Trăng muộn
Trăng thượng huyền đã nhô lên sau đỉnh đồi, tỏa ánh sáng mờ dịu, không gian càng thêm mênh mông u tịch, chỉ có tiếng gió reo và những tiếng lá khô rơi xào xạc. Đôi trai gái như lẫn vào đồi cây, họ đang hưởng những giây phút hạnh phúc nhất của mối tình đầu đầy đam mê, khao khát.
Thiếu tá Hoàng ngồi một mình trong phòng trực ban của Công an phường. Anh giơ tay nhìn đồng hồ, còn ít phút nữa là hết ca trực. Đường phố đã lên đèn, gió mùa Đông Bắc thổi từng cơn lạnh giá, bỗng ngoài đường có tiếng kêu thất thanh:
- Ối bà con ơi! Cướp... cướp, bắt lấy nó!
Tiếng những bước chân chạy thình thịch của những người đi đường đang đuổi theo tên cướp, Hoàng lao ra khỏi trụ sở. Theo hướng tay cô gái chỉ, phía trước anh một đoạn, đám đông đã tóm được kẻ gian, một thằng bé chừng mười ba, mười bốn tuổi, trong tay còn cầm cái xắc vừa giật được của cô gái. Hoàng rẽ đám đông đang nổi cơn thịnh nộ, anh cảm ơn mọi người và đưa thằng bé về trụ sở Công an phường. Hoàng đưa xắc cho cô gái kiểm tra, tất cả còn nguyên vẹn. Anh nói với Trung úy Mạnh lập biên bản trả lại tài sản cho người bị hại:
- Thôi, chị có thể về được rồi, còn thằng bé này chúng tôi sẽ có trách nhiệm giải quyết.
Thằng bé từ nãy ngồi im, mặt tái mét, chợt giật mình khi nghe giọng Trung úy Mạnh:
- Nào chú nhóc, ngẩng mặt lên, hãy khai cho thành khẩn nghe chưa. Trông mặt mũi khôi ngô thế kia mà gớm nhỉ. Nào, họ tên là gì?
- Dạ! Cháu tên Nam... Nguyễn Hoàng Nam, chú ạ!
- Tuổi?
- Dạ! Cháu 14 tuổi, nhà ở tổ 3 phường...
- Bố, mẹ?
- Mẹ cháu là Nguyễn Phương Lan.
- Thế còn bố?
- Bố cháu đã chết từ lúc cháu còn bé ạ!
Lời khai được lấy xong, Mạnh chuyển cho Hoàng xem:
- Báo cáo anh, ta hoàn tất hồ sơ rồi chuyển lên quận xin hướng giải quyết, vả lại còn xác minh, chưa thể tin vào lời khai của nó được.
Nghe nói phải đưa lên quận, thằng bé giãy nảy, khóc òa:
- Cháu van các chú, các chú tha cho cháu, cháu làm thế là vì thằng Quân “lé”, nó dọa sẽ chặt đốt tay cháu.
- Quân “lé” là thằng nào? - Mạnh gắt lên - Sao từ nãy không nói?
- Dạ! Nó dọa nếu bị bắt cũng không được khai, nếu không nó sẽ trả thù hai mẹ con cháu, cháu sợ ạ!
Hoàng lại gần thằng bé, vỗ vai động viên:
- Cháu cứ yên tâm, nói hết cho các chú biết, không sợ gì cả, đã có các chú.
- Thưa chú! Nhà cháu nghèo lắm, mẹ lại ốm đau luôn, mà cháu thì cần nhiều thứ như các bạn. Lúc đầu bọn thằng Quân “lé” rủ cháu đi, cho ăn uống, cho tiền mua các thứ. Khi cháu biết nó có tiền là do trộm cắp được thì nó dọa cháu và bắt cháu phải tham gia. Tối qua nó bảo cháu: "Mày không thể ăn theo mãi như vậy được. Bây giờ đến lượt mày, nếu không tao chỉ xin một đốt ngón tay".
Đọc những lời khai và lời thằng bé nói khiến Hoàng không khỏi tò mò, muốn đến ngay nhà nó xem sao. Rời trụ sở Công an phường đã hơn mười giờ đêm, Hoàng không về nhà ngay. Anh tìm đến nhà Nam theo địa chỉ lời khai, đầu óc Hoàng mông lung những giả thiết, phỏng đoán.
Khu tập thể ở một phường giáp ranh ngoại ô đã chìm trong giấc ngủ, đây đó một vài nhà còn sáng điện. Trong gian nhà nhỏ lợp giấy dầu, người phụ nữ đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt. Thằng Nam xin phép mẹ đi chơi với bạn từ sáng tới giờ vẫn chưa về, chị nháo nhào bổ đến nhà những người quen, vào cả bệnh viện, nhỡ có rủi ro gì, nhưng tất cả đều không thấy, không có, không biết nó đi đâu, tìm ở đâu bây giờ. Từ trước tới nay chưa bao giờ nó đi chơi về muộn. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má xanh gầy của người đàn bà.
Có tiếng gõ cửa, chị như sực tỉnh, vội chạy ra mở cửa. Trước mặt chị là một Thiếu tá cảnh sát.
- Xin lỗi! Chị có phải là Lan, mẹ của cháu Nam?
- Dạ! Đúng rồi. Tôi là mẹ của Nam, con tôi làm sao, thằng Nam nó bị làm sao hả anh? - Chị cuống quýt.
- Chị cứ bình tĩnh, cháu nó không làm sao - Hoàng kể vắn tắt sự việc.
Người phụ nữ kinh ngạc nhìn Hoàng trân trân như không tin vào những lời mà Hoàng vừa nói và chị khóc nấc lên. Sự bàng hoàng và nỗi đau đớn làm cho chị như quên đi người đang đứng trước mặt mình. Chị gục xuống bàn khóc không thành tiếng, đôi bờ vai rung rung theo những tiếng nấc đứt quãng. Chị không nhận ra viên sĩ quan cảnh sát ấy là ai.
Còn đối với Hoàng, ngay từ đầu anh đã nhận ra Lan. Nhiều năm trôi qua, nét mặt Lan thay đổi khá nhiều, nhưng đôi mắt ấy, nốt ruồi ấy thì không thể nào nhầm được. Để Lan khóc một lúc cho vơi đi nỗi đau, Hoàng an ủi, rồi anh xúc động:
- Lan... Lan không nhận ra tôi sao? Tôi là Hoàng, Lê Hoàng đây mà.

Minh họa: Đỗ Dũng
Người phụ nữ một lần nữa kinh ngạc, như không tin vào mắt mình. Chị định bước lại gần, song lưỡng lự, lùi lại, chị không ngờ người đứng trước mặt mình lại là Hoàng, như trong một giấc mơ, giọng thổn thức:
- Anh Hoàng! Em cứ nghĩ rằng không bao giờ gặp lại anh nữa, bao nhiêu năm qua em cứ tưởng... thế mà...
- Từ ngày ấy, tôi không biết tin tức gì về Lan. Tôi cứ đinh ninh rằng Lan đã có cuộc sống yên ổn, nào ngờ... Hoàng thở dài, ngó một lượt quanh nhà.
- Thế ra chúng ta ở cùng thành phố. Nếu không có việc của cháu Nam, không biết bao giờ chúng ta mới gặp lại nhau. Hoàng kể cho Lan nghe cuộc sống hiện tại của mình với vẻ mặt trầm tư:
- Còn Lan, thời gian qua Lan sống thế nào?
- Thôi, anh ạ, đừng nhắc đến chuyện của em nữa - Lan biết Hoàng muốn hỏi điều gì.
- Em chỉ muốn rằng anh hãy coi như chúng ta gặp nhau lần đầu vậy.
- Sao lại thế? Dù sao chúng ta cũng có những kỷ niệm của tuổi trẻ. Tôi nghĩ rằng cả hai chúng ta đều không có lỗi, tất cả chỉ vì hoàn cảnh khách quan mà thôi, mong Lan hãy hiểu cho tôi.
- Anh Hoàng! Em có dám trách anh đâu. Số phận cuộc đời em như thế, em đã chịu đựng quen rồi, em không muốn sự thương hại nào cả, chỉ có một điều xin anh hãy giúp em, có cách nào xin cho thằng Nam được về, đừng giam hãm, đánh đập nó tội nghiệp.
- Không ai đánh đập cháu đâu, nhưng vì nguyên tắc phải tạm giữ nó lại. Chuyện này cũng hơi khó, tôi sẽ cố gắng để bảo lãnh cho cháu được tha về, Lan cứ yên tâm.
*
Chuông đồng hồ trên nóc nhà bưu điện thành phố điểm 12 tiếng, phố xá vắng ngắt. Trên đường về nhà, đầu óc Hoàng cứ lởn vởn câu hỏi, điều mà anh muốn biết nhưng Lan không nói hoặc cố tình lảng tránh. Về đến nhà, Hoàng mới sực nhớ chiều nay đã có hẹn với vợ về sớm.
Trong nhà không có ánh điện, Hoàng gõ cửa hồi lâu. Vẻ ngái ngủ, Lệ với tay bật công tắc điện, ra mở cửa. Hoàng dựng xe vào góc nhà, chưa kịp phân bua thì Lệ đã gay gắt:
- Anh đi đâu giờ này mới về, tôi tưởng anh không về?
- Xin lỗi em! Anh có việc đột xuất nên phải ở lại giải quyết.
- Việc gì? Hôm nay anh không phải trực đêm cơ mà, anh đi đâu, làm gì? Anh đã hứa là chiều nay đưa hai mẹ con tôi về bên ngoại.
- Nhưng, việc gấp quá, anh không kịp báo cho em, để mai mình về thăm ông có sao đâu.
- Mai, anh đối xử với gia đình tôi như thế đấy.
- Sao em nặng lời với anh thế? Anh đã nói rồi, vì có việc đột xuất.
- Công việc, anh suốt ngày chỉ có công việc, đi tối ngày có thèm ngó ngàng gì đến cái nhà này.
Bé Mai đang ngủ giật mình khóc đòi mẹ. Hoàng đấu dịu:
- Thôi khuya lắm rồi, để cho con nó ngủ.
- Nhưng mà tôi muốn biết anh đi đâu, hay là anh chán cái nhà này rồi - Giọng Lệ vẫn bốp chát, giận dữ. Hoàng không muốn giấu vợ chuyện buổi tối, nếu như Lệ bình tĩnh nghe anh nói. Đằng này... Vừa mệt, vừa đói, Hoàng cũng không kìm được:
- Thôi! Cô để cho tôi được yên, công việc của tôi làm sao cô cứ đòi biết hết được.
Thêm một lời nữa là thêm dầu vào lửa. Hoàng bỏ lên gác, mệt mỏi ném mình xuống giường. Vui buồn lẫn lộn, quá khứ như bức tranh lúc ẩn lúc hiện trở về trong ký ức. Anh buồn không phải vì chuyện to tiếng với vợ vừa rồi, đó chỉ là cái cớ để Lệ trút cơn giận lên đầu anh, làm như tất cả mọi điều là do anh gây ra. Cô ấy thay đổi nhanh quá, không còn như cô Lệ hồi mới cưới nữa.
Đồng tiền đã làm cho Lệ lóa mắt từ lúc nào. Lệ đã trở thành người đàn bà quyến rũ, sắc sảo nhưng cũng tham lam tính toán đến lạnh lùng. Cũng chỉ vì muốn đẹp lòng vợ, muốn gia đình yên ấm, Hoàng đã phải nhẫn nhịn nhiều, tình cảm vợ chồng ngày càng lạnh nhạt, khi mới đây thôi Hoàng dứt khoát từ chối xin một lô hàng lậu của vợ cùng cánh làm ăn đang bị Công an phường bạn thu giữ. Hoàng biết, anh nhân nhượng thì Lệ càng lấn tới, sự ham muốn vật chất của cô ấy không có giới hạn.
Trời đã sáng từ lúc nào, Hoàng mệt mỏi lần cầu thang bước xuống nhà. Lệ đứng trước gương trang điểm phấn son. Hoàng lên tiếng:
- Đi đâu mà dậy sớm thế?
Lệ thản nhiên:
- À, tôi đi có công chuyện. Anh đưa con bé đi mẫu giáo, nếu không thì đưa nó sang bên ngoại, tôi đi chưa biết khi nào về.
- Nhưng mà em đi đâu chứ?
- Anh có việc của anh, tôi có việc của tôi, anh quan tâm làm gì?
Hoàng đưa con đến lớp mẫu giáo rồi tới Công an quận. Lan đã đợi anh từ lâu, cô nóng lòng muốn được gặp con. Đồng nghiệp trên Công an quận là chỗ thân tình với Hoàng, nên việc bảo lãnh cho cháu Nam được về không khó khăn lắm.
*
Từ hôm Lệ bỏ nhà đi, Hoàng xoay xở với bé Mai thật vất vả. Cứ tối đến là bé lại khóc đòi mẹ, dỗ thế nào cũng không nín, chỉ khi nào mệt quá mới ngủ thiếp đi. Những buổi chiều đón con ở lớp mẫu giáo về, Hoàng thường ghé thăm hai mẹ con Lan, xem thằng Nam thế nào. Nam biết lỗi, len lén ngượng ngập mỗi khi thấy chú Hoàng đến. Dần dà nó rất quý Hoàng, cứ nhìn thấy anh đến đầu ngõ là reo ầm lên rồi.
Sau bao năm xa cách, nay gặp lại nhau, mỗi người có một hoàn cảnh riêng, từ chỗ nghi ngại giữ kẽ, Hoàng và Lan đã thấy tự nhiên và thông cảm cho nhau hơn. Ai cũng tưởng rằng người kia đã có hạnh phúc trọn vẹn, nhưng không ngờ khi gặp lại thì tình cảnh của ai cũng đáng ngại. Họ muốn sống lại những ngày của tuổi trẻ, tình yêu, những kỷ niệm sống dậy hiển hiện như mới xảy ra.
*
Những năm miền Bắc đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, các trường đại học đều phải sơ tán về những nơi an toàn. Tại một miền đồi trung du, anh sinh viên Công an và cô nữ sinh sư phạm quen nhau qua các hoạt động kết nghĩa của hai trường. Khóa học kết thúc, chiến trường miền Nam vẫy gọi, như bao bạn bè đồng môn, Hoàng tình nguyện vào Nam chiến đấu. Trước ngày Hoàng về Bộ tập trung, họ chia tay nhau. Đồi trung du vào thu xanh ngắt màu lá, tiếng thông reo vi vu như những bản tình ca bất tận, mặt trời đang xuống dần sau lưng đồi, hoàng hôn hắt những vầng nắng yếu ớt cuối cùng, một màu dịu xa xa phía chân trời. Cô gái tay rứt rứt những ngọn cỏ dại, gục đầu vào vai người yêu thổn thức:
- Mai anh đi rồi. Xa anh không biết em sẽ sống ra sao...
Chàng trai lấy tay gỡ nhẹ những sợi tóc bay xõa trước mặt người yêu:
- Đừng buồn em! Anh đi, ngày giải phóng anh về, chắc ngày đó không còn lâu nữa, em có đợi anh không?
- Em sẽ đợi anh... Nhưng, chiến trường bom đạn, em lo cho anh lắm, em sợ...
- Biết làm sao được, chiến tranh mà em, thật khắc nghiệt, nhỡ sau này anh có làm sao...
- Thôi đừng nói dại nữa, chúng mình nói chuyện khác đi anh.
- Anh Hoàng này, anh tin là có số phận không?
- Làm gì có số mệnh, cuộc đời mỗi người sướng khổ là do mình quyết định cả.
- Hôm trước em cùng mấy đứa trong lớp đi xem ông thầy Nham ở trên thị xã, ông ấy nói là em cao số, lận đận trong tình ái, cuộc đời buồn nhiều hơn vui, nhưng mà đã yêu ai thì chung thủy cả đời.
- Ông ấy mà biết em yêu Công an thì có cho thêm tiền, ông ấy cũng chả dám nói, trò nhảm nhí ấy mà.
- Nhưng, ông ấy nói nhiều cái đúng lắm. Ông ấy bảo nốt ruồi đón lệ như em là khổ, hay khóc, em thấy buồn - Nước mắt Lan ngân ngấn.
Trăng thượng huyền đã nhô lên sau đỉnh đồi, tỏa ánh sáng mờ dịu, không gian càng thêm mênh mông u tịch, chỉ có tiếng gió reo và những tiếng lá khô rơi xào xạc. Đôi trai gái như lẫn vào đồi cây, họ đang hưởng những giây phút hạnh phúc nhất của mối tình đầu đầy đam mê, khao khát. Tạm biệt người yêu, Hoàng lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, anh được bổ sung vào Đội An ninh vũ trang, bảo vệ cơ quan Trung ương Cục. Vì nhiệm vụ đặc biệt nên việc thư từ giữa anh với Lan rất khó khăn.
Đã ba tháng trôi qua, Lan mong thư người yêu đỏ mắt, nhưng càng mong thì niềm hy vọng càng trở nên mong manh. Giờ đây, sự nơm nớp lo âu đã thay cho nỗi buồn xa cách, có lúc Lan nghĩ dại hay là Hoàng đã hy sinh. Nghĩ đến điều đó, cô lại rùng mình ôm mặt khóc. Nhưng, nỗi lo sợ lớn nhất là cô cảm thấy sự thay đổi từng ngày trong cơ thể, giọt máu của Hoàng để lại đã thành hình hài và lớn dần theo ngày tháng.
Phòng Tổ chức nhà trường cho gọi Lan lên để làm rõ sự việc, muốn biết ai là người có liên quan đến chuyện của cô. Lan chỉ khóc, một mực không nói, nhận hết trách nhiệm tội lỗi về mình. Sau một hồi lên lớp rao giảng về đạo đức, nhân cách, điều này điều nọ, ông Trưởng Phòng Tổ chức cho cô biết rằng, dù cô có nói hay không, ai là bố của đứa trẻ thì cũng không thể tránh khỏi án kỷ luật đuổi học, trả về địa phương. Lan đã ý thức được điều đó, cô không muốn cho ai biết, sợ Hoàng sẽ gặp rắc rối hoặc không may rủi ro đến với anh. Cô quyết giữ cái thai, mặc cho bao lời khuyên can hơn thiệt.
Trong lúc đau đớn và tuyệt vọng, khi nghĩ đến chuyện bị đuổi học về quê với cái thai trong bụng thì còn mặt mũi nào, ăn nói làm sao với gia đình, làng xóm thì thầy giáo Phan Nhân - chủ nhiệm lớp của Lan đến động viên an ủi, giúp cô có thêm nghị lực, niềm tin để gượng dậy, từ bỏ ý định dại dột tìm đến cái chết trong giây phút quẫn bách vô vọng. Với uy tín và mối quan hệ của Giáo sư Phan Nhân, nhà trường đồng ý cho Lan được tiếp tục theo học, với điều kiện sau khi tốt nghiệp phải chấp nhận sự phân công của tổ chức.
Lan ra trường chậm một năm vì chuyện sinh nở. Tốt nghiệp xong, bé Nam tròn một tuổi, ngộ nghĩnh, kháu khỉnh, hai mẹ con bồng bế nhau lên nhận công tác ở một tỉnh miền núi. Cuộc sống tưởng chừng cứ thế trôi đi êm ả và Lan đã bằng lòng với thực tại, bé Nam là niềm hy vọng, an ủi của cô. Nhưng, khi bé Nam tròn 6 tuổi thì chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, hai mẹ con lại dắt díu nhau đi sơ tán, trường lớp chỉ còn là đống tro tàn, thầy trò chia ly mỗi người một nơi, Lan đưa con về Hà Nội tá túc ở nhờ nhà của người bà con. Cô gặp lại Giáo sư Phan Nhân đã nghỉ hưu, vị ân nhân của cô một lần nữa dang tay đùm bọc, giúp đỡ hai mẹ con và Lan được nhận vào dạy học ở một trường ngoại ô thành phố.
Đối với Lê Hoàng, ngày miền Nam giải phóng, kẻ Bắc người Nam sống trong niềm vui sum họp, nhưng nhiệm vụ mới đang chờ anh, nơi biên giới Tây Nam kẻ thù đang rình rập, máu của đồng bào Tây Nguyên vẫn đổ vì tiếng súng của Fulro. Hoàng và đồng đội lại bước vào trận chiến đấu mới. Hòa bình chỉ đến với anh trong những ngày về phép ngắn ngủi, anh đi tìm Lan nhưng không thấy, không biết ở đâu.
Ngày trở ra Hà Nội về công tác ở Công an phường, Hoàng đã trải qua hơn mười năm ở chiến trường, những trận sốt rét ác tính rồi chất độc da cam đã cướp đi quyền được làm cha trong con người anh nhưng Hoàng không hề biết. Qua mối lái, Hoàng kết hôn với Lệ, con một cán bộ có cỡ đã nghỉ hưu, ông dành cho hai vợ chồng ngôi nhà ở trung tâm thành phố, còn ông về quê tĩnh dưỡng.
Hai con người, hai cuộc đời trải qua bao biến cố của thời gian tưởng như không bao giờ gặp lại, thế mà giờ đây họ lại gặp nhau như một định mệnh. Chiều thứ Bảy, bàn giao công việc, Hoàng về sớm hơn mọi ngày, đến lớp mẫu giáo đón bé Mai. Tội nghiệp con bé một tuần xa mẹ trông nó cứ ngơ ngác:
- Bố ơi! Mẹ đã về chưa hả bố, sao mẹ đi lâu thế?
Hoàng đáp bâng quơ:
- Ừ, chắc hôm nay mẹ sẽ về.
Hai bố con về đến nhà, Lệ đã về từ khi nào. Hoàng lên tiếng:
- Em về rồi đấy à? Con nó mong em nhiều lắm.
Lệ như không nghe thấy tiếng, mặt khinh khỉnh, không khí nặng nề. Bé Mai chạy đến, sà vào lòng mẹ.
- Anh Hoàng - Giọng Lệ dửng dưng - Hôm nay, tôi muốn chúng ta nói chuyện một cách nghiêm túc, thẳng thắn. Hoàng chờ đợi:
- Chuyện gì em cứ nói nhưng anh chưa hiểu.
- Thôi! Anh đừng giả vờ nữa. Anh là người phải hiểu hơn tôi chứ? Người đàn bà mà anh thường lui tới, chị ta là ai, đối với anh như thế nào? - Thì ra Lệ đã cho đàn em theo dõi Hoàng.
- Cô ấy chỉ là bạn cũ, tình cờ gặp lại, ngoài ra không có chuyện gì cả.
- Tôi cứ ngỡ anh là người đứng đắn cao đạo cơ đấy. Ai ngờ lại có bạn “mèo mả gà đồng” ấy, cái thứ gái không chồng mà có con. Hừ, thú vị thật.
- Cô im đi, cô không được phép xúc phạm người khác. Cô thử nhìn lại mình xem rồi hãy cho mình quyền phán xét người khác. Tôi chưa kịp hỏi cả tuần nay cô đi đâu, làm gì.
- Tôi như thế nào thì anh cũng đã biết rồi. Nhưng, thử hỏi, anh đã làm được gì ở cái nhà này, hay là tất cả là ở tôi, do tôi mà có, anh hiểu chưa? Thời buổi này mà sạch sẽ thì chỉ có lên chùa mà ăn chay.
- Thôi, đừng vòng vo úp mở gì nữa, còn điều gì cô nói nốt đi - Hoàng cảm thấy điều mà Lệ sắp nói.
- Tôi muốn nói rằng, tôi không thể chịu đựng mãi như thế này được. Từ nay tôi và anh không còn liên quan gì đến nhau nữa. Tôi muốn được tự do.
- Cô đã suy nghĩ kỹ chưa? Đó là việc hệ trọng.
Lệ không trả lời vào câu hỏi:
- Nếu anh là người tự trọng thì hãy ký vào đây - Lệ chìa lá đơn ly hôn ra trước mặt Hoàng.
- Tôi sẽ thỏa mãn yêu cầu của cô, nhưng còn con Mai, tôi muốn được nuôi nó.
Lệ cười khanh khách:
- Con Mai à? Anh không phải lo, nó sẽ ở với tôi. Mà bây giờ tôi cũng không cần phải giấu anh nữa. Nó không phải là con anh, nó chỉ là con tôi thôi, anh rõ chưa.
Thế là hết, niềm vui muộn mằn đối với anh giờ đây trở thành sự lừa dối. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, Hoàng ký vào lá đơn như một cử chỉ vô thức. Ngoài trời, một cơn dông bất chợt ập đến, mây đen kéo vần vũ.
*
Sinh nhật Hoàng Nam mười lăm tuổi, Hoàng là khách người lớn duy nhất được mời đến dự. Căn nhà nhỏ của hai mẹ con Lan đầy ắp tiếng cười đùa của lũ bạn học với Nam. Chưa bao giờ Lan thấy vui như hôm nay. Một cảm giác lạ xâm chiếm tâm hồn cô, những khát khao mơ ước bao năm kìm nén nay trỗi dậy làm cho cô trẻ lại. Mặc bọn trẻ vui đùa, hai người lui vào phía trong. Rót nước cho Hoàng, Lan lên tiếng:
- Anh Hoàng, sao hôm nay anh buồn thế, sinh nhật con em mà anh không vui sao, hay là anh đang có chuyện gì?
Nhìn lũ trẻ con cười đùa, lòng Hoàng gợn lên một nỗi buồn trống vắng, đã mấy tháng nay vắng tiếng cười con trẻ, cho dù sự thật phũ phàng, anh vẫn thấy nhớ bé Mai vô cùng, nó có tội tình gì đâu! Hoàng như chợt tỉnh:
- Không, không có chuyện gì đâu.
- Nhìn mắt anh, em biết chắc là có điều gì anh muốn giấu em, không lẽ anh không tin em sao?
- À, chuyện riêng ấy mà, nhưng mà thôi...
Lan lại trêu Hoàng:
- Chắc lại chiến tranh lạnh hả? Thôi, làm lành với cô ấy đi, là phụ nữ em biết.
- Không đâu, muộn rồi, tất cả đã hết rồi, chúng tôi đã chia tay.
- Anh không đùa em đấy chứ? Nhưng, nguyên do tại đâu?
- Chuyện dài lắm. Thôi, nói chuyện khác đi, hôm nay là ngày vui của hai mẹ con cơ mà.
Thành phố đã về khuya, trên đường phố mang tên một thi sĩ, họ nắm tay nhau như thuở nào. Mùi hoa sữa thoảng vào từng sợi tóc, quấn quýt theo những bước chân. Hạnh phúc đang đến với họ mà không một lời nào có thể tả được. Họ bước đi chầm chậm, bóng đổ dài trên đường phố. Đi qua khỏi bóng tán cây, bất giác, Lan reo lên:
- Anh Hoàng! Nhìn kìa: TRĂNG MUỘN.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/trang-muon-i774408/