Trăn trở lớp dạy chữ Khmer hè

Huyện U Minh là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với 1.456 hộ/6.591 khẩu. Nhằm góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, hằng năm, cứ vào dịp hè, huyện phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và chính quyền địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống mở nhiều lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, hiện việc dạy và học chữ Khmer cũng còn nhiều trăn trở.

Mặc dù điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất giảng dạy nhưng đều đặn 1 tuần 3 buổi, lớp dạy chữ Khmer vẫn diễn ra tại Salatel Ấp 6, xã Khánh Hòa. Tại điểm học này có 30 em tham gia học, chia làm 2 lớp, gồm lớp 1 và lớp 2. Tại đây, ngoài học chữ Khmer, các em còn được các thầy dạy về văn hóa, phong tục tập quán, giáo lý nhà Phật...

Lớp học tại điểm Salatel Ấp 6, xã Khánh Hòa khá đông nhưng cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn.

Lớp học tại điểm Salatel Ấp 6, xã Khánh Hòa khá đông nhưng cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn.

Thầy Sơn Tuyền, phụ trách dạy chữ Khmer trên địa bàn xã Khánh Hòa, cho biết: “Hè năm nay, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục mở các lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc, hầu hết các em tham gia với tinh thần học tích cực. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về điều kiện học tập nên con em đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã tham gia các lớp học chưa đạt yêu cầu. Theo tôi nắm thì Ấp 6 có khoảng 100 em đang trong độ tuổi cắp sách đến trường, nhưng hiện 2 lớp dạy ở salatel này chỉ thu hút được khoảng 30 em, cho thấy số em chưa đi học còn rất nhiều”.

Bên cạnh đó, vì mưu sinh nên trong thời gian hè, nhiều em phải theo cha mẹ đi lao động để kiếm thêm thu nhập. Thêm nữa, nhiều phụ huynh vẫn chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học chữ Khmer, nên không quan tâm động viên con em theo học. Từ đó, dẫn đến tình trạng học sinh đăng ký học ít, các em đăng ký học cũng đến lớp không đều, làm cho việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn.

Thầy Danh Minh Tho, phụ trách dạy chữ Khmer trên địa bàn xã Khánh Lâm, cho biết: “Năm nay, địa phương mượn được 2 điểm trường học trên địa bàn xã để tổ chức 3 lớp, nhưng lượng học sinh tham gia lớp học còn khá khiêm tốn. Theo khảo sát của tôi, riêng tại tuyến T29 có khoảng 140 học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer, nhưng hè này chỉ có 40 em tham gia học. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền còn hạn chế, nên các bậc phụ huynh vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ Khmer, từ đó xem nhẹ việc cho con đến trường học chữ”.

Số em tham gia học chữ Khmer hè khá khiêm tốn so với lượng học sinh trên địa bàn. (Ảnh chụp lớp học tại xã Khánh Lâm).

Số em tham gia học chữ Khmer hè khá khiêm tốn so với lượng học sinh trên địa bàn. (Ảnh chụp lớp học tại xã Khánh Lâm).

Một nguyên nhân nữa khiến nhiều học sinh không mặn mà với việc học chữ Khmer là do lớp dạy và học diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ gói gọn trong 3 tháng hè, riêng năm nay thì lớp học diễn ra chỉ hơn 1 tháng. Sau thời gian hè, các em lại học chương trình phổ thông nên chữ Khmer học trong hè rất dễ quên, đến hè năm sau nhiều em phải học lại kiến thức cũ nên việc dạy và học cứ luẩn quẩn. Ðã đến lúc cần phải nghiên cứu lại việc dạy và học chữ Khmer sao cho hợp lý, hiệu quả hơn.

Hè năm nay, huyện U Minh mở được 4 điểm dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc với 6 lớp học. Trong đó, trên địa bàn xã Khánh Lâm có 2 điểm/3 lớp học, xã Khánh Hội 1 điểm/1 lớp và xã Khánh Hòa 1 điểm/2 lớp học, với hơn 100 học sinh, trong đó có cả con em dân tộc Kinh theo học. Việc dạy chữ Khmer không chỉ giúp con em đồng bào dân tộc Khmer biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình, mà còn góp phần lưu giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Thầy Danh Minh Tho chia sẻ: “Ngôn ngữ là gốc, có biết ngôn ngữ mới hiểu biết về văn hóa, cho nên, đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi mong Ðảng, Nhà nước có chính sách ưu tiên thêm nữa, có chính sách hỗ trợ con em đồng bào dân tộc khi tham gia lớp học, ở những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer như xã Khánh Lâm, Khánh Hòa, nên đưa việc dạy chữ Khmer vào dạy trong chương trình học phổ thông, nhằm góp phần chung tay gìn giữ, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer”./.

Trần Thể

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tran-tro-lop-day-chu-khmer-he-a33819.html