Trang phục truyền thống của người Dao Thái Nguyên: Giá trị văn hóa phi vật thể đang được lưu giữ
Trong số trên 380 nghìn người dân tộc thiểu số sinh sống tại Thái Nguyên, đồng bào dân tộc Dao có khoảng 30 nghìn người. Đây là dân tộc có nhiều phong tục, tập quán lâu đời, giàu bản sắc, trong đó trang phục truyền thống là điểm nhấn văn hóa, phản ánh sinh động đời sống của người Dao Thái Nguyên.
Mỗi nhóm (ngành) Dao đều có trang phục riêng, được thêu dệt rất cầu kỳ. Đơn cử, trang phục truyền thống của người Dao đỏ gồm: Áo, yếm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Trang phục truyền thống của người Dao quần chẹt đa dạng từ quần, áo, yếm, khăn, mũ... lấy tông màu chàm đen làm chủ đạo, kết hợp với những nét hoa văn thêu chỉ, các phụ kiện, trang sức khá cầu kỳ, hòa quyện vào nhau thành một khối thống nhất. Trang phục nam giới người Dao quần chẹt đơn giản hơn nữ giới, gồm một áo cánh ngắn, cài cúc, cổ đứng để mặc ngoài, tất cả đều màu chàm. Áo có 4 thân được ghép bằng 4 thân vải khổ hẹp khoảng 30cm, xẻ ngực để cài khuy. Áo dài quá thắt lưng, gấu bằng, xẻ tà từ cạp quần, tay dài tới mắt cá tay, cổ đứng, có 3 túi thêu hoa văn chim, cây…
Trang phục truyền thống của người Dao rất độc đáo và ấn tượng; đa dạng với kiểu dáng, nhất là những trang phục của phụ nữ Dao. Theo đó, họa tiết, hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, được dệt nên từ những sợi len với đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, trắng nhằm mô phỏng hình ảnh của cỏ cây, hoa lá.
Người Dao quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống nên giữ vai trò chủ đạo trong từng bộ trang phục. Họa tiết hoa văn thêu nơi gấu quần, gấu áo, thắt lưng, áo yếm, khăn đội đầu, thường là hình răng cưa, hình quả trám, chữ vạn, hình hoa cúc, cây cối, chim muông… với ý nghĩa hòa hợp với thiên nhiên đã nuôi sống con người.
Các bộ trang phục trở nên lộng lẫy, độc đáo hơn bởi có sự tô điểm của trang sức như vòng cổ, vòng tay, nhẫn,… được làm từ bạc hoặc hợp kim góp phần tạo nên vẻ đẹp duyên dáng và sức hấp dẫn của người phụ nữ.
Chị Triệu Thị Hạnh, người dân tộc Dao, đang sinh sống tại thị trấn Quân Chu (Đại Từ), cho hay: Trang phục của phụ nữ Dao chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của cộng đồng thông qua các văn hóa, hoạt tiết thêu, in trên đó. Những người mẹ, người bà dân tộc Dao thường dạy cho con gái mình biết thêu thùa từ bé. Bởi vậy, ở nhiều bản người Dao trong tỉnh, thiếu nữ Dao có thể tự mình làm ra bộ trang phục đẹp để mặc trong ngày cưới, mùa lễ hội.
Trang phục truyền thống của người Dao Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung được coi là di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Hiện, cộng đồng người Dao ở Thái Nguyên tự làm ra những bộ trang phục truyền thống để lưu giữ nét văn hóa đẹp của dân tộc mình. Theo chị Triệu Thị Nhì, xã Vũ Chấn (Võ Nhai), việc tự tay thêu và may trang phục cho mình và người thân chính là một nét đẹp văn hóa của người Dao chúng tôi. Cũng nhờ vậy, bà con đã duy trì được việc truyền dậy nghề thêu thùa, may vá cho thế hệ trẻ.
Tại Thái Nguyên, để bảo tồn nét đẹp trang phục truyền thống, ở nhiều nơi, bà con đã thành lập câu lạc bộ thêu trang phục người Dao. Thậm chí, ở nhiều nơi, nhất là trong cộng đồng người Dao xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), bà con còn từng bước đưa trang phục của dân tộc mình trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.
Mong rằng, với sự nỗ lực của chính bà con người dân tộc Dao, cùng sự vào cuộc của các ngành; cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh, những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Dao sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.