Trăn trở Thượng Nung

Xã Thượng Nung (Võ Nhai) có 7 xóm thì gần nửa thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Một trong những nguyên nhân chính là do xã thuộc vùng lõi rừng đặc dụng (chiếm hơn 80% tổng diện tích đất tự nhiên), nên người dân thiếu đất sản xuất.

Một góc xã Thượng Nung (Võ Nhai).

Một góc xã Thượng Nung (Võ Nhai).

Vượt qua những khúc cua gấp tay áo và nhiều đoạn đèo gần như dựng đứng, chúng tôi mới tới được các xóm, bản nằm trên đỉnh núi của xã Thượng Nung, như: Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài... Đứng ở những vị trí cao nhất của các xóm, chúng tôi có thể bao quát cả một vùng rộng lớn, cơ bản là núi đá, rừng đặc dụng, ruộng nương rất ít, nằm xen kẹp giữa các thung lũng. Không chỉ đất đai ít mà điều kiện canh tác cũng hết sức khó khăn bởi địa hình không bằng phẳng, mấp mô hộc đá, nương rẫy có độ dốc lớn, đất đai bạc màu, trình độ sản xuất của người dân còn thấp… nên năng suất, chất lượng cây trồng không cao.

Anh Ma Hành Du, Trưởng xóm Lũng Cà, cho biết: Trong vùng “tam lũng” (Lũng Luông, Lũng Hoài, Lũng Cà), đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do sinh sống ở địa hình cao, đường sá đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí thấp, dân cư phân bố không tập trung, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Tày, Nùng…). Thiếu đất sản xuất nên bà con chủ yếu phát nương làm rẫy, trồng ngô, nhiều gia đình không có ruộng cấy lúa nên quanh năm gần như chỉ ăn mèn mén thay cơm.

Để khắc phục tình trạng này, cán bộ xóm đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi gia súc (vỗ béo), gia cầm, lợn… nên đời sống có phần khấm khá hơn. Trước kia, 100% số hộ trong xóm Lũng Cà thuộc diện hộ nghèo, nay giảm xuống còn 50%. Lũng Cà so với 2 lũng còn lại được đánh giá là phát triển hơn cả. Tuy nhiên, vì nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng nên ngoài thiếu đất sản xuất, người dân còn không thể chia tách đất ở và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). Xóm có hơn 50 nóc nhà, nhưng được công nhận có 42 hộ, trong đó mới chỉ 4 hộ có bìa đỏ. Điều này khiến các hộ gặp khó khăn trong việc thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất, khiến người dân đã khó càng thêm khó.

Chia sẻ của anh Du cũng là nỗi niềm chung của cán bộ, người dân các xóm bản còn lại thuộc xã Thượng Nung. Tổng diện tích tự nhiên gần 4.400ha, nhưng đất canh tác của cả xã chỉ có hơn 200ha, với gần 2.800 nhân khẩu. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng đủ thấy xã Thượng Nung gặp khó khăn đến nhường nào trong việc đảm bảo nguồn lương thực tối thiểu, chứ chưa bàn đến các vấn đề khác trong phát triển kinh tế.

Anh Ma Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Sức lao động dồi dào nhưng đất đai có hạn, thiếu tư liệu sản xuất, chúng tôi dù có nhiều mong muốn nâng cao đời sống cho bà con, nhưng quả thực có lúc, có việc “lực bất tòng tâm”. Bởi theo quy định, rừng đặc dụng là một loại rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học… nên không được tiến hành các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên; không khai thác trái phép tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác, gây ô nhiễm môi trường; không chăn thả gia súc, gia cầm, vật nuôi trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng... nên nhiều hộ sống trong khu vực rừng đặc dụng không thể phát triển du lịch cộng đồng, chăn thả gia súc, gia cầm.

Chính vì thế, chúng tôi đã bàn đến phương án di dân ra khỏi vùng lõi rừng đặc dụng, nhưng quỹ đất tái định cư không có. Chúng tôi đề xuất các cấp, ngành chức năng sớm nghiên cứu, xem xét để có giải pháp khắc phục, có thể tách một phần rừng đặc dụng không xung yếu thành rừng sản xuất, để bà con có thể tách hộ, làm bìa đỏ, thế chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung Ma Văn Hoàng nói thêm.

Đành rằng, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành trong tỉnh, Thượng Nung cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có nhiều khởi sắc nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ (điện, đường, trường, trạm…), nhưng sự thay đổi chưa thực sự đi được vào chiều sâu của đời sống kinh tế hộ dân, nên số hộ đói, nghèo có giảm nhưng chậm và chưa bền vững, bởi các yếu tố chủ quan và khách quan như đã phân tích ở trên.

Đến nay, Thượng Nung vẫn còn gần 200 hộ nghèo/520 hộ; hộ có kinh tế khá còn ít. Nguyên nhân giảm nghèo chủ yếu do người dân đi lao động tại các công ty, xí nghiệp. Toàn xã hiện có hơn 300 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Dù đây là một trong những hướng mở, nhưng để người dân “lạc nghiệp” việc “an cư” vẫn là cần thiết.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202406/tran-tro-thuong-nung-c3d0a78/