'Trận chiến' sau đại dịch của Vua Cua
Sau cú 'suýt chết' vì dịch Covid-19, chuỗi nhà hàng Vua Cua đang quyết liệt tái cơ cấu và theo đuổi tham vọng mang cua Cà Mau sang bán ở Mỹ.
Gần 12h trưa nhưng nhân viên tại văn phòng của chuỗi nhà hàng Vua Cua trên đường Thảo Điền (Q2, Tp.HCM) ai cũng sốt sắng và vui vẻ. Bà Đoàn Thư – CEO chuỗi Vua Cua mặc chiếc áo thun ngắn tay, chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, cố gắng hoàn thành bản mô tả công việc cụ thể trước buổi chiều. Đây là việc cấp thiết trong hành trình tái cơ cấu quyết liệt của Vua Cua sau khi nhận ra nhiều điều quan trọng sau đại dịch.
“Trận chiến” sau đại dịch
Khởi phát ý tưởng kinh doanh nhà hàng chuyên bán cua Cà Mau vào năm 2016, đến năm 2019 thì doanh nhân 8X Đoàn Thư đã xây dựng được 5 nhà hàng. Vừa lúc muốn mở rộng với nhiều ấp ủ thì đại dịch Covid-19 ập đến.
Dịch bệnh đẩy hầu hết doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn, chuỗi Vua Cua cũng không ngoại lệ. Đoàn Thư lần lượt đóng từng cửa hàng vật lý và chỉ bán qua kênh online. Do phải thực hiện giãn cách toàn thành phố nên doanh thu trực tiếp từ cửa hàng không còn. Thay vào đó, mảng online tăng gấp 3 lần, đóng góp khoảng 30% doanh thu toàn chuỗi. “Ngoài việc tăng doanh thu, cái lợi lớn nhất là sau dịch, kênh online giúp nhiều khách hàng biết là Vua Cua có giao hàng tận nơi”, bà Đoàn Thư chia sẻ.
Đợt dịch đầu năm 2020 vừa ngớt thì đợt dịch mới năm 2021 bùng lên, đẩy Vua Cua vào thế ngặt nghèo. Doanh thu toàn chuỗi tụt dốc không phanh, sổ sách thất lạc nhiều do nhân viên làm tại nhà, không kiểm soát được hàng tồn kho, dòng tiền âm nặng. Những tưởng các khoản đầu tư vào công nghệ trước đó sẽ giúp Vua Cua lật ngược thế cờ. Nhưng ngược lại, nỗ lực theo kịp làn sóng “chuyển đổi số” đã làm tiêu tốn phần lớn lợi nhuận mà chuỗi này tích cóp được. Lúc đó, CEO Đoàn Thư bị kẹt ở Mỹ hơn 9 tháng trời, phải điều hành mọi việc từ xa. Bài toán kinh doanh rối như tơ vò, khoản lỗ lũy kế bắt đầu phình to và lớn dần. “Mém chút nữa thì Vua Cua phá sản”, doanh nhân trẻ Đoàn Thư tâm sự.
Khi bay về được Việt Nam, bà Thư lập tức sắp xếp lại công ty, ưu tiên hàng đầu là gọi vốn. Tháng 5/2021, doanh nhân Đoàn Thư tham gia chương trình Shark Tank kêu gọi đầu tư và nhanh chóng nhận được 3,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần từ Shark Liên (Đỗ Thị Kim Liên – doanh nhân sở hữu nhiều công ty cung cấp nước sinh hoạt). Hai tháng sau chương trình, Vua Cua nhận được tiền đầu tư để duy trì hoạt động chuỗi nhà hàng. Bà Thư bộc bạch: “Khoản tiền này giúp bù lại phần lớn dòng tiền bị âm sau hai năm dịch, kéo Vua Cua ra khỏi bờ vực phá sản”.
Kể từ đây, Vua Cua lại bước vào một “trận chiến” mới, đó là tái cơ cấu toàn diện. Những ấp ủ mở rộng nhanh trước đây như xe bán cua di động (Vua Cua Bike), mở gian hàng trong các siêu thị, đầu tư chuyển đổi số… đều được bà Thư xem xét lại và cho dừng tất cả. “Các hoạt động này tuy giúp tăng doanh thu nhưng không mang lại lợi nhuận đáng kể. Bán hàng qua app cũng vậy, tôi chỉ xem là một hoạt động marketing, triển khai tùy thời điểm và không thường xuyên. Doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cần thiết ưu tiên cho lợi nhuận chứ không phải doanh thu, nhất là doanh nghiệp nhỏ như Vua Cua”, bà Thư lý giải.
Trong giai đoạn nhìn lại quá trình phát triển của mình, Vua Cua cũng nhận ra nhiều điều quan trọng. Bà Thư cho rằng, với ngành hàng tiêu dùng nhanh như Vua Cua, bên cạnh báo cáo hoạt động kinh doanh hàng ngày thì báo cáo dòng tiền là quan trọng nhất. Ngoài ra, các khoản chi phí phải được phân loại chi tiết, để khi cần thì chủ doanh nghiệp mới biết tăng cái nào hay cắt giảm cái nào cho chính xác.
Nhờ nắm rõ chi tiết tình hình hoạt động, CEO Đoàn Thư mạnh tay cắt bớt những khoản chi phí không cần thiết. Trong năm 2020, do nôn nóng mở rộng, Vua Cua đã triển khai một số hoạt động mà chưa tính được hiệu quả cụ thể. Cùng với sự ra đời của mô hình nhượng quyền Vua Cua Bike là bộ máy nhân sự phình ra đáng kể, nhiều nhất là bộ phận quản lý. Sau khi cân nhắc, bà Thư cắt hết nhóm này. Nhân sự công ty cũng được sắp xếp lại theo hướng kiêm nhiệm và ưu tiên giữ lại những người muốn gắn bó lâu dài. Sau cuộc “đại phẫu”, nhân sự giảm bớt khoảng 70% và chi phí thường kỳ của Vua Cua cũng giảm được đến 30% nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Cùng với hoạt động tinh gọn bộ máy, bà Thư cũng gấp rút hoàn thiện bảng mô tả công việc cụ thể của từng vị trí nhân viên. Ngoài tác dụng dễ theo dõi và đánh giá hiệu suất, việc đào tạo nhân viên mới cũng nhanh hơn. Khi có chỉ tiêu và điều kiện thăng tiến cụ thể, biến động nhân sự không còn là gánh nặng của những doanh nghiệp nhỏ như Vua Cua.
Tinh gọn bộ máy và hoàn thiện quy trình quản trị nguồn nhân lực xong giúp CEO trẻ thấy “nhẹ cả người”. Dù vậy, bà Thư nói vẫn còn thấy tiếc vì quyết định chạy theo phong trào chuyển đổi số trước đây. Khi phát triển được 5 nhà hàng, bà cứ đinh ninh rằng có hệ thống công nghệ đầy đủ sẽ giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Thế là trong giai đoạn dịch bùng phát, Vua Cua tranh thủ phát triển hệ thống online đi kèm với hoạt động đầu tư công nghệ quản lý, điển hình là hệ thống ERP. Khi dịch đi qua, bà Thư chua chát nhận ra rằng, công nghệ chưa phù hợp đã đốt gần hết số tiền mà doanh nghiệp kiếm được. “Chuyển đổi số là xu hướng cần thiết, nhưng khi doanh nghiệp có doanh thu từ vài trăm tỷ đồng và quy mô cỡ 500 nhân viên trở lên thì đầu tư mới có hiệu quả rõ ràng. Vua Cua mới chỉ có hơn 100 nhân viên nên đã lãng phí khá nhiều nguồn lực khi nôn nóng đầu tư hệ thống ERP”, doanh nhân này nhận xét.
Hiện nay, Vua Cua đang sử dụng các phần mềm quản lý trong nước nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Theo bà Thư, quan trọng là phải có quy trình làm việc chuẩn chỉnh và tuân theo sát sao. Nhờ nhận ra những vướng mắc trong quá trình hoạt động và xử lý rốt ráo, Vua Cua đang giảm dần số lỗ do bị ảnh hưởng qua 2 năm dịch. Đến tháng 7/2022, CEO Đoàn Thư cho biết dòng tiền đã dương trở lại và doanh số đã khôi phục lại mức trước dịch.
Sẽ bán cua Cà Mau ở Mỹ
Sau khi dẹp bớt được những gánh lo về quản trị, CEO Đoàn Thư lại dành nhiều thời gian cho một tham vọng mới: bán cua Cà Mau ở Mỹ.
Thật ra, kế hoạch này đã được vị CEO trẻ chuẩn bị từ trước, nhưng dịch bệnh ập đến khiến cho những dự định xa xôi đành tạm gác lại. Để thúc đẩy tham vọng này, vào tháng 5/2022, Vua Cua đã chính thức bắt tay với Uplyft Holding (một công ty trong hệ sinh thái tài chính ở Mỹ, chủ là người Mỹ gốc Việt) phân phối nước xốt Vua Cua tại Mỹ. Nước sốt là sản phẩm đầu tiên giúp mở đường cho tham vọng bán cua Cà Mau ở Mỹ của CEO trẻ Đoàn Thư.
Bà Thư cho biết, tính đến nay, sản phẩm này đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng trải nghiệm tại bang Seatle, bán trực tuyến qua trang Amazon.com và tại chuỗi siêu thị Costco. Đối tác đã tự bỏ ra hàng trăm ngàn USD chi phí để mang nước sốt Vua Cua giới thiệu đến cộng đồng người Việt ở Mỹ lẫn người Mỹ bản xứ. Kết quả ban đầu khá tốt nên bà Thư đang chuẩn bị cho một kế hoạch dài hơi hơn. Để vận chuyển cua Việt Nam sang Mỹ cần phải cấp đông. Qua nhiều lần thử nghiệm, bà Thư cho biết sau khi rã đông, chất lượng và vị cua vẫn rất ngon. “Có nhiều quốc gia sở hữu công nghệ cấp đông thủy hải sản tiên tiến. Tùy nhu cầu thị trường mà mình chọn công nghệ và chi phí phù hợp”, bà chia sẻ thêm.
Song hành với kế hoạch mở rộng sang Mỹ, Vua Cua cũng có kế hoạch riêng để chiếm lĩnh thị trường trong nước. Trong 5 năm tới, Vua Cua đặt mục tiêu phủ rộng chuỗi nhà hàng ra toàn quốc. Đồng thời, bà Thư mơ ước sẽ có một nhà máy đầu tiên chuyên sản xuất nước xốt, quy mô đủ lớn để bán sỉ lẻ trong nước và xuất khẩu. Hiện chuỗi Vua Cua có tổng cộng 9 cửa hàng đóng góp 90% doanh thu, còn lại là từ bán nước sốt. Trong đó, 6 cửa hàng phục vụ tại chỗ và 3 cửa hàng bán mang đi (Vua Cua Deli).
Tháng 9/2022, Vua Cua được quỹ đầu tư Beacon Fund (Singapore) kí cam kết hỗ trợ tài chính với lãi suất thấp hơn các khoản vay ngân hàng Việt Nam. Dù vậy, để hiện thực hóa giấc mơ của mình, bà Thư cho biết không ưu tiên vay vốn hay kêu gọi thêm tiền đầu tư. CEO trẻ khẳng định muốn lớn dần dần, mở rộng hệ thống bằng chính số tiền mình kiếm được. Bởi từ khi khởi nghiệp năm 2016 đến nay, doanh nhân trẻ này luôn giữ phương châm kinh doanh là “làm thật ăn thật”.
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tran-chien-sau-dai-dich-cua-vua-cua-d33367.html