Trận chiến Đồng Dù và nước mắt ngày Giải phóng
Đã ở tuối 'xế chiều', mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá Chu Xuân Đoàn lại ngồi lặng lẽ, hồi tưởng về giây phút quân ta chọc thủng 'cánh cửa thép' Đồng Dù để tiến vào nội đô Sài Gòn…
Chọc thủng "cánh cửa thép"
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, căn cứ Đồng Dù ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn được ví như "cánh cửa thép", mà bộ đội ta phải chọc thủng để thọc sâu vào nội đô Sài Gòn. Trung đoàn 9, Sư đoàn 320 (sau này Sư đoàn 320 sát nhập với sư đoàn 968 và lấy tên là Sư đoàn 968 - PV) là một trong những đơn vị lãnh nhiệm vụ này.
Khi đó, ông Chu Xuân Đoàn mang cấp hàm Đại úy, là Tham mưu trưởng của Trung đoàn 9. Dù năm nay đã 75 tuổi, nhưng ông Đoàn vẫn nhớ như in những ngày tháng lịch sử đó. Đại tá Chu Xuân Đoàn kể: "Ngày 01/4/1975, Tuy Hòa - Phú Yên chính thức được giải phóng, chúng tôi được lệnh phải đảm bảo mọi yếu tố cần thiết để đập tan căn cứ Đồng Dù, thuộc tỉnh Tây Ninh (nay là quận Củ Chi, TPHCM). Căn cứ này rộng khoảng 6km2, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30km về phía Tây Bắc, là một căn cứ quân sự do Mỹ xây dựng, rất vững chắc. Địa hình ở Đồng Dù rất trắc trở, được quân địch bao vây bởi 10 lớp hàng rào kẽm gai nhằm ngăn chặn sự tiến công của quân ta. Đây cũng là 1 trong 5 phòng tuyến rất quan trọng của địch, bao quanh các hướng vào Sài Gòn. Để có thể tiến vào nội đô, không còn cách nào khác là phải chọc thủng các phòng tuyến này. Quân ta đặt mục tiêu phải đập tan căn cứ Đồng Dù trước ngày 29/4/1975, để quân chủ lực vào được nội đô, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lúc đó, tôi biết trận chiến sẽ diễn ra rất ác liệt".
Theo Đại tá, PGS.TS Chu Xuân Đoàn, từ 17h chiều ngày 27/4, đơn vị của ông bắt đầu hành quân thâu đêm từ thị xã Củ Chi vào Đồng Dù. Đúng 5h30 phút sáng ngày 28/4/1975, Trung đoàn 9 nổ súng, tiến công vào căn cứ của địch.
"Trong cuộc đời chiến đấu của mình, tôi chưa bao giờ chứng kiến một buổi lễ xuất quân hùng hậu, mạnh mẽ và cảm động đến như vậy. Khi chúng tôi hành quân từ Củ Chi vào Đồng Dù, đi đến đâu, người dân hai bên đường áo mũ chỉnh tề chào đón bộ đội, trên tay họ là cờ, là ảnh Bác Hồ. Trong giây phút đó, tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, Trung Đoàn 9 cùng một số Trung đoàn khác của quân đội ta sẽ hoàn toàn đập tan được căn cứ địch phía Tây Bắc Sài Gòn và đây cũng là trận đánh cuối cùng để giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước", Đại tá Chu Xuân Đoàn nhớ lại.
Nước mắt ngày giải phóng
Đại tá Chu Xuân Đoàn kể, khoảng 11h trưa ngày 28/4, tức là chỉ sau vài giờ quân ta khai hỏa, quân địch đã kéo cờ trắng xin hàng. Sau khi chiếm giữ được Đồng Dù, đêm cùng ngày, các Trung đoàn khác hành quân vào chiếm lĩnh trận địa Sài Gòn. Riêng Trung đoàn 9 được lệnh ở lại Đồng Dù để tiếp nhận tù binh, truy quét lực lượng chống đối.
"Đến gần trưa ngày 30/4/1975, nhận tin báo Sài Gòn chính thức giải phóng, cờ đỏ sao vàng Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, anh em ở Đồng Dù ôm nhau khóc như những đứa trẻ. Nhân dân Đồng Dù ra đường hô hào, vẫy cờ phấp phới", ông Đoàn nhớ lại.
Đại tá Đoàn cho hay, khi biết tin chiến thắng, mọi thứ diễn ra như ngày hội, từ bộ đội đến nhân dân, ai cũng tràn đầy hứng khởi. Tuy nhiên, cũng có một số người dân, gia đình có người thân theo phía bên kia thì lo lắng, không biết chồng con đang ở đâu, cuộc sống những ngày tới sẽ như thế nào.
Đến bây giờ, khi chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, Đại tá, PGS.TS Chu Xuân Đoàn vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc. Ông bảo, trong các cuộc gặp mặt của những người lính trẻ năm xưa, đồng đội ông đều ôm nhau khóc. Nhiều đêm nằm ngủ, hình ảnh của đồng đội, của những ngọn đồi đỏ lửa cùng tiếng súng đùng đoàng lại văng vẳng bên tai ông.
Đã quá tuổi "thất thập cổ lai hy", Đại tá Đoàn tâm sự rằng, trong suốt những năm tháng của đời binh nghiệp, ông luôn biết ơn gia đình, đặc biệt là người mẹ và người vợ của ông. Chính họ đã tiếp thêm sức mạnh để ông hoàn thành nhiệm vụ.
Trong cuốn hồi ký "Từ chiến trường đến nhà trường", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão - Trung đoàn 48, thuộc Sư đoàn 320 (Trung đoàn 48 trực tiếp tham gia chiếm lĩnh trận địa nội đô Sài Gòn sau khi cùng Trung đoàn 9 đập tan căn cứ Đồng Dù) đã viết: "…Tôi theo sát bộ đội đánh vào căn cứ, lần lượt chiếm hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Cửa mở Tây Bắc Sài Gòn đã thông. Tôi nhìn thấy đội hình của Sư đoàn 10, một đoàn xe cơ giới hùng hậu, lần lượt vượt qua Đồng Dù lao về phía Sài Gòn hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo tiến công vào hang ổ cuối cùng của ngụy quân - ngụy quyền Sài Gòn. Thực hiện trọn vẹn thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ diệt 500 tên và bắt trên 2.500 tên, trong đó có Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Sư trưởng Sư đoàn 25 ngụy, thu 5.000 súng các loại mặc dù phải trả cái giá rất đắt. Hàng trăm chiến sĩ của sư đoàn đã hy sinh ngay bên cửa ngõ Sài Gòn trước ngày ca khúc khải hoàn mừng toàn thắng. Ngày 29/4 với cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 320 là ngày không bao giờ quên. Ngày mà biết bao chiến sĩ, trước giờ toàn thắng vẫn chấp nhận hy sinh xương máu…".