Trạm y tế lưu động tại Bình Dương: Sáng tạo trong chống dịch, tiếp tục chuyển đổi công năng - Bài 1
Trong đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, Bình Dương là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề. Thực hiện phương châm “lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài”, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thành lập trạm y tế lưu động tại những nơi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Sự ra đời của mô hình này tại Bình Dương trong thời điểm chống dịch đã góp phần đưa dịch vụ y tế đến gần hơn với người dân và kéo giảm tỷ lệ tử vong. Trong điều kiện bình thường mới, Bình Dương xoay trở chuyển đổi công năng các trạm y tế lưu động (TYTLĐ) để tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bài 1: Sáng tạo mô hình chống dịch hiệu quả
(BDO) Với mục tiêu giúp người dân trong vùng “khóa chặt, đông cứng” tiếp cận nhanh nhất dịch vụ y tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bình Dương chủ động thành lập mô hình TYTLĐ. Đây là mô hình sáng tạo không chỉ giúp người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất từ tuyến cơ sở mà còn giúp Bình Dương giảm ca chuyển nặng, tử vong, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Xe cứu thương TYTLĐ đáp ứng nhanh nhất yêu cầu y tế của người
Mô hình đáp ứng nhanh nhất yêu cầu y tế
Đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Bình Dương trở thành tâm dịch của các tỉnh miền Đông Nam bộ, là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ ca nhiễm trên tổng số dân. Vào thời điểm đỉnh dịch, mỗi ngày tỉnh ghi nhận khoảng 4.000-6.000 ca nhiễm. Dịch bệnh tấn công vào các khu nhà trọ, khu dân cư đan xen với các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Trong điều kiện nguồn vắc xin vẫn còn khan hiếm cả trên thế giới và trong nước, Bình Dương nói riêng và cả nước chống dịch trong điều kiện bị động, chưa có trong tiền lệ, phải vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Từ 2 Công điện 1099/CĐ-TTg “Tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19” và Công điện số 1102/CĐ-TTg “Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc” của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn mô hình trạm y tế lưu động (TYTLĐ). Ngay sau đó 57 TYTLĐ đã được “cấp tốc” thành lập tại 15 phường “vùng đỏ” đang “khóa chặt, đông cứng” thuộc TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên.
Mô hình TYTLĐ ra đời đã kết nối chăm sóc, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng để chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt các thành viên trong mô hình còn theo dõi quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà, tại cộng đồng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cứu các bệnh thông thường, tham gia xét nghiệm, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân. Vào thời điểm trước khi mô hình ra đời, Bình Dương luôn trong tình trạng áp lực số lượng ca F0 gia tăng, buộc phải thành lập rất nhiều khu cách ly, khu điều trị (33 cơ sở điều trị và 173 khu cách ly tập trung) nhưng tỷ lệ F0 được tiếp cận chăm sóc y tế còn nhiều hạn chế, F0 chuyển nặng liên tục gia tăng. Chính sự ra đời của mô hình này đã giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, góp phần kéo giảm tỷ lệ tử vong và giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên.
Nhân viên TYTLĐ huyện Bắc Tân Uyên theo dõi, chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà
Phường Thuận Giao, TP.Thuận An là một trong những điểm nóng dịch bệnh. Địa phương đã thành lập 5 TYTLĐ ở 5 khu phố để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Năm, khu phố Bình Thuận, phường Thuận Giao là một trong rất nhiều trường hợp được trạm thu dung điều trị thành công. Bà Năm có kết quả dương tính với COVID-19, điều trị tại nhà được 3 ngày đến tối ngày thứ 4 thì có dấu hiệu trở nặng như: khó thở, thở hụt hơi, nhịp thở 25 lần/phút, mạch nhanh, huyết áp thấp, cảm giác đau bó thắt ngực… Bà Năm gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng thì được nhân viên y tế được đưa đến TYTLĐ khu phố Bình Thuận. Tại đây, nhân viên y tế tiến hành sơ cấp cứu và điều trị cho bà Năm. Sau khi điều trị tại trạm được 7 ngày, sức khỏe bà Năm hoàn toàn bình phục, nhân viên y tế hướng dẫn bà tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định. Bác sĩ Nguyễn Đình Thịnh, Trưởng Trạm Y tế lưu động phường Thuận Giao, TP.Thuận An chia sẻ: “Vào thời điểm đỉnh dịch, TYTLĐ thành lập 5 tổ tiền trạm lưu động đóng chốt tại các khu phố nên mọi yêu cầu y tế của người dân được đáp ứng nhanh nhất. Sau khi tiếp nhận ca dương tính, tổ tiền trạm phân loại F0, nhẹ thì hướng dẫn điều trị tại nhà, nặng thì chuyển vào trạm cấp cứu lưu động và khi vượt quá khả năng điều trị thì trạm sẽ chuyển tuyến lên Trung tâm y tế thành phố Thuận An. Thống kê trong gần 14 ngày thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách, TYTLĐ phường Thuận Giao đã quản lý, chăm sóc hơn 2.000 F0, không có trường hợp tử vong”.
Trong khoảng 2 tuần, các địa phương TP.Thuận An, TX.Tân Uyên thực hiện các biện pháp “khóa chặt”, “đông cứng” nhưng hoạt động y tế ở những vùng đỏ, điểm đỏ vẫn diễn ra rất sôi động. Trong tình hình thiếu nhân lực với 22 bác sĩ, 88 nhân viên, tình nguyện viên nhưng 57 TYTLĐ này hoạt động hết công suất đã theo dõi, chăm sóc cho hàng ngàn F0. Hoạt động hiệu quả của các TYTLĐ đã góp phần giảm tải cho tuyến trên, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong nhờ phát hiện sớm các F0 chuyển nặng. Đặc biệt, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên không còn tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong trước khi đưa vào các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu.
Nhân rộng mô hình tới 91 xã, phường, thị trấn
Từ hiệu quả của mô hình TYTLĐ, cuối năm 2021 thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giao Ngành y tế có phương án, củng cố, kiện toàn các TYTLĐ. Trên cơ sở cứ 15.000 dân bố trí 1 TYTLĐ với 5 biên chế. Đặc biệt thường trực Tỉnh ủy cũng thống nhất tăng thêm 1 TYTLĐ cho 91 xã, phường, thị trấn. Theo đó toàn tỉnh tỉnh sẽ có 196 TYTLĐ/91 xã, phường, thị trấn.
Từ hiệu quả của mô hình TYTLĐ tại các vùng đỏ đậm đặc cho thấy sự nhạy bén, sáng tạo của các cấp lãnh đạo giúp người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất ngay từ tuyến cơ sở. Mô hình cũng khẳng định chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh “lấy xã phường là pháo đài chống dịch, người dân là chiến sĩ trong mặt trận phòng chống dịch” là hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh lúc bấy giờ. Nhận thấy hiệu quả của mô hình Bình Dương chủ trương bao phủ hoạt động TYTLĐ không chỉ ở “vùng đỏ”, “điểm đỏ”, “vùng vàng” mà mở rộng cả những “vùng xanh”. Chỉ trong khoảng 1 tuần toàn tỉnh bao phủ 149 TYTLĐ trên 91 xã, phường, thị trấn; trong đó có 26 trạm hoạt động trong khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt các huyện vùng xanh như huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng phát huy vai trò của trạm trong thực hiện xét nghiệm, tiêm vắc xin tại nhà cho người dân. Điển hình tại huyện Phú Giáo, 11 TYTLĐ tại 11 xã, thị trấn đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 4.500 trường hợp, tiêm vắc xin cho hơn 20.000 người và chăm sóc F0 tại nhà cho gần 1.000 trường hợp. Tính đến ngày 2-6, toàn tỉnh đã chăm sóc tại nhà (nhà ở, nhà trọ, công ty và tại TYTLĐ) cho gần 423.000 F0, trong đó có gần 70% F0 được chăm sóc tại TYTLĐ. Ngoài ra các trạm còn hướng dẫn tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc tại nhà, thực hiện test nhanh, tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân và chuyển viện nhiều trường hợp nặng. Hoạt động hiệu quả của các TYTLĐ cùng với hệ thống điều trị tầng 2, tầng 3 góp phần kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19. Nguyên nhân do người dân sớm tiếp cận y tế, được chăm sóc y tế ngay từ khi phát hiện dương tính. Thống kê vào thời điểm cuối tháng 8 mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận từ 20 đến 40 ca tử vong/ngày nhưng con số này giảm dần khi mô hình TYTLĐ vào vận hành, ghi nhận từ 10 đến dưới 20 ca tử vong/ngày và giảm dần xuống từ 1 đến 2 ca/ngày.
Nhân viên TYTLĐ huyện Bàu Bàng phát thuốc cho người nhiễm COVID-19 tại nhà
Nói về mô hình TYTLĐ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: “Nhờ hoạt động có hiệu quả của TYTLĐ, nhiều F0 cách ly tại nhà đã tự tin điều trị tại nhà, vượt qua bệnh Covid-19. Tuy nhiên lực lượng tham gia TYTLĐ còn yếu, thiếu, có nhân viên phải làm việc liên tục từ sáng đến đêm khuya vừa tư vấn sức khỏe, vừa tiếp nhận, xử lý các yêu cầu hỗ trợ từ các F0 đến việc cấp phát thuốc theo dõi sức khỏe tại nhà, chuyển viện, thực hiện xét nghiệm, tiêm vắc xin… nên rất áp lực và quá tải”.