Trăn trở của vị đại tá 'mũ nồi xanh' và tin vui từ châu Phi
Trước những trăn trở của Đại tá Mạc Đức Trọng về khu bảo vệ dân thường và lớp học bị mất mái tại Abyei (Nam Sudan), Đội trưởng Đội Công binh số 2 thông báo tin vui đã xây được khu 1ha để hỗ trợ người dân và lên phương án sửa lớp học.
Những ngày cuối cùng của tháng Chạp năm Quý Mão, từ khắp các phái bộ gìn giữ hòa bình: Cộng hòa (CH) Trung Phi, CH Nam Sudan (châu Phi) đến phái bộ của Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) – hàng trăm chiến sĩ, sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân (CAND) Việt Nam vẫn đang miệt mài thực hiện sứ mệnh cao cả gìn giữ hòa bình (GGHB).
Năm 2024, đánh dấu tròn 10 năm Việt Nam triển khai lực lượng tham gia sứ mệnh GGHB, đó cũng là 10 năm đón những cái Tết xa nhà của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Việt Nam. Không có mưa phùn, gió bấc, không có quất cảnh, đào phương Bắc hay sắc mai vàng phương Nam nhưng những người lính mũ nồi xanh đã cùng nhau tạo ra một Tết Việt đầm ấm.
Dù hoàn cảnh mỗi gia đình khác nhau, các sĩ quan mũ nồi xanh khi xa nhà, xa Tổ quốc đều có những tâm sự giống nhau. Đó là sự bồi hồi nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng khi đã là quân nhân thì "phải biết sống xa gia đình".
Hiểu được tâm trạng cán bộ, chiến sĩ, chiều 26 Tết, Bộ Quốc phòng đã tổ chức cuộc gặp đặc biệt, kết nối trực tuyến cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Việt Nam ở các phái bộ với hậu phương gia đình, đồng đội, đồng nghiệp.
Tại điểm cầu khu vực Abyei (Nam Sudan), qua màn hình led, người thân rưng rưng xúc động khi thấy cha, anh, con mình nở nụ cười, gửi gắm nhiều lời chúc.
Không gian Tết Việt nổi bật chính giữa gian phòng họp mặt từ châu Phi xa xôi. Trên chiếc bàn thờ dã chiến phủ bạt quân nhu bày hoa quả, bánh trái với ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam cùng cờ xanh nước biển Liên Hợp Quốc. Hai bên là hai cành đào, mai khoe sắc làm từ những những nhánh cây rừng châu Phi dưới bàn tay lính "mũ nồi xanh" Việt Nam.
CÒN HƠN CẢ SỨ MỆNH ĐƯỢC GIAO PHÓ
Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam là 1 trong 2 chiến sĩ GGHB đầu tiên của Việt Nam, cùng với Đại tá Trần Nam Ngạn đã lên đường sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ với vai trò Sĩ quan Liên lạc vào năm 2014.
Trong những câu chuyện vui của anh em GGHB thì Đại tá Mạc Đức Trọng vẫn được gọi vui là “Mr. First time” tức là Người của những lần đầu tiên. Không chỉ là 1 trong 2 sĩ quan GGHB Việt Nam đầu tiên, anh cũng là Đội trưởng đầu tiên của Đội Công binh GGHB đầu tiên của Việt Nam - Đội Công binh số 1.
Ngồi từ điểm cầu Việt Nam, anh bồi hồi nhớ lại 2 nhiệm kỳ thực hiện GGHB trên các cương vị khác nhau. “Nếu được tóm tắt ngắn gọn nhiệm kỳ công tác tôi xin chọn là "mở đường thắng lợi". Đây chính là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đã giao phó cho Đội Công binh số 1 khi Đội mới triển khai hồi đầu năm 2022”, Đại tá Mạc Đức Trọng tâm sự.
Tuy là đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai ở một địa bàn mới nhưng toàn đội nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, “vượt lên trên mong đợi”. Đại tá Trọng còn cho biết, khi đội hoàn thành nhiệm vụ về nước, cơ quan sở tại rất muốn Đội Công binh triển khai thêm 10 năm nữa để giúp đỡ họ.
Đội đã làm được rất nhiều công trình như 11 lớp học, thư viện; xây dựng, cải tạo những con đường huyết mạch ở Abyei… Hồi tháng 10/2022, khi Đội tổ chức khoan giếng lấy nước cho bà con cũng là dịp Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có chuyến công tác tới đây. Thượng tướng đã chỉ đạo tặng ngay bà con 1 máy phát điện. Từ chiếc máy phát điện này, lần đầu tiên một trường cấp 3 ở Abyei sáng đèn, tiếp đến lần đầu tiên những học sinh nơi đây được tiếp xúc với chiếc máy tính cá nhân do Đội trao tặng.
Hiện Đội Công binh số 2 đang tiếp nối sứ mệnh của Đội Công binh số 1. Đại tá Mạc Đức Trọng trăn trở: “Còn rất nhiều dang dở, vì bà con bên đó rất cần. Đó là xây dựng khu bảo vệ dân thường – đây là điều ấp ủ của Đội Công binh số 1 nhưng chưa thực hiện được do vướng mắc khu vực đất. Tiếp nữa là 2 lớp học bị mất mái do ảnh hưởng từ xung đột vũ trang nhưng Đội cũng không triển khai được vì thiếu tấm tôn lợp”.
Lắng nghe trăn trở từ Đại tá Trọng, từ điểm cầu Abyei, Đại tá Nguyễn Việt Hưng, Đội trưởng Đội Công binh số 2 thông báo tin vui, Đội đã thiết lập được khu bảo vệ dân thường rộng hơn 1ha đủ khả năng để hỗ trợ 200-300 người dân trường hợp khẩn cấp. Liên quan đến mái lớp học, Đội đã lên phương án để tìm kiếm nguyên, vật liệu và sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian sớm.
Thầy giáo Satino, Hiệu trưởng Trường cấp 3 Abyei - nơi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của đơn vị công binh Việt Nam vui mừng thông báo hệ thống điện, nước mà Đội Công binh số 1 giúp nhà trường hiện vẫn hoạt động tốt.
Bộ trưởng Giáo dục khu vực Abyei Nyinkwany Aguer Bol nhấn mạnh, lực lượng GGHB của Việt Nam tại khu vực Abyei không chỉ làm nhiệm vụ GGHB mà còn "làm tốt hơn cả sứ mệnh được giao phó", đóng góp cụ thể vào công việc giúp đỡ hỗ trợ nhân dân địa phương.
“Các quân nhân Việt Nam đã tích cực hỗ trợ chúng tôi xây dựng lớp học, thư viện và hỗ trợ bệnh viện của địa phương trong các nhiệm vụ y tế. Chúng tôi đánh giá cao những công việc mà các bạn đã làm cho Abyei và xin gửi lời cảm ơn đến Đội Công binh Việt Nam", ông nói.
HẬU PHƯƠNG LUÔN LÀ ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC
Càng giáp Tết, chị Thiều Thị Kim Cúc (vợ Đại úy Bùi Đức Vinh - Đội Công binh số 2) cùng hai con trai Hải Phong, Trung Hiếu càng nhớ thương chồng, cha. Lấy nhau được 14 năm, đây là lần đầu tiên anh Vinh đi công tác xa nhất và lâu nhất. Người vợ đỏ hoe đôi mắt thấu hiểu nhiệm vụ của “người lính cụ Hồ” nên luôn tỏ ra vững vàng. Nhớ ngày này năm ngoái ở Việt Nam, vợ chồng anh đang đi chọn đào, chọn quất, đi chúc Tết hai bên gia đình nội ngoại.
Từ phái bộ UNISFA (Abyei), Đại úy Bùi Đức Vinh giơ tay chào vợ và hai cậu con trai nhỏ qua màn hình lớn. Chị Cúc cho biết, hầu như ngày nào cũng nói chuyện với chồng qua mạng, nhưng hôm nay lại nghẹn ngào vì những lời thăm hỏi, động viên của anh được thực hiện trước các đồng đội và vào ngày giáp Tết.
Anh Vinh đi làm nhiệm vụ đã được 5 tháng, ngày anh đi chị cũng lo lắng vì hai con đều đang tuổi ăn, tuổi lớn, đặc biệt là con trai lớn đang tuổi dậy thì cần có một người cha làm điểm tựa, là tấm gương để giáo dục.
Từ ngày bố Vinh lên đường đến nay, cuộc sống của 3 mẹ con dần ổn định. Nghe chồng nói, chị Cúc động viên anh và các đồng đội giữ gìn sức khỏe, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. "Anh yên tâm vì ở nhà 3 mẹ con và gia đình nội ngoại vẫn khỏe", chị nhắn nhủ.
Cậu con trai lớn Hải Phong kết thúc bằng cuộc trò chuyện bằng lời gửi gắm đến bố ở phương xa: “Con luôn hướng về bố. Bố hãy vững tin an tâm công tác tại châu Phi. Con sẽ luôn chăm ngoan học giỏi, cùng mẹ và em là hậu phương vững chắc để bố an tâm công tác”.
Từ 2014 đến nay đã có 792 lượt chiến sĩ mũ nồi xanh của QĐND và CAND Việt Nam lên đường đi làm nhiệm vụ GGHB Liên Hợp quốc, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ.
Tham gia hoạt động GGHB góp phần gia tăng vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới. Vị thế và uy tín được tăng cường sẽ giúp Việt Nam có tiếng nói hơn khi bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; góp phần phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình.