Tràn lan phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc: Mối nguy hại khôn lường

Thực phẩm bẩn, thực phẩm giả nhiều năm nay trở thành vấn nạn vô cùng nan giải. Đặc biệt, các chất phụ gia cấm, phẩm màu không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan. Nguyên nhân là vì lợi nhuận trước mắt của những người kinh doanh và sự buông lỏng kiểm tra của các cơ quan quản lý.

Từ ngoài chợ

Theo ghi nhận của phóng viên, để mua các loại phụ gia rất dễ dàng tại một số chợ đầu mối hay các cửa hàng đồ khô. Đặc biệt, các sản phẩm này đều không gắn nhãn mác, nguồn gốc và không hướng dẫn sử dụng. Nơi được coi là thủ phủ của các loại hàng hóa về thực phẩm là chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Tại đây, các sản phẩm phụ gia thực phẩm được bày bán khá đa dạng và phong phú. Từ những loại phụ gia phổ biến nhất như mỳ chính, đường hóa học, chất làm nhừ, gia vị lẩu... đến những loại phụ gia độc có rất nhiều cảnh báo trong việc sử dụng như bột diêm tiêu - loại bột này dùng để làm tươi thịt.

Người tiêu dùng không khó để mua các phụ gia thực phẩm tại các cửa hàng đồ khô.

Người tiêu dùng không khó để mua các phụ gia thực phẩm tại các cửa hàng đồ khô.

Qua khảo sát, đối với các chất phụ gia cấm trên thị trường như bột diêm tiêu, việc mua bán không còn diễn ra công khai như trước nữa. Tuy nhiên, nếu có cách thì không khó để mua được loại chất cấm này. Trong vai một người được giới thiệu, chúng tôi ghé vào một quầy bán đồ khô tại chợ Đồng Xuân, người bán hàng tỏ ra cảnh giác: “Ai giới thiệu đến đây? Mua về làm gì?...”. Tuy nhiên, sau vài câu bông đùa, người này cũng tiết lộ, bột diêm tiêu có 2 loại là bột diêm trắng và bột diêm vàng. Trong đó, bột diêm trắng với giá 100.000 đồng/kg thì có thể sử dụng làm tươi thịt, giữ màu hồng, đỏ cho thịt. Chất phụ gia này thường được dùng trong làm xúc xích, lạp xưởng, giăm bông... để bảo quản sản phẩm lâu hơn. Còn bột diêm vàng với giá 60.000 đồng/kg dùng để làm trắng sản phẩm, dùng sấy sản phẩm cho đỡ mốc...

Chị L.T.H (chủ một kiot) bán đồ khô tại chợ Đồng Xuân tiết lộ, hiện nay các phụ gia thực phẩm theo kiểu thủ công không bán công khai như trước. Do cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, để mua được thường phải là những khách quen. Chị H chia sẻ: “Ở đây, cửa hàng nhà em chỉ bán hàn the, đây là chất để làm giò, chả giòn hơn, dưa, cà muối sẽ có màu vàng bắt mắt hơn. Còn những phụ gia phục vụ nấu ăn như vịt nướng, làm pate thì phải tìm chỗ khác. Để mua được thì phải là khách quen hoặc có người dẫn mối”.

Theo dân trong nghề, ngoài chợ Đồng Xuân thì một số chợ như chợ Long Biên cũng có thể mua được các chất phụ gia như ý. Anh Phan Văn Hùng (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) làm nghề nướng vịt cho hay: “Tôi vẫn hay lấy các phụ gia ở chợ Long Biên, ở đó có các chất phụ gia như dùng để làm bánh Trung Thu, thạch, nước cam, rượu, tương ớt..., phẩm màu để quay thịt, làm bò khô..., họ đựng trong can, chai lọ, bịch nilon”.

Phụ gia làm giòn, dai thực phẩm thay cho hàn the cũng được rao bán khá phổ biến.

Phụ gia làm giòn, dai thực phẩm thay cho hàn the cũng được rao bán khá phổ biến.

Theo anh Hùng, điểm chung của các sản phẩm này là ngoài bao bì chỉ những dòng chữ viết tay, không hề có nhãn mác in ấn về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Đặc biệt, người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra 20.000 - 25.000 đồng là có thể mua được một gói phụ gia để làm ra những đồ ăn, thức uống bắt mắt, vừa lòng khách hàng. Các sản phẩm này đều được người bán khẳng định nhập khẩu 100% từ Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc và được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. “Đấy là họ nói thế chứ thực tế chất lượng an toàn đến đâu thì không ai biết, khi hầu hết trên bao bì những sản phẩm này toàn chữ nước ngoài, rất hiếm khi thấy xuất hiện tem nhãn phụ”, anh Hùng cho biết thêm.

Tại một cửa hàng bán đồ khô khu vực chợ Hà Đông (Hà Nội), lấy lý do sắp mở cửa hàng ăn, phóng viên hỏi mua một số chất tạo màu, tạo mùi và tăng độ tươi ngon cho thực phẩm. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao làm đúng quy trình mà đồ ăn, đồ nướng vẫn không được ngon, màu sắc không như những cửa hàng khác. Chủ cửa hàng tên H tư vấn một bài rất nuột về cách chọn thực phẩm, cách bảo quản, chế biến và điều quan trọng là hướng khách hàng vào việc sử dụng những chất mà họ đang bán.

“Chị cũng có cửa hàng thịt vịt quay, lợn quay đây, muốn thịt có màu vàng ngon, bóng, mùi thơm đặc trưng, giữ được lâu mà không bị hỏng thì chị sử dụng loại bột hương thịt này. Không có loại gia vị này thì không thể làm vịt nướng được. Em chỉ cần cho một chút bột này vào vịt trong khi ướp thì sẽ không khác gì các hàng bán thông thường khác”, chị H cho biết.

Vừa dứt lời, người này lấy từ trong một hộp nhựa đựng phụ gia, ngoài đề toàn tiếng Trung Quốc, cho chúng tôi ngửi thử. Một mùi hắc đặc trưng của các loại thịt nướng, đặc biệt, chỉ dính một ít vào tay nhưng giữ mùi rất lâu. Theo tiết lộ của chủ cửa hàng, loại gia vị hương thịt có 2 loại, một loại “xịn” với giá 650.000 đồng/gói 500 gram, loại khác rẻ hơn với giá 350.000 đồng được nhập lậu. Chủ cửa hàng cho biết loại rẻ hơn cũng có tác dụng y như loại “xịn” nhưng chính người bán không dám chắc về việc đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Người bán hàng khuyên, khi mua loại gia vị hương thịt này về tốt nhất không nên bỏ trong hộp mà bỏ sang một hộp khác để dùng, tránh sự chú ý của nhiều người. Qua một hồi giải thích của chủ cửa hàng, tôi tỏ vẻ băn khoăn và hứa sẽ quay lại mua vào lần tới. Việc này đã khiến người bán hàng tỏ ra rất khó chịu.

Nhanh có nhanh, tiện lợi có tiện lợi nhưng những chất phụ gia thực phẩm tràn lan trên thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Mặc dù một số chất phụ gia thực phẩm có tên, nhãn mác nhưng có rất ít thông tin, sử dụng nhiều thứ tiếng, nhiều chất dùng tên, công thức hóa học rất khó hiểu hoặc hình ảnh quá nhỏ... khiến người mua không thể biết sản phẩm sử dụng như thế nào.

Đến mạng xã hội

Do những phụ gia thực phẩm thời gian qua được kiểm tra thường xuyên, nhiều người đã lựa chọn đưa sản phẩm này lên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Chỉ cần lên mạng xã hội hoặc các website gõ từ khóa “gia vị thực phẩm” có thể cho ra hàng nghìn sản phẩm khác nhau. Từ những sản phẩm có tem mác, cho đến những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xách tay.

Trang Facebook có tên “Gia vị Trung Quốc” đăng bán rất nhiều phụ gia phục vụ đồ nướng, lẩu. Điều đặc biệt, hình ảnh những chất phụ gia được đăng tải hoàn toàn là tiếng Trung Quốc, không có tem nhãn lưu hành tại Việt Nam. Chỉ khi người bán nói đó là phụ gia gì thì người mua mới biết.

Bột màu thực phẩm dùng để làm nước uống đựng trong túi nilon được rao bán rất công khai trên sàn thương mại điện tử.

Bột màu thực phẩm dùng để làm nước uống đựng trong túi nilon được rao bán rất công khai trên sàn thương mại điện tử.

Khi phóng viên hỏi mua phụ gia để làm thịt quay lu thì được người bán gửi hình ảnh một hộp nhựa toàn tiếng Trung Quốc, không hề có tem mác, hạn sử dụng hay ngày sản xuất. Khi được hỏi về nguồn gốc sản phẩm, người bán cho hay: “Đây là những sản phẩm cực hot bên Trung Quốc, chủ yếu là hàng xách tay qua đường tiểu ngạch nên không có tem mác. Là cơ sở lâu năm, uy tín nên người sử dụng luôn yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Trang Facebook này còn chào bán rất nhiều phụ gia khác như: dầu gà, hương bò, sốt tăng hương, bột thịt gà, bột gia vị gà ủ muối, cốt nấm... Như sản phẩm dầu gà, shop này quảng cáo có tác dụng tạo mùi thơm kích thích vị giác của người ăn. Đây là sản phẩm chuyên dùng cho các món như phở gà, gà quay, các món cháo gà, lẩu đều sử dụng được. Cùng chung với những sản phẩm được chào bán thì các sản phẩm chỉ có chữ Trung Quốc và không có tem nhãn.

Loại phụ gia được quảng cáo sử dụng ướp vịt quay để tăng độ thơm ngon, tuy nhiên vỏ hộp chỉ có chữ Trung Quốc và không có tem mác đảm bảo.

Loại phụ gia được quảng cáo sử dụng ướp vịt quay để tăng độ thơm ngon, tuy nhiên vỏ hộp chỉ có chữ Trung Quốc và không có tem mác đảm bảo.

Phụ gia thực phẩm không chỉ được bán trên mạng xã hội mà còn được bày bán rất công khai tại một số sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee... Như, trên sàn thương mại Shopee có chào bán bột màu thực phẩm chuyên để pha chế nước uống. Thông tin sản phẩm không được đăng tải, chỉ có hình ảnh bột màu được đựng trong túi nilon, trọng lượng 500 gram, với giá 15 nghìn đồng. Để kiểm tra thông tin sản phẩm, phóng viên có gọi vào số điện thoại trên bài đăng thì được người này tư vấn: “Đây là sản phẩm dùng cho việc pha chế đồ uống, chị cứ an tâm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm này chủ yếu là từ thiên nhiên nên không hại sức khỏe. Nếu lấy số lượng lớn, bên em sẽ tư vấn thêm...”.

Tại một website chuyên bán hóa chất dùng cho thực phẩm, có tên “hoachatthucpham.com”, phóng viên gọi cho nhân viên tư vấn bán hàng để hỏi về chất phụ gia tạo giòn, dai cho nem chả. Người này tư vấn: “Chị nên mua phụ gia polyphosphate (tên khác là arccord) hiện được nhiều cơ sở sản xuất nem chả ưa chuộng do tạo độ giòn, dai cho nem chả y như hàn the. Có 2 loại, một loại giá 145.000 đồng/kg, một loại 135.000 đồng/kg, xuất xứ Thái Lan. Còn hương thịt bò có giá 330.000 đồng/kg, hương thịt heo có loại 332.000, 350.000, 425.000 đồng/kg, xuất xứ trong nước, Indonesia, Thái Lan. Có bao 25 kg”.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm 337 chất. Đối với phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, trên bao bì phải ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn...), liều lượng, cách dùng (vào lúc nóng hay nguội...), tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu. Tại Thông tư 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các tổ chức, cá nhân chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người...

Các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản khác có liên quan, trong đó tăng nặng mức xử phạt nhằm tạo sự răn đe.

Bảo Phương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/tran-lan-phu-gia-thuc-pham-khong-ro-nguon-goc-moi-nguy-hai-khon-luong-i725878/