Trấn Yên xây dựng nông thôn mới
Nhờ cách triển khai phù hợp điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của địa bàn miền núi, huyện Trấn Yên đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Tính đến hết tháng 10-2019, đã có 18 trong số 21 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, mở ra hy vọng hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Yên Bái.
Vừa qua, Hồng Ca là xã cuối cùng đăng ký xây dựng NTM của huyện Trấn Yên. Đây là xã nghèo, có sáu trong tổng số 13 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, phần lớn người dân là đồng bào Tày, H’Mông. Chủ tịch HĐND xã Hồng Ca Hà Ngọc Điệp dẫn chúng tôi về Khe Ron, bản có 100% người H’Mông, vốn trước đây từ các bản của huyện Văn Chấn, Văn Yên sau nhiều năm du canh, du cư trên các triền núi về lập bản định cư từ năm 2000. Nhằm lúc nông nhàn, một số hộ giúp nhau dựng lại nhà mới, san gạt làm sân xi-măng, xây công trình phụ, tiếng nói, tiếng cười rộn ràng một vùng núi. Trưởng bản Vàng A Sò trông già hơn cái tuổi 35, vừa chia nốt mấy tấn xi-măng cuối cho các hộ dân làm nền nhà, lại quay về cuối bản đôn đốc việc di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Vàng A Sò bảo: Khe Ron có 110 hộ người H’Mông, nhờ Nhà nước hỗ trợ theo các Chương trình 134, 135 cho nên giờ khá hơn trước nhiều. Hơn 60 ha tre măng Bát Độ, hàng trăm héc-ta quế đang độ thu hoạch, cộng với chè shan tuyết, măng vầu ngọt đã giúp nhiều nhà thoát nghèo. Hiện tại, thôn có hai tổ bảo vệ rừng, các thành viên tham gia đều có thu nhập cả chục triệu đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, điều có lợi hơn là vừa giữ được rừng đầu nguồn, vừa tạo sinh kế bền vững từ nguồn lợi dưới tán rừng già.
Bí thư chi bộ Sùng A Gia được dân tin tưởng bởi tính cẩn thận và ham việc. Gần giữa trưa, trên trục đường liên thôn, tiếng máy vẫn vang vang, chiếc máy xúc theo chỉ dẫn của Sùng A Gia múc đất, rồi đầm hai ven đường vừa đổ bê-tông thêm chặt, bởi nếu không làm cẩn thận thì mưa rừng sẽ làm trơ nền đường gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông. Bí thư và trưởng thôn nơi đây đều đi đầu trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, là những hộ đầu tiên xây dựng nhà vệ sinh, cho nên mọi người trong bản đều đến học và làm theo. Trong ngôi nhà gỗ của Sùng A Tu vừa được láng nền xi-măng sạch sẽ, chủ nhà cho biết tiền từ bán quế vụ vừa rồi hơn 130 triệu đồng, cộng với Nhà nước cho ba tạ xi-măng làm nhà vệ sinh, nhà tắm, đời sống khá hơn trước rồi. Bây giờ, nhà nhà trong bản đều có nhà tiêu, nhà tắm giống như nhà trưởng bản, có nước hợp vệ sinh sử dụng, cho nên hạn chế được bệnh tật, trẻ em được đến trường. Cả bản không còn nạn tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết thống, các hủ tục trong việc cưới, việc tang được xóa bỏ.
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Nguyễn Thế Phước cho biết, để đổi mới ở mấy xã đặc biệt khó khăn, huyện đã có nghị quyết chuyên đề giao nhiệm vụ cho năm đảng bộ cơ quan trực thuộc Huyện ủy, giúp từng thôn, bản người H’Mông sớm hoàn thành xây dựng NTM. Phát động mỗi cán bộ công chức ủng hộ ít nhất một ngày lương trở lên, hỗ trợ 285 tấn xi-măng để dân kiên cố hóa gần 3 km đường, làm nhà tắm, nhà tiêu. Qua thực hiện “Ngày cuối tuần cùng dân” và các đơn vị quân đội, công an thực hiện dã ngoại làm dân vận gần 3.500 ngày công, giúp sửa chữa, nâng cấp các công trình phúc lợi và nhà dân. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng và thi đua giữa các thôn, bản với nhau, cán bộ “ba cùng” với dân, cho nên các việc làm đều trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, sát thực tế, được dân đồng thuận và tự nguyện làm vì chính họ được hưởng lợi.
Trong quá trình xây dựng NTM, việc tuyên truyền, vận động người dân phát huy tính chủ động, tích cực tham gia luôn được xã chú trọng. Đồng chí Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành chia sẻ: Xây dựng NTM là phải phát huy được thế mạnh của địa phương. Cụ thể, Việt Thành đã chia xã thành ba vùng phát triển kinh tế tập trung, đó là vùng Đồng Phúc chuyên về trồng rừng kinh tế và lấy cây quế là cây chủ lực; vùng Phú Thọ thì phát triển cây có múi và mở rộng thương mại, dịch vụ; vùng Lan Đình tập trung cho sản xuất trồng dâu nuôi tằm, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người là 34 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo xã giảm xuống còn 1,4%.
Tại xã Kiên Thành, là vùng cộng đồng người Tày sinh sống, huy động được hơn 101 tỷ đồng cho việc xây dựng NTM, trong đó người dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Nhờ chuyên canh tập trung với các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh trên địa bàn, hình thành mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát Độ với diện tích 1.774 ha, sản lượng măng tươi năm 2019 của xã ước đạt 31.811 tấn; HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành đã và đang thu hút 20 thành viên tham gia; các mô hình tổ hợp tác trên địa bàn xã cùng tham gia vào liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát Độ; chăn nuôi gà, chế biến gỗ rừng trồng… nhờ đó mà thu nhập bình quân năm 2019 của xã ước đạt 34,06 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo của xã là 5,1%, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Trong 10 năm, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của huyện Trấn Yên đạt 7.361 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp hơn 740 tỷ đồng, chiếm 10,1%... Sản xuất nông nghiệp đã có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị như: vùng tre măng Bát Độ gần 3.400 ha, vùng quế 15.000 ha, chè chất lượng cao 200 ha, vùng trồng dâu 500 ha, vùng trồng cây ăn quả có múi 700 ha, 592 cơ sở chăn nuôi. Huyện tạo ra một số sản phẩm nông sản với khối lượng lớn có giá trị hàng hóa cao như: sản phẩm măng Bát Độ, kén tằm, quế, chè Bát Tiên... Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 34 triệu đồng/người/năm. Tính đến hết tháng 10-2019, toàn huyện có 18 trong số 21 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Phấn đấu trong quý I - 2020, Trấn Yên trở thành huyện NTM đầu tiên của Yên Bái và các tỉnh miền núi phía bắc.