Tràn ngập sắc màu trên mâm bánh trôi ngày Tết Hàn Thực

Tết Hàn Thực là dịp để người Việt tưởng nhớ tổ tiên qua những mâm cúng truyền thống với bánh trôi, bánh chay. Ngày nay, những viên bánh trắng ngần đã được biến tấu đa sắc, tạo nên một bức tranh ẩm thực đầy màu sắc nhưng vẫn giữ trọn tinh thần văn hóa dân tộc.

Không chỉ có bánh trôi chay truyền thống, Tết Hàn Thực giờ đây còn là "lễ hội" của những bàn tay khéo léo tạo nên những tác phẩm bánh trôi nước nghệ thuật xinh đẹp (Ảnh: Thu Huong Vu)

Không chỉ có bánh trôi chay truyền thống, Tết Hàn Thực giờ đây còn là "lễ hội" của những bàn tay khéo léo tạo nên những tác phẩm bánh trôi nước nghệ thuật xinh đẹp (Ảnh: Thu Huong Vu)

Tết Hàn Thực (3/3 âm lịch) là một ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, đây là ngày các gia đình tưởng nhớ về nguồn cội, là ngày tạ ơn nên việc không ăn mặn, không sát sinh sẽ giúp gia chủ tích đức. Đây cũng là cách thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.

Bánh trôi, bánh chay là hai món ăn đặc trưng của ngày Tết Hàn Thực, không chỉ tượng trưng cho thức ăn nguội (hàn thực) mà còn thể hiện sự tròn đầy, gắn kết, như một lời nhắc nhở về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vì thế, Tết Hàn Thực còn được gọi là Tết bánh trôi, bánh chay trong văn hóa Việt.

Nếu như trước đây, bánh trôi, bánh chay chủ yếu mang sắc trắng truyền thống, thì những năm gần đây, xu hướng biến tấu với đủ loại màu sắc tự nhiên đã mang đến sức sống mới cho mâm cúng ngày 3/3 âm lịch.

Để tạo nên màu sắc cho bánh trôi, các bà nội trợ thường sử dụng các loại nguyên liệu tự nhiên, như: bánh trôi đỏ hồng từ gấc, xanh từ lá dứa, hoa đậu biếc, vàng từ bột nghệ... Không chỉ đẹp mắt, những màu sắc này còn mang lại hương vị đặc trưng, giúp món bánh thêm hấp dẫn. Hình dáng của bánh trôi cũng được biến tấu mới lạ, độc đáo nhưng cũng vô cùng đẹp mắt.

Chị Nguyễn Thu Hằng (Mỹ Đình, Hà Nội), một người đam mê làm bánh truyền thống, chia sẻ: Tôi thích tự tay làm những viên bánh trôi, bánh chay cho gia đình. Năm nay, tôi thử nghiệm thêm màu sắc tự nhiên để mâm cúng thêm bắt mắt. Điều này không chỉ giúp các con thích thú hơn mà còn giữ được giá trị truyền thống.”

Dù công việc bận rộn nhưng chị Đỗ Mỵ Châu (Đống Đa, Hà Nội) vẫn tranh thủ thời gian cuối tuần để cùng các con tự tay nặn những chiếc bánh trôi, bánh chay nhỏ xinh. Chị Châu cho biết "điều này đã trở thành truyền thống gia đình từ lâu. Tôi muốn các con cùng tham gia làm bánh để giáo dục các con về những ngày lễ truyền thống của dân tộc, cũng là cách giúp gắn kết tình cảm gia đình".

Bên cạnh việc làm bánh, nhiều gia đình còn bày biện mâm cúng với hoa tươi, chè, xôi để thể hiện lòng thành kính. Dù có biến tấu theo thời đại, Tết Hàn Thực vẫn là dịp để con cháu tưởng nhớ công lao tổ tiên, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một số hình ảnh mâm cỗ bánh trôi - bánh chay trong ngày lễ Tết Hàn thực năm nay:

Ảnh: Thu Huong Vu

Ảnh: Thu Huong Vu

Ảnh: Đỗ Mỵ Châu

Ảnh: Đỗ Mỵ Châu

Ảnh: Chử Thúy Thoa

Ảnh: Chử Thúy Thoa

Ảnh: Biên Thùy

Ảnh: Biên Thùy

Ảnh: Đỗ Thu Ngọc

Ảnh: Đỗ Thu Ngọc

Ảnh: Mai Anh Nguyễn

Ảnh: Mai Anh Nguyễn

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tran-ngap-sac-mau-tren-mam-banh-troi-ngay-tet-han-thuc-post543974.html