Trầm cảm ở trẻ vị thành niên, những điều cha mẹ cần biết
Ở trẻ vị thành niên, trầm cảm ảnh hưởng đến học tập và khả năng hòa nhập của trẻ trong xã hội. Ngoài ra, trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát. Vì vậy, cha mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên.
Theo ThS.ĐD Ngô Thị Thanh Hoa, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động.
Trầm cảm ở trẻ vị thành niên ảnh hưởng đến học tập và khả năng hòa nhập của trẻ trong xã hội. Ngoài ra, trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.
Trầm cảm thường tiến triển cùng với lo âu ở trẻ. Trầm cảm thường được phân ra làm ba mức độ: trầm cảm ở thể nhẹ, thể vừa và thể nặng. Một số trẻ chỉ bị trầm cảm một lần, nhưng cũng có trẻ có thể bị trầm cảm nhiều lần.
Nguyên nhân và cách nhận biết trẻ bị trầm cảm
Theo ThS.ĐD Ngô Thị Thanh Hoa, trẻ bị trầm cảm thường do nhiều yếu tố/nguyên nhân phối hợp. Nguy cơ trẻ bị trầm cảm tăng lên nếu trong gia đình có người bị trầm cảm. Một số trẻ bị trầm cảm do bị trải qua những điều căng thẳng trong cuộc sống như áp lực, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ về học tập, mâu thuẫn bạn bè lâu ngày không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm thích đáng với trẻ… Một số khác bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bị mất đi người thân, gia đình tan vỡ. Một số trải qua tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như: chấn thương, bệnh tật… Những điều này dẫn đến trẻ bị căng thẳng, buồn bã hoặc đau buồn kéo dài dẫn đến bị trầm cảm.
Biểu hiện trầm cảm ở trẻ vị thành niên không giống nhau, nhưng cha mẹ có thể nhận thấy qua một số dấu hiệu như: Trẻ cảm thấy buồn, cô đơn và ít tham gia với mọi người hoặc không vui, dễ cáu hay ẩu đả với các thành viên trong gia đình và bạn bè, điều này có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, cảm xúc thay đổi (dễ khóc hoặc dễ cáu giận).
Trẻ vị thành niên trải qua giai đoạn trầm cảm có thể nói những điều tự ti về bản thân như, “Con không thể làm bất cứ điều gì đúng”, “Con không có bất cứ người bạn nào”, “Con không thể làm được điều này”, “Việc này quá khó với con”… Trẻ có cảm giác mình vô dụng, vô vọng hoặc tội lỗi.
Trầm cảm ở trẻ có thể làm tiêu hao năng lượng. Trẻ không có cố gắng, nỗ lực và khó tập trung trong học tập so với trước đây. Khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, dễ dàng bỏ cuộc hoặc thiếu năng lượng, ngày cả khi nghỉ ngơi.
Trẻ không còn nhiều niềm vui hay thích chơi đùa với bạn bè như trước nữa. Trẻ cũng không muốn làm những việc mà mình từng yêu thích. Thậm chí trẻ có thể tự làm đau bản thân và có ý định tự tử.
Trẻ có thể khó ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc trẻ cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi trẻ ngủ đủ giấc. Đôi khi trẻ có cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn.
Một số trẻ kêu đau bụng, đau đầu hoặc các cơn đau khác mà không rõ nguyên nhân. Một số trẻ nghỉ học vì cảm thấy không được khỏe, mặc dù trẻ không bị ốm.
Những điều cha mẹ cần làm để hỗ trợ trẻ bị trầm cảm
Khi thấy con mình có biểu hiện bị trầm cảm, cha mẹ cần tìm hiểu điều gì đang xảy ra. Hỏi trẻ cảm thấy thế nào và lắng nghe cởi mở mà không cần phán xét hay tư vấn. Hỏi những người mà bạn tin tưởng, những người biết con bạn, chẳng hạn như một giáo viên yêu thích hoặc bạn thân. Thông qua đó, để tìm hiểu xem liệu họ có nhận thấy điều bất thường khiến trẻ lo lắng hoặc thay đổi so với trước đó.
Bên cạnh đó, cần dành thời gian cho trẻ. Cha mẹ có thể dành thời gian cùng con làm những việc mà cả hai cùng thích như: đi dạo, chơi trò chơi, nấu ăn, đọc truyện, làm đồ thủ công, xem phim hài…Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian bên con hơn nếu có thể. Xây dựng một môi trường vui vẻ với các hoạt động ngoài trời phù hợp với lứa tuổi mà trẻ yêu thích sẽ khuyến khích tâm trạng trẻ tích cực. Điều này sẽ giúp cha mẹ và con được gần gũi.
Cha mẹ cần khuyến khích những thói quen tích cực của trẻ. Khuyến khích trẻ làm những việc mà chúng thường yêu thích, giữ thói quen ăn ngủ điều độ và luôn năng động. Hoạt động thể chất là một cách quan trọng để thúc đẩy tâm trạng của trẻ, có thể cùng trẻ chơi một môn thể thao nào đó hoặc khuyến khích trẻ chơi thể thao cùng bạn bè, để tạo thành thói quen tích cực. Âm nhạc có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trạng của trẻ; vì vậy, hãy cùng trẻ nghe những bài hát khiến trẻ cảm thấy lạc quan về cuộc sống.
Hãy để trẻ thể hiện bản thân, hãy để trẻ nói chuyện với bạn. Lắng nghe cẩn thận những gì trẻ nói về cảm giác của trẻ. Đừng bao giờ ép trẻ phải chia sẻ, thay vào đó bạn có thể khuyến khích trẻ thể hiện sự sáng tạo khác như: vẽ tranh, đồ thủ công hoặc ghi lại nhật ký suy nghĩ và kinh nghiệm của trẻ. Viết nhật ký có thể giúp trẻ giải tỏa cảm xúc của mình bằng cách quan sát những điều khiến trẻ khó chịu hoặc thấp thỏm. Có thể là một điều nhắc nhở tuyệt vời về những khía cạnh tích cực trong cuộc sống khiến trẻ cảm thấy tự hào vì đã làm tốt hơn.
Bảo vệ trẻ khỏi môi trường căng thẳng. Cha mẹ cần cố gắng giữ con tránh xa các tình huống mà chúng có thể bị căng thẳng quá mức, bị ngược đãi hoặc bạo lực. Và hãy nhớ, cha mẹ luôn phải mô phạm các hành vi và lời nói, có những phản ứng lành mạnh đối với những căng thẳng trong cuộc sống. Cha mẹ luôn phải gần gũi, quan tâm tới trẻ, đồng thời, cũng phảithiết lập ranh giới nhất định, nhưng không được xa lánh, thờ ơ, vô cảm với trẻ. Nên khuyến khích trẻ duy trì thói quen chăm sóc bản thân tích cực.
Cuối cùng, cha mẹ có thể đưa con đến gặp chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Bác sĩ, nhà trị liệu có thể đề nghị một vài lần khám, hoặc nhiều hơn. Liệu pháp trị liệu tâm lý có thể mất thời gian, nhưng bạn sẽ thấy tiến triển trong suốt quá trình. Một số trẻ có thể cần kết hợp thuốc tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ trầm cảm của trẻ.