Trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người khiếm thị

HNN - Cùng với công tác phát triển sinh kế, hoạt động đồng hành, hỗ trợ truyền thông, chăm sóc sức khỏe đã góp phần từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị.

 ThS.BS CKII. Phan Đăng Tâm, Trưởng phòng Dân số - Trẻ em giải đáp thắc mắc của hội viên khiếm thị

ThS.BS CKII. Phan Đăng Tâm, Trưởng phòng Dân số - Trẻ em giải đáp thắc mắc của hội viên khiếm thị

Không may bị bệnh bẩm sinh, đôi mắt của chị Phạm Thị Thu T. không thể nhìn thấy ánh sáng. Là phụ nữ, lại đang trong độ tuổi làm mẹ, chị T. luôn lo lắng về cách tiếp cận các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chị chia sẻ: “Tôi không thể quan sát hay theo dõi sức khỏe bản thân theo cách thông thường. Vì thế, khi chuẩn bị lập gia đình và có dự định sinh con, tôi rất lo lắng”.

Trở ngại từ rào cản khiếm thị đã hạn chế khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ của nhiều người khiếm thị, nhất là các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Ngoài ra, những kiến thức về nguy cơ khi mang thai, sinh con, định kiến khi lập gia đình và sinh con cũng là trở lực làm giảm sút chất lượng cuộc sống của người khiếm thị.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù TP. Huế cho biết: “Hội luôn chú trọng tập huấn cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe và kỹ năng truyền thông đặc thù liên quan đến người khiếm thị. Đây là hoạt động thường niên, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành liên quan tích cực triển khai.

Tại các buổi tập huấn, ngoài tư vấn về các biện pháp tránh thai hiện đại, tác hại của phá thai, các bệnh lây qua đường tình dục và cách phòng tránh, người khiếm thị còn được các chuyên gia chia sẻ kiến thức về kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục.

ThS.BSCKII. Phan Đăng Tâm, Trưởng phòng Dân số - Trẻ em cho biết: “Trong nội dung tập huấn, chúng tôi chia sẻ thêm những rào cản trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ của người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung. Đồng thời, giải đáp những thắc mắc liên quan và cập nhật kịp thời cũng như phổ cập các quy định về trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật khi mang thai và nuôi con nhỏ để người khiếm thị có thêm nguồn thông tin thiết thực, hữu ích và đáng tin cậy”.

Các buổi tập huấn đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và hành động của nhiều hội viên khiếm thị. Anh Nguyễn Văn D., hội viên Hội Người mù TP. Huế bộc bạch: “Thông qua các buổi tập huấn và giải đáp thắc mắc từ các tư vấn viên, tôi đã có thêm kiến thức . Đến nay, tôi đã có gia đình, vợ tôi đã thuận lợi trong sinh con. Tôi hy vọng không chỉ riêng mình, nhiều người khiếm thị khác cũng sẽ được đảm bảo quyền lợi, vượt qua những định kiến và rào cản để tìm kiếm hạnh phúc cho mình cũng như hòa nhập cộng đồng tốt hơn”.

Cùng với công tác truyền thông, Hội Người mù TP. Huế đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho người khiếm thị. Ông Lê Văn Lộc cho biết thêm: “Riêng năm 2024, Hội Người mù TP. Huế đã tổ chức 7 khóa tập huấn kỹ năng, phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cũng như hướng dẫn sử dụng gậy định hướng cho các học viên. Không chỉ tạo thuận lợi trong hoạt động thường nhật, các hoạt động trên sẽ giúp nhiều hội viên khiếm thị được chăm sóc toàn diện và hiệu quả hơn”.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/trang-bi-kien-thuc-ve-cham-soc-suc-khoe-cho-nguoi-khiem-thi-153349.html