Trần Thủ Độ - thủ lĩnh cải cách tài ba của nhà Trần

Nhà Lý, từ đời Lý Cao Tông đã bước vào thời kỳ khủng hoảng cung đình, rồi lan ra toàn xã hội, đất nước suy yếu dần, kinh tế xã hội sa sút trầm trọng, bạo loạn nổi lên ngày càng nhiều. Trần Thủ Độ đã xuất hiện để gánh vác sứ mạng giải quyết cuộc khủng hoảng theo cách rất… Trần Thủ Độ.

Lấy ngôi vua để giải quyết khủng hoảng cung đình

Năm 1209, cung triều Lý có loạn Quách Bốc, vua Lý Cao Tông phải chạy lên Quy Hóa, Thái tử Lý Sảm chạy về Hải Ấp nương nhờ tại nhà Trần Lý. Họ Trần Làm nghề chài lưới, có nhiều thuộc hạ, gia binh, một trong ba thế lực lớn nhất lúc bấy giờ (Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn, Trần Lý). Tại đây, Hoàng tử Sảm đã lấy Trần Thị Dung - con gái của Trần Lý làm vợ. Họ Trần đã giúp nhà Lý dẹp loạn Quách Bốc, đưa vua Lý trở lại kinh đô.
Năm 1211, Thái tử Lý Sảm lên ngôi, gọi là Lý Huệ Tông, lập Trần Thị Dung làm Nguyên phi. Trần Tự Khánh (anh Trần Thị Dung) được phong Chương Thành Hầu.
Huệ Tông là người yếu đuối, lại bị Đàm thái hậu điều khiển chính sự, nên mọi việc đều phó thác cho Đàm Dĩ Mông, người chức cao, quyền lớn nhưng không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát.

 Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ tại xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quốc Lê

Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ tại xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quốc Lê

Năm 1216, bất lực triều chính lại bị Đàm thái hậu bức bách, Lý Huệ Tông cùng Trần Thị Dung trốn đến quân doanh của Trần Tự Khánh. Từ đó, vua Lý hoàn toàn phụ thuộc vào thế lực họ Trần.
Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, quyền bính giao cho em họ là Trần Thủ Độ, khi ấy là Chỉ huy sứ, quản lĩnh cấm quân. Trần Thủ Độ đã ép vua Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh, đưa đi tu rồi ép phải tự vẫn. Tiếp đó, ông lại dàn cảnh cho Lý Chiêu Hoàng lên 7 tuổi lấy con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh lên 8 tuổi. Một năm sau, vào tháng 12 âm lịch năm 1225, Trần Thủ Độ ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Nhà Trần lấy được ngôi nhẹ nhàng nhờ thủ đoạn của Trần Thủ Độ.
Khi lên ngôi, Trần Cảnh còn nhỏ, mọi việc triều chính đều trong tay Trần Thủ Độ và cha là Trần Thừa.
Lấy được ngôi vua, lập triều mới là điều kiện cần để ông có thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội ngày càng trầm trọng của đất nước.
Thủ lĩnh cuộc cải cách
Sau khi nắm trọn quyền lực, Trần Thủ Độ đã khẩn trương tiến hành cuộc cải cách mà ông vừa là nhà thiết kế vừa là thủ lĩnh chỉ huy thực hiện. Tư tưởng và khát vọng xuyên suốt của ông là xây dựng một vương triều mạnh, vua sáng - tôi trung; một bộ máy nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh, thống nhất để chăm cho dân yên, nước mạnh.
Thời cơ đến, Trần Thủ Độ đã thực hiện cuộc cải cách khá toàn diện và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực.
Thứ nhất, về cơ chế quản lý xã hội, trong triều đình, ngay từ đầu Trần Thủ Độ đã chủ trương đặt ra cơ chế Thượng hoàng nhiếp chính. Đây là điểm hoàn toàn mới trong tổ chức bộ máy nhà nước thời Trần mà chưa hề có tiền lệ. Theo đó, khi vua chưa trưởng thành thì Thượng hoàng giúp con trị nước, khi vua đã trưởng thành thì Thượng hoàng truyền thụ kinh nghiệm, là tấm gương về đạo đức, và là “cố vấn” cho vua con. Trên thực tế, cơ chế này đảm bảo quyền lực không bị chia sẻ, có tính kế thừa, lại có thời gian cho các vua con rèn luyện trưởng thành, đảm bảo xây dựng và bảo tồn vương triều vững mạnh.
Trần Thủ Độ chủ trương xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh, thống nhất từ trung ương đến cấp cơ sở làng xã. Ông chia nước làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt chức Chánh và Phó An phủ sứ kiêm từ việc hộ khẩu, tiền thóc, ngục tụng đều giữ hết quyền bính trong tay. Dưới quyền An phủ sứ có các chức quan Đại tư xã, Tiểu tư xã, cùng với chức xã chính, Sử giám, gọi là xã quan. Làm đơn sổ hộ khẩu, con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão.
Để đảm bảo các chính sách được thực thi nghiêm túc, Trần Thủ Độ đã kiểm tra việc thừa hành rất chặt chẽ, gắt gao.
Thứ hai, về kinh tế xã hội, Trần Thủ Độ chủ trương chuyển dần công hữu ruộng đất thành tư hữu. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Năm Quý Sửu (1253), tháng 6, bán ruộng công, mỗi diện (mẫu) là 5 quan tiền cho phép nhân dân mua làm ruộng tư”. Mục tiêu là giải thể nhanh chế độ công xã nguyên thủy, chuyển sang công xã nông thôn có tư hữu, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa - tiền tệ. Ngoài quyết định cơ bản ấy còn có hàng loạt biện pháp kinh tế khác như:
Về nông nghiệp thì đắp đê ngăn lũ, ngăn mặn, khai kênh tưới, tiêu. Năm 1231, sai hoạn quan Nguyễn Bang Cốc chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu. Năm 1248 sai các lộ đắp đê giữ nước sông suốt từ đầu nguồn đến bờ biển để chống lụt. Đặt chức Hà đê chánh phó sứ để trông coi. Nơi đắp đê thì đo xem hết bao nhiêu ruộng của dân, chiểu theo giá trả bằng tiền. Không chỉ coi trọng việc tăng sản xuất lúa gạo, mà còn chú ý cả tới trồng cây ăn quả, cây phòng hộ.
Ông đẩy mạnh phát triển công, thương; định ra các phường buôn bán, sản xuất ở thủ đô Thăng Long... (quy hoạch 61 phường ở kinh thành Thăng Long để tiện quản lý công, thương...); sai tướng chống giữ, đánh chiếm cửa khẩu để giao thương với nhà Tống ở Giang Nam.
Ông thực hiện "khoan sức cho dân”, không đánh thuế thân mà chỉ đánh thuế đinh theo sở hữu ruộng đất...; nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả; có 1, 2 mẫu ruộng thì nộp một quan tiền, có 3, 4 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền; tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.
Mỗi khi có dịp hạn hán, triều đình thường ban hành luật miễn thuế khóa, mở lương thóc rồi đại xá.
Về văn hóa, Trần Thủ Độ chủ trương Phật giáo vẫn là quốc giáo nhưng Khổng giáo ngày càng được đề cao và có tác dụng tích cực đối với chủ trương xây dựng một xã hội mà pháp trị đang từng bước nâng cao.
Về giáo dục, khoa cử, vua xuống chiếu mời nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng tứ thư, lục kinh. Thi cử được đổi mới, tăng thêm các học vị trong khoa bảng. Đặt ra lệ chọn tam khôi là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Cùng năm 1239, đã công bố thể lệ tổ chức thi các khoa thông tam giáo, thừa nhận tam giáo (Nho, Phật, Lão) "đồng nguyên”. Đó là một tiến bộ về tư tưởng tôn giáo so với thế giới đương thời (thế kỷ XIII) khi mà kỳ thị/chiến tranh tôn giáo vẫn nặng nề.
Các sinh hoạt tinh thần như múa hát trong cung ngoài triều, trong dân gian phát triển...
Về an ninh, Trần Thủ Độ với nhiều biện pháp cương nhu tùy lúc đã hoàn toàn dẹp tan các thế lực cát cứ họ Nguyễn, họ Đoàn. Củng cố quân đội, đáp trả thắng lợi sự quấy nhiễu của Chiêm Thành và Chân Lạp; sẵn sàng đối phó với giặc Mông cổ.
Về Trần Thủ Độ, xưa nay vẫn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhất là ý nghĩa đạo đức qua một số hành động chính trị của ông như cách lấy ngôi nhà Lý, truy sát tôn thất nhà Lý, chủ trương, hôn nhân nội tộc, lấy hoàng hậu của vua Lý … Nhưng chắc chắn không thể phủ nhận ông là một chính khách tài ba, ít học nhưng có tư tưởng, có khát vọng, có trách nhiệm vô bờ bến với đất nước và hoàng triều. Nếu ông không là thủ lĩnh cuộc cải cách thì không thể có một vương triều Trần cường thịnh, một Đại Việt hùng mạnh đủ sức, đủ tài đánh thắng các cuộc xâm lược của giặc Nguyên - Mông.

Không thể nói là hoàn hảo nhưng cuộc cải cách của nhà Trần với thủ lĩnh Trần Thủ Độ đã thành công, đưa xã hội và đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng từ cuối đời nhà Lý. Vương triều và xã hội ổn định, kinh tế phát triển “Bấy giờ, quốc gia vô sự, nhân dân yên vui”.

Vĩnh Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-tran-thu-do-thu-linh-cai-cach-tai-ba-cua-nha-tran-407079.html