Trạm 'trợ lực' nhân văn của những phận người yếu thế

Huế như là 'trạm trợ lực' của những người yếu thế khi liên tục 'giải cứu' nhiều hoàn cảnh éo le trên hành trình từ Nam ra Bắc bị 'mắc lại' ở địa phương này.

“Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân” là phương châm luôn được Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế coi trọng và thường được nhấn mạnh khi phát biểu tại các buổi tiếp xúc, gặp mặt với đội ngũ báo chí để thể hiện quan điểm của lực lượng vũ trang trong quá trình giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ về công tác đảm bảo an ninh trật tự với đội ngũ người làm báo.

Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ về công tác đảm bảo an ninh trật tự với đội ngũ người làm báo.

Không chỉ vậy, đây cũng là điều mà Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn lấy làm kim chỉ nam trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 30/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ việc công khai số điện thoại cá nhân của Giám đốc Công an tỉnh làm đường dây “nóng” để tiếp nhận các phản ánh về an ninh trật tự , đến những việc làm nhân văn dù là nhỏ của lực lượng công an ở các địa phương cũng đã góp phần xây dựng, lan tỏa hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế trong lòng nhân dân.

Và thời gian gần đây, việc liên tục “giải cứu”, hỗ trợ những hoàn cảnh éo le trên hành trình từ Nam ra Bắc bị “mắc lại” ở Thừa Thiên-Huế bởi nhiều lý do khác nhau, đều có dấu ấn của lực lượng CAND càng là minh chứng điển hình cho nhận định đó.

Gần đây nhất, vào ngày 24/6, Công an huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) thông tin, vừa giúp đỡ một người đàn ông ở Đồng Nai có dấu hiệu trầm cảm, trở về với gia đình sau khi đi lạc ra Huế.

Trước đó vào ngày 18/6, trực ban Công an huyện Phong Điền nhận được thông tin một người đàn ông đi lạc cần giúp đỡ, Ban chỉ huy Công an huyện này đã lập tức cử cán bộ chở người đi lạc đến Công an thị trấn Phong Điền hỗ trợ ăn uống, hồi phục sức khỏe.

Sau quá trình tiếp xúc, cán bộ Công an thị trấn đã vận động, hỏi han thì biết người đàn ông này tên H.V.D (SN 1979, trú tại tỉnh Đồng Nai). Sau khi xác minh bên phía địa phương, Công an thị trấn Phong Điền đã liên hệ được với người nhà và thông tin để đón anh D. về. Người nhà anh D. sau đó đã đến Công an thị trấn Phong Điền và đón anh D. về lại Đồng Nai. Người nhà cho biết, anh D. có dấu hiệu bị trầm cảm nhẹ, đi khỏi nhà từ ngày 15/6/2024. Dù gia đình đã nhờ các cơ quan chức năng ở Đồng Nai tìm kiếm nhưng không ngờ anh D. đã đi lạc ra đến Thừa Thiên-Huế.

Gia đình đón anh D. tại Công an thị trấn Phong Điền.

Gia đình đón anh D. tại Công an thị trấn Phong Điền.

Không giấu được sự xúc động, vợ anh D. đã viết thư cám ơn đến cán bộ chiến sĩ Công an thị trấn Phong Điền và Công an huyện Phong Điền đã quan tâm, giúp đỡ liên hệ với gia đình và hỗ trợ chăm sóc anh D. trong thời gian chờ người nhà đến đón.

Cũng hành động giúp người yếu thế, vào ngày 15/6, Thượng úy Dương Minh Quốc, cán bộ Công an phường Hương Văn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) khi đang trực ban thì có một nam thanh niên vào xin nước uống.

Qua tìm hiểu được biết, thanh niên này tên Lò Văn E. (SN 1994, trú tại Bảo Nam, Kỳ Sơn, Nghệ An).

Lò Văn E. cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tháng 4/2023, E. vào Bắc Trà My, Quảng Nam để làm công nhân đi đào vàng thuê nhưng bị chủ lừa không trả tiền công. Vì không có tiền để bắt xe về quê nên E. đã đi bộ từ Quảng Nam ra quê. Khi đến địa phận Thừa Thiên-Huế, E. đi vào Công an phường Hương Văn xin nước uống.

Qua xác minh từ công an địa phương, đúng là hoàn cảnh của E. rất khó khăn. Ngay sau đó, Công an phường Hương Văn đã liên hệ xe hỗ trợ đưa em Lò Văn E. về quê. Ngoài ra, đơn vị và người dân đã quyên góp thêm để E. có tiền ăn cơm, uống nước dọc đường.

Em Lò Văn E. nhận sự hỗ trợ của Công an phường Hương Văn.

Em Lò Văn E. nhận sự hỗ trợ của Công an phường Hương Văn.

Trước đó, vào lúc 10h ngày 13/6, tại km 842+500 đến km 904+800, tổ công tác của Trạm Cảnh sát giao thông Phú Lộc, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế khi đang tuần tra kiểm soát trên tuyến QL1A thì phát hiện một thiếu niên nghi bị lạc đang đi bộ trên đường.

Qua tìm hiểu, được biết thiếu niên này tên là Tạ Hữu Q. (SN 2006, trú ở xóm 3, xã Viên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Cháu Q. có hoàn cảnh rất khó khăn, ba mẹ ly dị nhau từ lúc cháu mới 2 tuổi, sau đó ở với bà nội. Vì muốn giúp đỡ bà, tháng 4/2024, Q. vào TP.Hồ Chí Minh xin làm việc nhưng bị lừa không được trả lương nên ngày 12/6/2024, cháu bắt xe về quê Nghệ An.

Tuy nhiên, khi đến địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên -Huế do không có tiền trả nên bị lái xe khách đuổi xuống. Thời tiết nắng nóng, di chuyển trong tình trạng đói bụng, Q. đi bộ được khoảng 7km thì bị đuối sức. Rất may lúc này, Q. gặp được tổ Cảnh sát giao thông Công an Thừa Thiên-Huế đang làm nhiệm vụ gần đó.

Qua xác minh nhanh ở Công an xã Viên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đúng nhân thân mà cháu Q. đã nói. Thương cảm hoàn cảnh khó khăn, vất vả của cháu, tổ công tác CSGT đã hỗ trợ tiền và đón xe khách cho cháu Q. về quê đoàn viên với gia đình.

Tổ công tác trạm CSGT Phú Lộc hỗ trợ Q. bắt xe về quê.

Tổ công tác trạm CSGT Phú Lộc hỗ trợ Q. bắt xe về quê.

Cũng trong tháng 6/2024, vào khoảng 23h ngày 9/6, trong lúc đi tuần tra ban đêm trên tuyến đường QL1A, Trung tá Lê Viết Hòa, Trưởng Công an xã Phong Thu, huyện Phong Điền phát hiện một thanh niên mang ba lô đang đi bộ trên đường.

Qua kiểm tra, thanh niên này tên Nguyễn Hữu Ph. (SN 2002, trú tại xóm 9, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ph. cho biết, mình bắt xe khách từ huyện Phú Lộc, để đi ra nhà ở Nghệ An nhưng khi đến địa phận xã Phong Thu thì bị sang xe, sau khi lên xe khác đi một đoạn thì phát hiện mất điện thoại. Lúc này, Ph. xin lái xe quay lại nhưng không được nên anh xuống xe để tự đi tìm. Thế nhưng, do không nhớ vị trí, thời tiết lại đổ mưa, nên Ph. đi bộ mãi không tìm thấy điện thoại.

Qua lời trình bày của Ph., Trung tá Lê Viết Hòa đã nhanh chóng dùng xe máy chở Ph. đi ngược trở lại khoảng 2km hỗ trợ tìm kiếm. Sau khoảng 45 phút tìm kiếm, Ph. đã tìm được điện thoại tại khu vực đất trống dọc QL1A thuộc thôn Trạch Hữu, xã Phong Thu. Sau đó, Trung tá Hòa cũng hỗ trợ để Ph. bắt xe khác về quê trong đêm. Cảm kích trước sự nhiệt tình này, khi rời đi, Ph. đã không quên viết lại bức thư cảm ơn vị Trưởng công an xã tốt bụng và đầy trách nhiệm.

Em Ph. và Trung tá Hòa chụp ảnh kỷ niệm.

Em Ph. và Trung tá Hòa chụp ảnh kỷ niệm.

Với những hành động rất trách nhiệm liên tục của lực lượng CAND như vậy, nhiều người đã ghi nhận Huế như là một “trạm trợ lực” nhân văn trên hành trình Nam Bắc của những phận đời yếu thế.

Trước sự ghi nhận này, Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế khiêm tốn chia sẻ, là chiến sỹ CAND thì ai cũng vậy, một khi gặp phải những hoàn cảnh như vậy, việc giúp đỡ, hỗ trợ đương nhiên là việc phải làm. Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của một người công an với nhân dân.

“Trong thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo nội dung Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ không chỉ sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, mà còn tiếp tục xây dựng, lan tỏa hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế trong lòng nhân dân; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, quyết tâm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, Đại tá Hoàng Văn Thành cho biết.

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tram-tro-luc-nhan-van-cua-nhung-phan-nguoi-yeu-the-a669842.html