Trăm năm đỏ lửa nghề rèn nơi phố cổ Bao Vinh
Hơn 100 năm qua, phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế, đã chứng kiến nhiều thay đổi, nhưng làng nghề rèn ở đây vẫn bền bỉ giữ lửa.
Khoảng một thế kỷ trước, những người thợ rèn từ làng Hiền Lương đã di cư đến phố cổ Bao Vinh và lập nghiệp. Từ đó, xóm rèn phía sau chợ Bao Vinh ra đời, nổi tiếng với các sản phẩm rèn phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Các lò rèn trong xóm thường bắt đầu "nổi lửa" vào buổi sáng, với âm thanh của búa, quai búa và kim loại va chạm, vang vọng khắp khu phố cổ. Vào buổi chiều, các lò rèn nghỉ ngơi, sản phẩm được mang đi giao hoặc bán tại chợ.
Ban đầu, người dân Bao Vinh sản xuất những sản phẩm đơn giản như xà beng, búa tạ, dao liềm... phục vụ cho hoạt động nông nghiệp. Sau đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, làng nghề còn sản xuất thêm dụng cụ bếp núc (dao, kéo, nồi, chảo), đồ vật trang trí và mỹ nghệ (cổng, cửa, hàng rào)...
Mọi sản phẩm đều được chế tác thủ công, đòi hỏi thợ rèn phải có sức khỏe dẻo dai, kiên trì và kinh nghiệm. Để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, phải trải qua lắm công đoạn.
Đầu tiên, người thợ rèn phải mổ sắt bỏ thép vào trong rồi nung lửa để dung hòa cả sắt và thép. Công đoạn này cũng cực kỳ quan trọng, lửa phải đều, vì nếu lửa quá to sẽ bị gãy, ngược lại, lửa non thì cả sắt và thép sẽ không ăn nhập với nhau.
Khi nung, cần phủ một lớp bùn mỏng bên ngoài để khi nóng chảy, sắt và thép sẽ được định hình. Sau khi lấy ra khỏi lò, kim loại được đưa lên đe và rèn nhanh, mạnh để tạo hình theo ý muốn.
Theo báo Huế ngày nay, hiện tại, trên địa bàn phường Hương Vinh có khoảng 28 hộ làm nghề rèn, với hơn 40 lao động tham gia. Sản phẩm của làng rèn Bao Vinh hiện có mặt tại nhiều tỉnh thành miền Trung.
Mỗi năm, các hộ làm rèn sản xuất hơn 75.600 sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Chính quyền phường Hương Vinh cũng chú trọng bảo tồn và phát triển nghề rèn Bao Vinh, coi đây là một nghề quan trọng của địa phương.
Nghề rèn đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Bao Vinh. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, nghề rèn ở đây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Sản phẩm rèn thủ công có giá thành cao do tốn nhiều công sức, trong khi các sản phẩm máy móc sản xuất hàng loạt lại có giá rẻ hơn, khiến việc cạnh tranh trở nên khó khăn.
Thông tin từ Sở Du lịch thành phố Huế, mặc dù việc phát triển du lịch kết hợp với làng nghề vẫn là một "bài toán" khó đối với người dân và lãnh đạo địa phương, nhưng tiềm năng của nghề rèn Bao Vinh vẫn đang được khai thác, kết hợp tham quan khu phố cổ Bao Vinh.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất và sự đam mê nghề của người thợ, làng rèn được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Cuối tháng 11 năm 2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) đã công nhận nghề rèn Bao Vinh là nghề truyền thống của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng và duy trì sự phát triển của nghề, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Phố cổ Bao Vinh hình thành vào khoảng thế kỷ 17, gắn liền với sự phát triển của sông Hương, tuyến đường thủy huyết mạch.
Nhờ vị trí thuận lợi, Bao Vinh trở thành một trong những trung tâm trao đổi hàng hóa sầm uất của miền Trung thời bấy giờ. Cảnh quan phố cổ vẫn giữ được những nét đặc trưng, nơi du khách có thể cảm nhận sự xưa cũ của một thương cảng một thời.
Bao Vinh từng là điểm đến của nhiều thương nhân từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và châu Âu. Họ đến đây để giao thương các mặt hàng như vải vóc, hương liệu, gốm sứ, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng, phản ánh sự giao thoa giữa các nền văn hóa Đông – Tây.
Kiến trúc của phố cổ Bao Vinh đặc trưng với những ngôi nhà rường, khung gỗ vững chắc. Các ngôi nhà thường có kiểu ba gian hai chái, phản ánh giá trị văn hóa của vùng đất cố đô.
Tường nhà được làm bằng gỗ hoặc gạch, sơn màu trắng hoặc vàng, tạo nên vẻ đẹp ấm cúng. Mái ngói âm dương có độ dốc cao giúp thoát nước mưa, phù hợp với khí hậu mưa nhiều của khu vực.
Dọc theo những con đường nhỏ, những hàng quán vẫn tồn tại, nhắc nhớ nhịp sống xưa. Dù nhiều ngôi nhà cổ đã xuống cấp theo thời gian, những gì còn lại vẫn đủ để du khách cảm nhận được vẻ đẹp hoài cổ. Những ô cửa, mảng tường vỡ vụn, mái ngói xưa cũ vẫn tạo dấu ấn khó phai.
Khi đến Bao Vinh, du khách không thể bỏ qua đình làng Bao Vinh, bến đò ngang Bao Vinh, chợ Bao Vinh, và chùa Thiên Giang Tự. Đây là những chứng tích lịch sử quan trọng, phản ánh đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Phố cổ Bao Vinh dù trải qua thăng trầm của thời gian, vẫn giữ được giá trị văn hóa độc đáo. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích sự bình yên và muốn khám phá vẻ đẹp của một thương cảng xưa.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/tram-nam-do-lua-nghe-ren-noi-pho-co-bao-vinh/