Trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật cho nông dân

Những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực triển khai, phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Đồng thời, coi trọng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại - tố cáo (KN-TC) và các kiến nghị của công dân đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Xã Cao Sơn (Đà Bắc) tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật cho nông dân dưới hình thức sân khấu hóa.

Từ tháng 9/2020 - 2/2021, chị Quách Thị Hoa, xóm Lanh cùng nhiều cán bộ, người dân ở xã Cao Sơn (Đà Bắc) được tham gia dự án "Thúc đẩy quyền tài sản trong quan hệ hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Đà Bắc" do Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương năm 2020 của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tài trợ. Dự án do Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em phối hợp Hội LHPN huyện Đà Bắc, UBND xã Cao Sơn thực hiện. Chị Hoa chia sẻ: Tham gia các hoạt động truyền thông, hội thảo, tập huấn, chúng tôi được trang bị, hiểu các nội dung cơ bản của Luật Đất đai; kiến thức pháp luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, HN&GĐ và quyền tài sản trong hôn nhân. Bà con cũng được giải đáp những thắc mắc liên quan đến Luật Đất đai, Luật HN&GĐ… từ đó nâng cao hiểu biết pháp luật, mạnh dạn hơn trong việc đưa ra các vấn đề vướng mắc, tồn tại liên quan đến pháp luật thường gặp. Chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hoạt động thiết thực như vậy để người dân nâng cao năng lực pháp luật.

Xác định việc trang bị kiến thức pháp luật cho nông dân có vai trò quan trọng, các ngành chức năng đã tích cực phối hợp các cấp Hội Nông dân (HND) TTPBGDPL cho hội viên, nông dân. Theo số liệu của HND tỉnh, trong năm 2020, các cấp Hội đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản cấp trên được 4.136 buổi và kết hợp lồng ghép với sinh hoạt tại thôn, bản để phổ biến cho hơn 289.500 lượt hội viên. Phối hợp tổ chức 423 buổi tuyên truyền pháp luật cho gần 21.500 lượt hội viên; trợ giúp pháp lý cho hơn 17.500 lượt hội viên. Nhằm giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu, hình thức TTPBGDPL được thực hiện đa dạng, qua tổ chức hội nghị, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ, thi tìm hiểu pháp luật, thi hòa giải viên (HGV) giỏi, xây dựng tiểu phẩm sân khấu hóa... Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở được tăng cường. Toàn tỉnh duy trì 1.258 tổ hòa giải với 9.155 HGV. Các tổ đã tham gia hòa giải 100% việc phát sinh. Năm qua, các cấp HND tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp công dân 260 cuộc, phối hợp tiếp nhận 1.145 đơn KN-TC, giải quyết thành công 1.079 đơn; tham gia hòa giải 1.436 vụ, có 1.278 vụ hòa giải thành, hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết 158 vụ.

Đội ngũ HGV thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về các lĩnh vực HN&GĐ, đất đai, giao thông, bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Nhờ vậy, hiệu quả công tác hòa giải được nâng lên. Hàng năm, 100% vụ việc mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng đều được tổ hòa giải phát hiện và hòa giải kịp thời. Trong quá trình hòa giải, đội ngũ HGV tích cực lồng ghép trợ giúp pháp lý, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo thói quen chấp hành pháp luật cho nông dân.

Theo đánh giá của lãnh đạo HND tỉnh, từ chú trọng thực hiện TTPBGDPL, hòa giải và giải quyết KN-TC của nông dân đúng pháp luật đã tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, góp phần hạn chế các vụ KN-TC kéo dài, vượt cấp. Đồng thời, huy động được sức mạnh của hội viên, nông dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng gia đình nông dân văn hóa và ổn định ANTT trên địa bàn.

Thu Hiền

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/151052/trang-bi-kien-thuc,-hieu-biet-phap-luat-cho-nong-dan.htm