Trắng đêm canh nước lũ ở Ninh Bình

Nước sông Hoàng Long, Ninh Bình dâng cao trong ngày 12-9 khiến Ninh Bình phát có lệnh di dân vùng phân lũ. Sau lệnh di dân, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng người dân trắng đêm canh từng centimet nước, sẵn sàng ứng phó với tình huống xả tràn. Người dân hồi hộp mong chờ tình huống xấu không xảy ra.

Nước lên chậm, các tuyến đê vẫn an toàn

Phương án xả lũ qua tràn Lạc Khoái được đánh giá là tình huống xấu nhất của tỉnh Ninh Bình để ứng phó mới mưa lũ. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị của tỉnh túc trực 24/24 giờ để ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long. Bên cạnh việc di dân, công tác tuần tra, theo dõi các tuyến đê sông Hoàng Long được thực hiện nghiêm ngặt.

Dọc theo tuyến đê tả, hữu sông Hoàng Long, các lực lượng tuần tra đê thay nhau kiểm tra các điểm có nguy cơ bị rò rỉ hoặc tràn nước. Bởi những cảnh báo kịp thời về khả năng chống chịu của các tuyến đê sẽ là cơ sở để lãnh đạo tỉnh đưa ra quyết định và giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Trong đêm 12-9, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc trực tiếp đi kiểm tra các tuyến đê trên địa bàn huyện Gia Viễn, Nho Quan và kiểm tra công tác tổ chức ứng trực của các địa phương.

Tràn Lạc Khoái là nơi sẽ thực hiện xả lũ trên sông Hoàng Long khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Tràn Lạc Khoái là nơi sẽ thực hiện xả lũ trên sông Hoàng Long khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Rất may, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế lúc 23 giờ ngày 12-9 đạt 4,91m, (trên BĐ 3: 0,91m), nước biến đổi chậm theo xu thế xuống nhưng vẫn ở mức cao, các tuyến đê vẫn an toàn. Tỉnh Ninh Bình chưa phải xả lũ qua tràn Lạc Khoái, tiếp tục triển khai nhiều biện pháp ứng phó kịp thời để đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân vùng lũ.

Trước đó, hồi 13 giờ ngày 12-9, đồng chí Phạm Quang Ngọc đã ký lệnh di dân vùng phân lũ, chậm lũ huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan. Theo đó, yêu cầu UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan thông báo tới nhân dân vùng phân lũ, xả lũ trên địa bàn và triển khai phương án di dân khi mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt hơn 4,9m. Như vậy, khoảng 55.000 người dân ở vùng trũng, thấp thuộc các huyện Gia Viễn, Nho Quan bị ngập, buộc phải sơ tán khi tỉnh Ninh Bình đối phó với tình huống nước sông Hoàng Long dâng cao.

Nước lũ dâng cao ảnh hưởng tới đời sống của người dân Ninh Bình.

Nước lũ dâng cao ảnh hưởng tới đời sống của người dân Ninh Bình.

Nhiều ngôi nhà chìm trong biển nước.

Nhiều ngôi nhà chìm trong biển nước.

Tối 12-9, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn bộ nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ đã di chuyển đến nơi an toàn trước 18 giờ. Tại các khu vực này, loa phát thanh liên tục phát đi thông báo về tình hình lũ trên địa bàn.

Ngay sau khi có lệnh, UBND các huyện Gia Viễn, Nho Quan đã phối hợp với lực lượng Quân đội, Công an và các cơ quan có liên quan di dời dân trên địa bàn 12 xã thuộc vùng phân lũ của sông Hoàng Long và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Trong vùng phân lũ của 2 huyện nêu trên có khoảng 12.600 hộ với khoảng 55.000 người.

Kiến nghị Trung ương có dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê Hoàng Long lên cao trình 6.0m

Trong chiều 12-9, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã đi kiểm tra công tác ứng trực sẵn sàng vận hành tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc; Trạm bơm Gia Viễn (huyện Gia Viễn); thăm, tặng quà các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa bão, các hộ dân bị ngập lụt tại thôn Kênh Gà.

Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nghe báo cáo về phương án ứng phó tại tràn Lạc Khoái, sông Hoàng Long, Ninh Bình.

Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nghe báo cáo về phương án ứng phó tại tràn Lạc Khoái, sông Hoàng Long, Ninh Bình.

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Ninh Bình cũng như nhiều địa phương phía Bắc khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, đồng chí Lê Minh Hưng cho biết, Bộ Chính trị đánh giá cao tinh thần, sự chủ động của tỉnh trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ.

Nhấn mạnh việc đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo tốt công tác "4 tại chỗ".

Trước mắt, kiên quyết di dời những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Bên cạnh đó cần đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế, người già, trẻ em, vấn đề y tế, an toàn dịch bệnh trong mưa lũ. Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng chí ghi nhận và sẽ báo cáo với Chính phủ cho ý kiến.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác kiểm tra tại đập tràn Lạc Khoái.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác kiểm tra tại đập tràn Lạc Khoái.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Trung ương có dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê Hoàng Long lên cao trình 6.0m, đồng thời xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ trên địa bàn tỉnh; đảm bảo đời sống ổn định cho gần 25.000 hộ dân (khoảng 100.000 nhân khẩu), đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh sử dụng, phát huy giá trị khoảng gần 15.000ha phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững. Cùng với đó, có chính sách chung hoặc giao cho tỉnh ban hành chính sách để thực hiện di dời các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, nhất là trong vùng di sản.

Ngay trong chiều tối ngày 12-9, đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã tới kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ trên địa bàn huyện Gia Viễn.

Qua kiểm tra thực tế tại Trạm bơm huyện Gia Viễn và đập tràn Lạc Khoái, đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó của tỉnh Ninh Bình trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nhất là việc chủ động trong công tác di dân tại các xã khu vực phân lũ, chậm lũ để đảm bảo sự an toàn cho người dân.

Đồng chí Phó thủ tướng lưu ý tỉnh cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, sẵn sàng triển khai các phương án khi có tình huống xảy ra; đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho người dân; các lực lượng Quân đội đứng chân trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Ninh Bình khi cần thiết…

Bài, ảnh: AN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/trang-dem-canh-nuoc-lu-o-ninh-binh-794166