Trận đánh cứu châu Âu thoát khỏi đội quân Hồi giáo
Vào thế kỷ thứ 7, đế chế Hồi giáo hùng mạnh, chiếm một phần lớn châu Á (vùng Trung Đông), trải dài đến tận vùng Bắc Phi. Năm 661, vương triều Ummayad ra đời và do các Khalip (vua Hồi) cai trị, đóng đô Damascus (Syria ngày nay).
Giai đoạn cực thịnh vào năm 750, vương Triều Umayyad kiểm soát 15 triệu km2, đưa đế chế này thành một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới. Các đạo quân Hồi giáo chinh phục vùng Trung Đông, đánh bại đế chế Đông La Mã (Byzantine), tiến như vũ bão đến Bắc Phi chinh phục Ai Cập, Libya, Tunisia, Algeria và Morocco.
Năm 711, quân Hồi giáo dùng thuyền băng qua eo biển Gibraltar tiến đánh châu Âu, chiếm toàn bộ vùng đất thuộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay. Toàn bộ bán đảo Iberia thuộc quyền kiểm soát của người Hồi giáo.
Chiếm được vùng miền nam châu Âu, người Hồi giáo tiếp tục đánh chiếm vùng miền trung và miền tây châu Âu, khiến châu Âu run sợ.
Quân Hồi giáo trở nên bất khả chiến bại, các cuộc chinh phục giúp họ truyền bá Hồi giáo, đe dọa Cơ Đốc giáo của phương Tây.
Ai có thể ngăn cản quân Hồi giáo
Lúc này tại châu Âu, đế quốc La Mã sụp đổ, vương quốc Frank trở nên hùng mạnh và là quốc gia lớn nhất Tây Âu.
Khi quân Hồi giáo tiến đến đánh chiếm vùng đất thuộc nước Pháp ngày nay, các vương quốc ở đây đã cầu cứu Frank.Quốc Vương Frank đồng ý giúp họ nhằm đẩy lui cuộc tấn công của người Hồi giáo vào châu Âu. Hoàng thân Charles Martel được cử thống lĩnh 3 vạn quân.
Năm 732, quân Hồi giáo tiến quân và giành một loạt các chiến thắng. Quân Frank dàn trận sẵn ở Tours (thuộc trung tâm nước Pháp ngày nay) chờ đợi.Hoàng thân Charles dàn quân theo đội hình phương trận (phalanx). Đây là thế trận mà người Hy Lạp trước đây đã sử dụng để đánh bại Đế quốc Ba Tư, Alexandros Đại Đế cũng dùng đội hình này mà chinh phục 5 triệu km2 đất đai khắp 3 châu lục, biến tiểu quốc Hy Lạp thành Đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. (Xem bài: Alexander Đại Đế vì sao vĩ đại? – P2: Bách chiến bách thắng)
Quân Hồi giáo đặt dưới sự chỉ huy của tướng Abd al-Rahman đến Tours, hai bên diễn ra các trận đánh nhỏ. Quân Hồi giáo không đánh ngay mà chờ thêm các cánh quân khác, tập trung 8 vạn quân đến Tours. Đây là trận đánh quan trọng quyết định tương lai của châu Âu, bởi nếu người Hồi giáo giành chiến thắng họ sẽ tiến sâu vào châu Âu.
Sau khi hai bên tập hợp đầy đủ thì không ai dám tấn công trước.
Quân Frank dàn trận ở Tours
Charles dàn quân trên đồi, lợi dụng các lùm cây và cánh rừng nhằm che chắn bớt sự do thám của quân Hồi giáo, khiến người Hồi giáo không biết nhiều về cách bố trí của quân Frank.
3 vạn quân của Charles đều là những binh sĩ tinh nhuệ, cùng theo ông cả chục năm, và đều là những binh sĩ được sống sót qua nhiều trận đánh, nên không chỉ thiện chiến mà còn dày dạn kinh nghiệm, có tính kỷ luật cao.
Vì không nắm chắc bên Frank có bao nhiêu quân, nên quân Hồi giáo không dám tấn công ngay. Họ tiến xuống dưới đồi tạo nên một thế trận mở, tuy nhiên Hoàng thân Charles vẫn kiễn nhẫn dàn quân chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trên đồi.
Lúc này mùa đông cũng kéo đến, người Hồi giáo không chuẩn bị trước áo ấm nên quyết định tấn công ngay trước khi cái rét khủng khiếp ập đến.
Trận Tours
Dù không nắm được tình hình quân Frank, nhưng tướng Abd al-Rahman tin vào khả năng và đội kỵ binh của mình.
Kỵ binh Hồi giáo xông lên, quân Frank bố trí thành đội hình phalanx hình vuông, những người lính phía ngoài với những ngọn giáo dài chếch lên ngăn kỵ binh quân Hồi giáo.