Trần lãi suất tiền gửi và khuyến mãi của các ngân hàng

Nếu như trần lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ cần tiếp tục được duy trì như là giải pháp chống đô la hóa hiệu quả trong những năm qua, đã có không ít ý kiến cho rằng cần xem lại cơ chế trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng với các kỳ hạn dưới sáu tháng, hay nói cách khác là nên xem xét bãi bỏ quy định này.

VPBank – ngân hàng có quy mô lớn thuộc tốp đầu – tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn một tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại kể từ ngày 27-3. Ảnh: LÊ VŨ

VPBank – ngân hàng có quy mô lớn thuộc tốp đầu – tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn một tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại kể từ ngày 27-3. Ảnh: LÊ VŨ

Khuyến mãi đúng quy định?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư thay thế Thông tư 07/2014/TT-NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng tiền đồng của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD) và dự thảo thông tư thay thế Thông tư 06/2014/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại TCTD.

Theo đó, NHNN nêu rõ lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng tiền đồng, đô la Mỹ bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ. Cơ quan này cũng nghiêm cấm TCTD khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.

Thông tin này đang thu hút sự chú ý khi có ý kiến lo ngại quy định như vậy có thể gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn của các TCTD và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Bởi vì, trong những năm qua, chương trình khuyến mãi là một trong những công cụ quan trọng trong hoạt động huy động vốn của các TCTD, thông qua các chương trình rút thăm trúng thưởng, ưu đãi lãi suất/cộng lãi suất cho các khoản tiền gửi tái tục, tặng quà cho khách hàng nhân dịp sinh nhật ngân hàng, các ngày lễ kỷ niệm lớn…

Dù vậy, thực tế thì quy định trên của NHNN cũng đã có trong các Thông tư 06 và 07 ban hành năm 2014, chứ không phải giờ đây mới được đề xuất. Điều này đồng nghĩa với việc các chương trình khuyến mãi khi huy động vốn của các TCTD thực hiện trong những năm qua là vẫn theo đúng quy định?

Do đó, không có vấn đề gì cho các chương trình khuyến mãi tương tự sẽ được thực hiện trong những năm tới, nên khách hàng gửi tiền vẫn tiếp tục có cơ hội được nhận quà khuyến mãi, tham gia quay số trúng thưởng…? Nếu vậy thì hoạt động huy động vốn của các ngân hàng hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các dự thảo thông tư nói trên.

Thật ra NHNN đang phải rà soát và sửa đổi hàng loạt quy định trong hoạt động của các TCTD, để đảm bảo phù hợp với Luật các TCTD sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Về cơ bản, nhiều dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến góp ý chỉ đơn thuần cập nhật lại cơ sở tham chiếu và có một số nội dung thay đổi cho phù hợp với luật mới, còn các nội dung cốt lõi không thay đổi quá nhiều so với quy định hiện hành.

Quay trở lại với quy định về khuyến mãi nói trên, cũng cần hiểu đúng là NHNN đang nghiêm cấm các trường hợp thực hiện khuyến mãi mà giá trị quà khuyến mãi khi cộng vào lãi suất áp dụng sẽ vượt mức trần lãi suất theo quy định. Ở đây là các loại tiền gửi bằng tiền đồng có kỳ hạn dưới sáu tháng đang được áp trần lãi suất ở mức 4,75%/năm và tiền gửi bằng đô la Mỹ lãi suất ở mức 0%. Điều này nhằm ngăn chặn các ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh hay tìm cách lách trần lãi suất.

Trần lãi suất có còn phù hợp?

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hơn không phải là câu chuyện khuyến mãi, mà là quy định về trần lãi suất tiền gửi liệu có còn phù hợp trong tình hình hiện nay? Nếu như trần lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ cần tiếp tục được duy trì như là giải pháp chống đô la hóa hiệu quả trong những năm qua, đã có không ít ý kiến cho rằng cần xem lại cơ chế trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng với các kỳ hạn dưới sáu tháng, hay nói cách khác là nên xem xét bãi bỏ quy định này.

Cần nhắc lại rằng quy định trần lãi suất tiền gửi được ban hành trong nhiều năm trước đây là nhằm ứng phó với tình trạng chạy đua lãi suất tiền gửi quyết liệt của các ngân hàng, mà đã gây ra bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng.

Cụ thể vào năm 2011, tức cách đây đã 13 năm, giai đoạn mà các ngân hàng vì thiếu quản trị rủi ro thanh khoản, dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, cộng thêm áp lực lạm phát leo thang, nên đã liên tục thỏa thuận lãi suất ngoài khung niêm yết nhằm lôi kéo khách hàng lẫn nhau gây rối loạn thị trường, NHNN đã phải áp mức trần lãi suất 14%/năm, dù sau đó cũng chứng kiến không ít tình trạng huy động vượt trần tại một số TCTD.

Sau đó hai năm, khi tình hình đã ổn định, nhà điều hành chỉ còn quy định trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng đối với kỳ hạn dưới sáu tháng, còn từ sáu tháng trở lên thì cho phép các TCTD chủ động xác định lãi suất tiền gửi theo cung cầu thị trường. Chính sách này đã cho thấy sự hiệu quả và được giữ ổn định kể từ đó đến nay, khi mà các ngân hàng cũng đã chủ động nâng cao nội lực tài chính, đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào trong suốt những năm qua.

Với các đề xuất, kêu gọi việc bỏ trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng có kỳ hạn dưới sáu tháng, cũng không phải là thiếu cơ sở, khi nhìn vào thực tế hiện nay. Đầu tiên là hầu hết các ngân hàng đều đang niêm yết lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng cách xa mức trần quy định của NHNN hiện tại là 4,75%.

Thống kê cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn một tháng của các ngân hàng đang cao nhất là 3,1%, còn thấp nhất là 1,6%; kỳ hạn năm tháng cao nhất cũng chỉ 3,6% và thấp nhất 1,9%. Xu hướng này cho thấy cơ chế trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng không còn nhiều ý nghĩa trong việc điều hướng chính sách lãi suất huy động của các ngân hàng.

Đối với các ý kiến cho rằng vẫn cần phải có một mức trần để chặn đứng các cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi tiềm tàng có thể diễn ra, gây bất ổn thị trường, thực tế cũng lại cho thấy hiệu quả của chính sách có những hạn chế nhất định. Đơn cử như cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi gần đây nhất diễn ra vào giai đoạn cuối năm 2022, vì bị ràng buộc bởi mức trần lãi suất kỳ hạn dưới sáu tháng, các ngân hàng đã phải đua nhau đẩy lãi suất kỳ hạn trên sáu tháng để giữ vững mặt trận huy động vốn.

Nhưng cũng vì vậy mà các ngân hàng có thể phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn. Vì khi phải đua lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài, rủi ro lãi suất mà các ngân hàng đối mặt cũng lớn hơn một khi lãi suất sớm quay đầu đi xuống trở lại. Đây là thực tế đã xảy ra trong năm 2023, khi nhiều ngân hàng chứng kiến thiệt hại nặng nề vì đã lỡ huy động vào một lượng tiền gửi kỳ hạn dài tại vùng lãi suất cao trước đó. Ngược lại, nếu không bị ràng buộc bởi trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng, các cuộc đua lãi suất lẽ ra đã tập trung ở các kỳ hạn ngắn để bù đắp thiếu hụt thanh khoản tạm thời, theo đó rủi ro lãi suất cũng sẽ giảm đi.

Dĩ nhiên đứng ở góc độ nhà điều hành, có lẽ cũng có những lý do nhất định để duy trì chính sách trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng. Dù vậy, để điều hành chính sách tiền tệ ổn định, hạn chế các cuộc đua lãi suất tiền gửi, ngoài việc kiểm soát hiệu quả lạm phát và giữ ổn định tỷ giá, NHNN cũng đang có một loạt công cụ để quản lý, định hướng hoạt động của các ngân hàng, tránh việc một tổ chức nào đó quản trị rủi ro không tốt dẫn đến khủng hoảng thanh khoản tạm thời.

Đó là chính sách phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng TCTD, yêu cầu đảm bảo hệ số an toàn vốn đúng quy định, cho đến kiểm soát rủi ro thanh khoản và chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn qua các tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, tỷ lệ dự trữ thanh khoản và khả năng chi trả.

Cuối cùng, khi hệ thống hoặc một tổ chức nào đó đối mặt áp lực thanh khoản, NHNN vẫn có cơ chế hỗ trợ thanh khoản hữu hiệu qua các kênh thị trường mở hay cho vay tái cấp vốn, để dập tắt cuộc khủng hoảng, ngăn chặn sự lan rộng mà có thể châm ngòi cho các cuộc đua lãi suất.

Thụy Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tran-lai-suat-tien-gui-va-khuyen-mai-cua-cac-ngan-hang/