Trân trọng những đóng góp của bà Trần Thị Sanh trong Khởi nghĩa Trương Định

Ở Gò Công, ngoài Thái hậu Từ Dụ, Hoàng hậu Nam Phương nổi tiếng trong và ngoài nước, còn có một phụ nữ có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ nhất (1858-1945), đó là người vợ thứ của Anh hùng Dân tộc Trương Định, bà Trần Thị Sanh. Bà Trần Thị Sanh là em bà Từ Dụ, vai dì đối với vua Tự Đức.

Nhân Lễ kỷ niệm 160 năm Ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết (20-8-1864 - 20-8-2024) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định, nhiều đoàn của Trung ương và địa phương cũng đã đến viếng mộ bà Trần Thị Sanh. Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa để trân trọng những đóng góp của bà Trần Thị Sanh trong Khởi nghĩa Trương Định.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, viếng mộ bà Trần Thị Sanh vào chiều ngày 19-8. Ảnh: MINH THÀNH.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, viếng mộ bà Trần Thị Sanh vào chiều ngày 19-8. Ảnh: MINH THÀNH.

Tại Hội thảo khoa học về các nhân vật lịch sử Gò Công do UBND TX. Gò Công (nay là TP. Gò Công) phối hợp với các ban, ngành tổ chức gần đây cũng đã làm rõ hơn, khẳng định thêm những đóng góp cho quê hương và đất nước của 3 nhân vật: Đỗ Trình Thoại, Trần Thị Sanh và Hồ Biểu Chánh.

Đoàn lãnh đạo TP. Gò Công viếng mộ bà Trần Thị Sanh vào chiều ngày 19-8. Ảnh: MINH THÀNH.

Đoàn lãnh đạo TP. Gò Công viếng mộ bà Trần Thị Sanh vào chiều ngày 19-8. Ảnh: MINH THÀNH.

Theo đó, bà Trần Thị Sanh là vợ của ông Dương Tấn Bổn, một hào phú ở địa phương, nhưng không may, ông Bổn mất sớm, bà thay chồng nuôi dạy người con gái là Dương Thị Hương nên người. Khoảng năm 1861, bà Sanh tái giá với Trương Định. Theo lời truyền tụng của dòng họ Trần, cuộc hôn nhân này là do sự sắp xếp của Thái hậu Từ Dụ, nhằm sử dụng tiền bạc của bà để giúp Trương Định chiêu mộ nghĩa quân, mua vũ khí, lương thực, tạo thanh thế đánh giặc Pháp, bảo vệ vùng đất Gò Công - quê hương bên ngoại của vua Tự Đức.

Khi Trương Định phất cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Gò Công, để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến đấu của nghĩa quân, với tư cách là “như phu nhân” (vợ thứ) của Bình Tây Đại tướng quân, bà Sanh đã đóng góp tài sản của mình cho phong trào kháng chiến; mà không toan tính thiệt hơn. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên những chiến công vang dội của nghĩa quân Trương Định.

Khu Lăng mộ bà Trần Thị Sanh đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: MINH THÀNH.

Khu Lăng mộ bà Trần Thị Sanh đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: MINH THÀNH.

Bà Trần Thị Sanh giỏi kinh doanh và giàu có nổi tiếng. Vì lẽ đó, trong cuốn “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của Nguyễn Liên Phong có câu: “Gò Công bốn tổng đông giàu/ Mà riêng có một bà Hầu giàu to” để chỉ bà Trần Thị Sanh. Khi Trương Định làm Phó Quản cơ đồn điền, bà Sanh đã đưa tiền cho chồng khai phá đất hoang ở Gia Thuận, làm nguồn hậu cần cho nghĩa quân của Trương Định sau này. Cuộc khởi nghĩa Trương Định nổ ra và giành thắng lợi trên nhiều chiến trường, có công lớn của bà Trần Thị Sanh, khi bà xuất tiền của để mua lương thực, vũ khí để nghĩa quân đánh Pháp.

Ngày 20-8-1864, Trương Định hy sinh tại Gia Thuận, bà Trần Thị Sanh ứa lệ nhìn kẻ thù kéo xác chồng về phơi tại chợ Gò Công. Hai ngày sau, bà tìm cách nhận xác chồng đem về tổ chức tang ma trọng thể trước mắt kẻ thù. Trong lúc bối rối, bà vẫn sử dụng uy thế để làm địch kiêng nể. Tên trung úy Guys chỉ huy bọn xâm lược ở Gò Công phải dẫn 1 tiểu đội danh dự đến dàn chào và phúng điếu 1.000 quan tiền.

Mộ bà Trần Thị Sanh.

Mộ bà Trần Thị Sanh.

Bà Trần Thị Sanh được xem là người đàn bà đặc biệt của Nam bộ nửa sau thế kỷ XIX. Từ khi thành thân với Trương Định, cuộc đời bà gắn chặt với sự nghiệp cứu nước của ông. Bà dành của cải của mình làm hậu phương lớn cho chồng dựng cờ, dấy binh khởi nghĩa. Nhờ thế, Trương Định trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào chống Pháp ở Việt Nam.

Phía sau người anh hùng này, có hình bóng của một người phụ nữ Gò Công luôn dốc lòng, dốc của cho sự nghiệp kháng chiến của chồng. Công lao to lớn của bà rất đáng cho hậu thế tôn vinh. Năm 1882, bà qua đời, thọ 62 tuổi. Mộ của bà được con gái là Dương Thị Hương lập bằng đá hoa cương, hiện tại phường 5, TP. Gò Công.

TA

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202408/tran-trong-nhung-dong-gop-cua-ba-tran-thi-sanh-trong-khoi-nghia-truong-dinh-1018856/