngựa xanh xao; nó xuất hiện lập tức dập tắt sự phù phiếm và vạch trần những sự thật xấu xí.

Trong tiểu thuyết ngắn của Mann, nó là chất xúc tác khiến Von Aschenbach sa sút nhục nhã tới mức tự hủy hoại bản thân. Bên cạnh đó, phân đoạn nói về dịch tả rất mạnh mẽ và ấn tượng. Các khách sạn ở Venice trống rỗng nhanh chóng mặc dù chính quyền cam đoan rằng không có gì phải lo lắng. Cuối cùng, một người Anh đã lên tiếng vạch trần sự thật, đặt ra những nghi hoặc về năng lực quản lý và sự trung thực của chính quyền.

 Albert Camus, tác giả của "The Plague", trên ban công tại Gallimard, văn phòng nhà xuất bản của ông, ở Paris vào những năm 1950s. Ảnh: Getty.

Albert Camus, tác giả của "The Plague", trên ban công tại Gallimard, văn phòng nhà xuất bản của ông, ở Paris vào những năm 1950s. Ảnh: Getty.

Camus là người khác biệt nhất. Tác phẩm “The Plague” của ông thường được đọc như một truyện ngụ ngôn về nước Pháp trong bệnh dịch, nhưng hiện tại, người đọc nó cảm thấy dường như chẳng có gì xa lạ hay hư cấu ở đây cả: người anh hùng trong câu chuyện, Tiến sĩ Rieux, cũng như những nhân viên y tế trên tiền tuyến buộc phải đưa ra quyết định khó khăn về việc ai sẽ được dùng máy thở. Chúng ta tự hỏi làm thế nào Camus có thể biết được những gì xảy ra một cách chuẩn xác như vậy: từ việc mua bạc hà làm thuốc phòng bệnh, tỷ lệ tử vong cao trong nhà tù lớn, đến sự kiệt quệ của hệ thống y bác sĩ, và sự nhàm chán khủng khiếp của việc cách ly - những điều chúng ta chỉ mới bắt đầu làm quen.

Và rồi dịch hạch kết thúc. Đó là tin tốt thực sự mà những cuốn sách này mang tới: dịch bệnh sẽ luôn qua đi. Phần lớn mọi người đều sống sót. Chính Thucydides cũng đã nhiễm bệnh và bình phục. “Tôi chỉ đơn giản là kể về nó đúng những gì đã xảy ra”, ông nói về bệnh dịch đã tàn phá Athens vào thế kỷ thứ 5, “và mô tả các đặc điểm của căn bệnh để cung cấp kiến thức nền tảng cho bất cứ ai nghiên cứu về chúng có thể nhận ra nếu dịch có bùng phát lại trong tương lai”.

 “Tỷ lệ tử vong trong đội ngũ y bác sĩ đặc biệt cao do sự phơi nhiễm đặc biệt của họ”, những gì Thucydides đã viết 2.500 năm trước giờ đang xuất hiện dày đặc trên các trang báo hàng ngày. Ảnh: Science History Images/Alamy.

“Tỷ lệ tử vong trong đội ngũ y bác sĩ đặc biệt cao do sự phơi nhiễm đặc biệt của họ”, những gì Thucydides đã viết 2.500 năm trước giờ đang xuất hiện dày đặc trên các trang báo hàng ngày. Ảnh: Science History Images/Alamy.

“Nếu dịch có bùng phát lại” là cụm từ cảnh tỉnh chúng ta khỏi thói ngạo mạn. Những gì chúng ta đang trải qua, trong cuộc khủng hoảng chưa từng thấy này, thực ra đã có quá nhiều tiền lệ. “Tỷ lệ tử vong trong đội ngũ y bác sĩ đặc biệt cao do sự phơi nhiễm đặc biệt của họ”, những gì Thucydides đã viết 2.500 năm trước giờ đang xuất hiện dày đặc trên các trang báo hàng ngày. Chúng ta đã ngạo nghễ tưởng rằng dịch bệnh chết người chỉ còn tồn tại trong lịch sử, lạ lẫm và chẳng hề liên quan.

Khi số người chết cuối cùng lên đến đỉnh điểm và dần suy giảm, người dân trong tác phẩm của Defoe vui mừng mở cửa sổ và hét lên chia sẻ tin tức với nhau. Oran trong sách của Camus được giải phóng; người dân của nó đã chật vật để hiểu được những gì đã xảy ra với họ. Trở lại Athens thế kỷ thứ 5, chiến tranh Peloponnesian vẫn tiếp diễn. Xã hội sẽ thay đổi tốt hơn hay xấu đi, hay đơn giản là giữ nguyên như cũ, là những gì chúng ta phải tự tìm ra.

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trai-qua-hang-thien-nien-ky-nhan-loai-van-vay-truoc-dai-dich-post1081844.html