Trận đánh 'chia lửa' với chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến công của quân và dân Kiến An trong trận đánh sân bay Cát Bi vào tháng 3/1954, xóa sổ 59 máy bay của địch mang ý nghĩa 'chia lửa' với Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đoàn chiến đấu đánh sân bay Cát Bi tháng 3/1954 vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu “Dũng sĩ Cát Bi” và người được đơn vị bình bầu “Dũng sĩ số 1” là Tổ trưởng Trinh sát Mai Năng, sau là Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Câu chuyện của Dũng sĩ Cát Bi số 1
“Năm 1950, tôi là bộ đội quân báo tỉnh đội Kiến An, sau là Tổ trưởng Tổ Trinh sát hậu địch. Tháng 7/1953, chúng tôi được giao nhiệm vụ trinh sát chuẩn bị cho trận đánh sân bay Cát Bi”, Thiếu tướng Mai Năng mở đầu cuộc trò chuyện với tôi, 14 năm trước.
Sau đó, ông tiếp tục chia sẻ về trận đánh “chia lửa” với Chiến dịch Điện Biên Phủ:
“Sân bay Cát Bi là sân bay lớn nhất của Pháp ở Bắc Đông Dương, có 200 máy bay các loại. Sân bay có 3 mặt giáp sông, biển; một mặt giáp đất liền, bố trí binh lực để phòng thủ rất nghiêm ngặt.
Lực lượng của địch có 7 tiểu đoàn Âu - Phi, lê dương, thám báo. Quanh sân bay có tới 78 đồn bốt, tháp canh chia 3 tuyến vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích phòng không, 6 hàng rào dây thép gai, bãi mìn, hàng ngàn đèn điện sáng, mấy chục ngọn đèn pha chiếu quét liên tục, sân bay vào đêm sáng như ban ngày. Cứ 15 phút, trung đội Âu - Phi trang bị cơ giới, chó nghiệp vụ tuần tra quanh sân bay một lần. Tất cả dưới sự chỉ huy của một thiếu tướng Pháp và cố vấn Mỹ, chưa kể “vành đai trắng” xung quanh sân bay.
Chiến thắng trong trận đánh sân bay Cát Bi có ý nghĩa nhất đối với chiến dịch Điện Biên Phủ. Một ‘cầu hàng không’ chủ yếu của Pháp đã bị cắt, tạo điều kiện để dân công, bộ đội vào Điện Biên Phủ, giảm tối đa sự chi viện của Pháp cho căn cứ chiến lược này.
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tổ Trinh sát của chúng tôi gồm 4 người: tôi - Mai Năng - là Tổ trưởng, cùng 3 chiến sỹ: My, Hồng, Diệp. Huyện Kiến Thụy cử một tổ thuộc xã Hòa Nghĩa hỗ trợ. Việc đi lại, ăn ở gặp rất nhiều nguy hiểm, bởi ta chưa có cơ sở nào quanh sân bay. Những ngày đầu, trinh sát phải nằm ngoài bờ bụi, bãi sú và hàng tháng trời vẫn chưa xây dựng được một cơ sở nào.
Đột nhiên, một buổi tối, có gia đình đóng cửa, che đèn, gọi bộ đội vào cho cơm ăn. Người mẹ già vừa thở vừa nói: “Mẹ biết các con về lâu rồi”. Chúng tôi giật mình. Rồi mẹ khuyên chúng tôi tạm lánh, vì địch đang khủng bố rất dữ.
Tôi cảm động và thưa: “Cảm ơn mẹ, chúng con là cháu Bác Hồ, con của nhân dân. Nhiệm vụ là xây dựng phong trào để giải phóng quê hương. Dù khó khăn thế nào, cũng không thể bỏ dân. Chúng con sẽ bám dân, bám đất cho đến ngày giải phóng”.
Nghe vậy, mẹ nghẹn ngào: “Từ nay, các con vào, dùng ngón tay gõ nhẹ là mẹ biết”.
Người mẹ này là mẹ Sàng - cơ sở đầu tiên của Tổ Trinh sát ở thôn Hòa Nghĩa. Từ nhà mẹ Sàng, Tổ Trinh sát phát triển thêm những cơ sở mới ở nhà mẹ Tính, mẹ Vo, mẹ Tạ…
Hơn nửa thế kỳ trôi qua, các mẹ đã về nơi chín suối, nhưng hình ảnh những người mẹ yêu nước ở thôn Hòa Nghĩa vẫn còn mãi trong tôi. Từ những cơ sở này, trinh sát dần nắm được tình hình. Trên cơ sở đó, Tổ chuẩn bị phương án trinh sát đột nhập, tập trung vào các điểm hàng rào, bãi mìn, đường băng, nơi đỗ máy bay, kho tàng, trung tâm chỉ huy…
Sau đó, Tổ Trinh sát nhận được lệnh của cấp trên đưa chỉ huy các đơn vị vào nắm tình hình sân bay, xây dựng phương án, huấn luyện tác chiến. Cuối năm 1953, tỉnh duyệt và lựa chọn lực lượng đánh sân bay là 130 cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, khi lực lượng vượt sông Văn Úc thì bị địch phát hiện, tàu địch bắn chìm thuyền, một số chiến sĩ thương vong và bị bắt. Trận đánh phải hoãn lại.
Sau lần bị lộ đó, Tổ Trinh sát đề xuất phương án mới: “chuột nhắt chui kho, vào nhỏ ra to” và được lệnh chuyển hướng trinh sát, nắm lại tình hình, đưa Chỉ huy tiểu đoàn 204 Lê Thừa Giao cùng đi nắm tình hình.
Trong quá trình trinh sát, tổ chức diễn lại nhiều lần đột nhập, chúng tôi đã gặp những “sự cố” nhớ đời. Có lần, vừa qua hàng rào, một trinh sát đá phải mìn, mìn nổ, sáng trưng một vùng, tôi đành phải kéo anh em vào trong sân bay. Địch dồn quân ra ngoài hàng rào, không thấy gì, nói với nhau: “Chắc có con gì chạy qua”.
Một lần trinh sát trạm xăng, khi ngó đầu vào trong, đồng chí Hồng va vào cánh cửa đánh “rầm”. Tôi lại kéo anh em trốn vào gầm máy bay, nghe rõ địch phán đoán: “Gió to, cửa sổ va vào nhau”. Tình huống khác, do quá say sưa điều tra, nên Tổ quên giờ rút, nằm lại trong bụi cây mộc đắng thì trúng một tổ kiến lửa. Gần một ngày không nhúc nhích, tối đến, vừa đói, mệt, toàn thân chúng tôi phồng rộp như bị bỏng cháy...
Hoàn tất trinh sát, cấp trên quyết định tiếp tục đánh. Theo phương án “chuột nhắt chui kho, vào nhỏ ra to”, lực lượng lần này giảm tới hơn 2/3, chỉ còn 32 người, gồm 2 chỉ huy, 6 trinh sát, 24 chiến đấu viên, trang bị chủ yếu là thủ pháo, lựu đạn, tiểu liên.
Ngày 3/3/1954, lực lượng xuất quân ra bờ sông Văn Úc thì gặp tàu địch. Hôm sau cũng vậy, nên sau đó phải thay đổi giờ đánh.
Đêm ngày 6, rạng ngày 7/3/1954, trinh sát mở cửa, cắt dây thép, gỡ mìn đưa lực lượng vào đánh sân bay Cát Bi. Đội hình chia làm 2 mũi, mũi chủ yếu gồm 13 chiến đấu viên, 3 trinh sát đánh vào khu máy bay B26. Mũi thứ hai đánh vào khu máy bay trinh sát vận tải.
Đúng giờ G, cả sân bay Cát Bi chìm trong bão lửa, tiếng bộc phá, lựu đạn, tiếng đạn nổ hỗn loạn, máy bay địch cháy đỏ trời. Bọn địch sau cú choáng váng đã chống trả quyết liệt, nhưng chúng không có cách nào dập tắt được cơn bão lửa đang tràn ngập cả sân bay. Hoàn thành nhiệm vụ, đội hình chiến đấu rút ra an toàn”.
Trận đánh có ý nghĩa nhất đối với chiến dịch Điện Biên Phủ
Trận đánh sân bay Cát Bi là trận tiêu diệt nhiều máy bay nhất, 59 chiếc, chủ yếu là máy bay chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định, chiến thắng trong trận đánh sân bay Cát Bi có ý nghĩa nhất đối với chiến dịch Điện Biên Phủ. Một “cầu hàng không” chủ yếu của Pháp đã bị cắt, tạo điều kiện để dân công, bộ đội vào Điện Biên Phủ, giảm tối đa sự chi viện của Pháp cho căn cứ chiến lược này.
Đoàn chiến đấu đánh sân bay Cát Bi vinh dự được nhận thư khen của Bác Hồ. Trong thư, Bác viết: Bác chúc mừng chiến công của cán bộ, nhân dân Kiến An. Bác tặng đoàn đánh Cát Bi danh hiệu “Dũng sĩ Cát Bi”.
Toàn đoàn được thưởng 4 Huân chương Quân công và 28 Huân chương Chiến công. Là người tổ chức và triển khai thực hiện xây dựng cơ sở, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến đấu thắng lợi, trinh sát Mai Năng được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, được đơn vị bình bầu là “Dũng sĩ số 1” của trận đánh.
“Tôi còn được Tỉnh đội trưởng tặng khẩu cạc-bin, được đi dự Đại hội Thanh niên dân chủ thế giới. Bài học tôi ghi nhớ là: dù tài giỏi, dũng khí đến đâu mà không có dân, thì cũng khó giành thắng lợi”, Thiếu tướng Mai Năng nói.
Cưới vợ trước khi tấn công Cát Bi 3 ngày
Những câu chuyện trên được Thiếu tướng Mai Năng kể cho tôi nghe cách đây 14 năm. Ông còn kể về mối tình với cô du kích Tiên Lãng.
Người con gái đồng bằng, mặc áo nâu non, thắt khăn mỏ quạ, bắn súng trường rất tài đã phải lòng anh bộ đội trinh sát đẹp trai, hiền lành, hơn 6 tuổi. Anh bộ đội trinh sát gan dạ ấy cũng yêu đến si mê cô du kích đồng bằng xinh xắn, nết na. Tình yêu của họ bền chặt dần trong kháng chiến gian khổ. Và họ đã làm đám cưới, trước khi Tổ trưởng Tổ trinh sát Mai Năng dẫn bộ đội tấn công sân bay Cát Bi 3 ngày.
Tạ Quang Dũng - con trai thứ tư của Thiếu tướng Mai Năng tự hào chia sẻ, trong 6 người con của Thiếu tướng Mai Năng, có 4 người nối nghiệp cha. Người con gái thứ hai - Tạ Thị Ngoan - là quân nhân chuyên nghiệp Xí nghiệp 46 Hải quân. Người con gái thứ ba - Tạ Thị Minh Sinh – là thượng tá Hải đoàn 128. Người con trai thứ năm - Tạ Quang Nam - là Đại tá tham mưu trưởng vùng 5 Hải quân. Và người con gái út - Tạ Thị Hoa - là thượng tá, công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân. Ngoài ra, Thiếu tướng Mai Năng có 2 người con rể là đại tá trong quân đội.
Anh hùng của những anh hùng
Trận đánh sân bay Cát Bi có ý nghĩa mở đầu, mang đến bài học kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng, trang bị vũ khí, cách đánh... cho lực lượng đặc công, biệt động sau này.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Thiếu tướng Mai Năng là một trong những cán bộ đặc công nước đầu tiên, chiến đấu và chỉ huy nhiều trận đánh vang dội của đặc công nước, phá hủy trên 3.000 tàu, thuyền của địch. Đoàn 126 mà Thiếu tướng là Phó đoàn đã 2 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đội 1 đặc công nước mà ông từng là Đội trưởng đã 3 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thiếu tướng Mai Năng cũng vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 2019, Thiếu tướng Mai Lăng qua đời, hưởng thọ 89 tuổi và 2 năm sau, người bạn đời của ông cũng ra đi. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết này như một nén tâm nhang dâng lên hương hồn Thiếu tướng cùng phu nhân.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tran-danh-chia-lua-voi-chien-dich-dien-bien-phu-d214421.html