Trần Lê Thanh Thiện - Người truyền cảm hứng cho các đầu bếp trẻ

Sinh năm 1994 nhưng đầu bếp Trần Lê Thanh Thiện (quê ở Kiên Giang) đã gặt hái được nhiều thành công. Ngoài cương vị là Phó Chủ tịch đại diện Hiệp hội siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam (WAMCVN), anh còn là giảng viên đại học, giám khảo quốc tế trong các cuộc thi nấu ăn dành cho đầu bếp trẻ. Cùng Trần Lê Thanh Thiện chia sẻ bí quyết làm nên thành công của mình và những cơ hội nghề nghiệp đang chờ đợi các đầu bếp trẻ nhé.

Tại sao anh chọn theo đuổi nghề giảng dạy ẩm thực?

Khi còn là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, tôi đã theo học các khóa đào tạo nấu ăn ngắn hạn. Đến khi tốt nghiệp đại học, tôi đã quyết định chọn công việc giảng dạy chuyên về nhà hàng, khách sạn.

Hiện tại, tôi đang là giảng viên khoa Quản trị du lịch, nhà hàng và khách sạn của Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH).

Trong quá trình công tác ở trường, tôi đã đề xuất tổ chức và làm giám khảo nhiều cuộc thi nấu ăn cho sinh viên ngành nhà hàng, khách sạn. Năm 2020, tôi được chọn vào vị trí Phó Chủ tịch WAMCVN với nhiệm vụ hỗ trợ các đầu bếp trẻ trong nước có cơ hội phát triển nghề bếp. Tôi yêu thích món ăn và thích sự chia sẻ.

Tôi có thể mời các đầu bếp từ các nước trên thế giới đến Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và đam mê của họ với các bạn sinh viên. Là giảng viên, tôi có thể giải đáp những thắc mắc của sinh viên cũng như hỗ trợ cho họ khi cần.

Anh có lời khuyên nào giúp sinh viên theo học ngành nhà hàng, khách sạn có thể học tốt hơn và có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai?

Tôi cho rằng, các bạn sinh viên cần phải cần cù và chăm chỉ học tập. Đặc biệt, phải thật sự đam mê với ngành ẩm thực thì các bạn mới thành công. Các bạn cũng cần trau dồi khả năng ngoại ngữ để tiến xa hơn ở thị trường quốc tế.

Đối với mỗi đầu bếp, điểm đến cuối cùng của họ không phải là một chức danh nào đó mà là sự công nhận của khách hàng. Sinh viên nên tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như các cuộc thi nấu ăn hoặc làm bánh để cọ xát với thực tế, nâng cao tính sáng tạo, đồng thời có cơ hội học hỏi từ nhận xét của các giám khảo giàu kinh nghiệm.

Việc đạt được thành quả trong các đề án, cuộc thi cũng giúp cho sinh viên nâng cao tay nghề và mở rộng cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội như nấu ăn cho các trung tâm trẻ mồ côi, các hoạt động mang nghìn bữa ăn cho trẻ em vùng cao… cũng rất hữu ích để sinh viên có thêm trải nghiệm.

Ngoài ra, công nghệ cũng giúp sinh viên tiếp cận với ẩm thực bởi vì ngoài học và thực hành tại trường lớp các bạn còn có thể dễ dàng tìm hiểu các món ăn, văn hóa ẩm thực thông qua internet và các trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Youtube…

Người đầu bếp trong giai đoạn này cần hội tụ những yếu tố nào?

Người đầu bếp đầu tiên cần có kỹ năng và là một đầu bếp tử tế. “Tử tế” ở đây nghĩa là họ phải nấu ăn bằng cả trái tim, không dùng phụ gia hay hương liệu tăng độ hấp dẫn cho món ăn mà phải dùng nguyên liệu thật tốt, đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, để cho người thưởng thức cảm thấy an tâm và an toàn.

Người đầu bếp thời nay ngoài kỹ năng nấu ăn ngon cần phải học hỏi và nghiên cứu thêm kiến thức về ẩm thực của các nước, mở rộng giao lưu quốc tế để cập nhật những điều mới. Do tiếp cận với những nền ẩm thực trên thế giới, đầu bếp phải biết ngoại ngữ và có trình độ nhất định về tin học văn phòng. Điều này sẽ tạo cơ hội cho đầu bếp làm việc ở các nhà hàng cao cấp hay các khách sạn 4 - 5 sao.

Nghề đầu bếp cũng rất cần đến đam mê và một nguồn cảm hứng dài lâu. Trong quá trình học hỏi, thực hành sẽ không tránh khỏi những lúc đổ vỡ, sai sót, song chịu đựng và vượt qua được áp lực, học hỏi thật kiên trì từ những sai lầm của chính mình sẽ là “bí kíp” để các bạn phát triển, tiến bộ hơn.

Với sự đa dạng và phong phú về ẩm thực của các quốc gia trên thế giới, người đầu bếp có thể tiếp thu tinh hoa, sáng tạo và phát triển tay nghề. Tiếp xúc với những đặc trưng ẩm thực khác nhau, người đầu bếp sẽ càng học hỏi được nhiều cách chế biến. Từ đó, hòa quyện, kết hợp nguyên vật liệu để tạo nên dấu ấn cá nhân cho mình.

Đánh giá về hương vị ẩm thực Việt

Tôi đã từng làm việc với một số đầu bếp nổi tiếng ở Singapore, họ nói rằng, dù mình có đi đến đâu người ta đều có thể biết đến mình thông qua món ăn Việt Nam. Hương vị ẩm thực Việt được tạo nên từ vô vàn gia vị đặc trưng của từng vùng miền (mắc khén, hạt dổi, lá móc mật…) hay nước mắm được chưng cất từ các loại cá như: cá cơm, cá linh... Đó là những gia vị mà Việt Nam cần phát huy và quảng bá rộng rãi để thị trường quốc tế có thể sử dụng được vì nó tạo ra hương vị đặc biệt cho món ăn Việt Nam.

Thời gian qua, việc nhiều món ăn Việt Nam được thế giới ghi nhận, vinh danh và được du khách, thực khách nước ngoài yêu thích đã cho thấy sự hấp dẫn, thú vị của việc kết hợp giữa văn hóa ẩm thực với phát triển du lịch.

Các chiến dịch nâng tầm ẩm thực Việt với bánh mì

Bánh mì được xếp vào top 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới và từ “bánh mì” đã nằm trong từ điển Oxford. Bánh mì Việt Nam còn được vinh danh khi xuất hiện trên trang chủ Google của hơn 10 quốc gia, cho thấy bánh mì Việt Nam là món ăn mang dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới. Do đó, chúng ta cần quảng bá để bánh mì “đi xa” hơn.

Trong thời gian tới, Hiệp hội Ẩm thực sẽ tổ chức một số chuyên đề, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong ngành bánh mì trên thế giới, cùng một số nhà khảo cổ ẩm thực, nhà sử học để chia sẻ những câu chuyện về bánh mì, từ đó mở ra nhiều cơ hội quảng bá cho bánh mì Việt Nam.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tran-le-thanh-thien-nguoi-truyen-cam-hung-cho-cac-au-bep-tre-a593691.html