'Trang sử vàng' - tác phẩm của ánh sáng lịch sử và tâm hồn dân tộc

Tác phẩm điêu khắc ánh sáng 'Trang sử vàng' của nghệ nhân Bùi Văn Tự được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025). Tác phẩm vừa là biểu tượng nghệ thuật vừa thể hiện hành trình kể chuyện lịch sử bằng tâm hồn, khát vọng của người nghệ sĩ trẻ đầy thiết tha, sâu nặng.

Bản thiết kế tác phẩm "Trang sử vàng" của nghệ nhân Bùi Văn Tự.

Bản thiết kế tác phẩm "Trang sử vàng" của nghệ nhân Bùi Văn Tự.

Không khí thiêng liêng, xúc động của lịch sử đã mở ra cơ hội để mỗi người dân Việt Nam chiêm nghiệm sâu sắc hơn về những giá trị trường tồn của độc lập, tự do và khát vọng vươn lên. Tác phẩm nghệ thuật "Trang sử vàng" của nghệ nhân điêu khắc ánh sáng Bùi Văn Tự được ra mắt trong tháng 5/2025 như một lời tri ân sâu sắc với cội nguồn dân tộc, niềm xúc động trước công ơn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Ý tưởng tác phẩm được nghệ nhân Bùi Văn Tự ấp ủ từ hơn hai năm trước, khi anh thực hiện bộ sưu tập "Thắp đèn soi niên sử" hội tụ tâm huyết, sáng tạo trong khắc họa chân dung 14 vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc, tôn vinh giá trị thiêng liêng của lịch sử nước nhà. Tác phẩm "Trang sử vàng" hướng đến các lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước với khát vọng viết tiếp ánh sáng của lịch sử bằng nghệ thuật đương đại.

"Trang sử vàng" là tác phẩm điêu khắc ánh sáng rất công phu.

"Trang sử vàng" là tác phẩm điêu khắc ánh sáng rất công phu.

"Trang sử vàng" là tác phẩm điêu khắc ánh sáng có kích thước rất đặc biệt: 1945mm chiều rộng; 2025mm chiều cao; 79 trang sách. Chiều rộng 1945mm gợi nhớ dấu ấn thiêng liêng trong lịch sử dân tộc. Đó là năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Con số 1945 ấy, trong hình hài chiều rộng của tác phẩm tựa vòng tay lớn ôm trọn hồn thiêng sông núi, che chở và nâng niu những trang sử hào hùng của dân tộc.

"Trang sử vàng" là tác phẩm điêu khắc ánh sáng có kích thước rất đặc biệt: 1945mm chiều rộng; 2025mm chiều cao; 79 trang sách. Chiều rộng 1945mm gợi nhớ dấu ấn thiêng liêng trong lịch sử dân tộc.

Chiều cao 2025mm biểu trưng cho dấu mốc hiện tại - năm 2025 - cả đất nước hướng về 50 năm thống nhất non sông và kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người. Đó là điểm vươn lên từ cội nguồn lịch sử đến tầm cao mới của thời đại. Và chính giữa hai chiều kích ấy là 79 trang sách tượng trưng cho 79 mùa xuân Bác Hồ đã sống trọn cho đất nước, cho nhân dân. Mỗi trang sách là một dấu son, một chặng đường: lời ru bên cánh nôi ấu thơ; bước chân Người bôn ba tìm đường cứu nước; đêm trường kháng chiến rực cháy niềm tin; bản Di chúc thiêng liêng Người viết... với từng câu, từng chữ đau đáu về dân, về nước.

Trong "Trang sử vàng", 79 trang sách còn mang vẻ đẹp tâm hồn Bác trải dài theo lịch sử, là dấu chân Người qua mọi miền Tổ quốc, in đậm trong từng nhịp thở của đất, của nhân dân. Đó là 79 mùa xuân nở rộ trong tim Tổ quốc, dẫu Người đã đi xa, ánh sáng của Người vẫn còn đó đầy ấm áp mà bất diệt.

Tỉnh Nghệ An đã tiến hành khảo sát và nhiệt thành cổ vũ cho sự ra đời của tác phẩm.

Tỉnh Nghệ An đã tiến hành khảo sát và nhiệt thành cổ vũ cho sự ra đời của tác phẩm.

Nổi bật trên nền trang sách là hình ảnh đàn chim lạc bay trên mây. 18 con chim lạc biểu tượng của 18 đời Vua Hùng, là lời nhắc nhớ về cội nguồn sâu thẳm, về "đồng bào" - hai tiếng thiêng liêng Bác Hồ từng nhấn mạnh. Phía dưới là làn sóng nước tựa tranh thủy mặc, tượng trưng cho non sông gấm vóc, hòa quyện cùng câu nói bất hủ của Người: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Một chi tiết đặc biệt mang tính ẩn dụ sâu sắc đó là khi ánh đèn chiếu qua các họa tiết sẽ hiện lên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - ánh sáng chân lý dẫn đường cho dân tộc. Theo ý tưởng ban đầu, tác giả mong muốn, phần đế của cuốn sách sau này sẽ hội tụ nước được rước từ ba miền và từ hai quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa gói trọn cả hình hài đất nước trong một tác phẩm nghệ thuật.

Tác phẩm điêu khắc ánh sáng này kết hợp từ nhiều yếu tố kim loại: vàng, bạc, sắt, đồng... mỗi chất liệu đều có biểu trưng riêng về sức mạnh, vẻ đẹp. Qua bàn tay tài hoa và công nghệ ánh sáng hiện đại, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã tạo nên một bản giao hưởng kim loại ánh sáng, nơi nghệ thuật hòa quyện cùng thông điệp lịch sử* và ý chí dân tộc để bừng lên những ý nghĩa đầy lớn lao.

"Trang sử vàng" là tác phẩm tôi ấp ủ không chỉ bằng tay nghề mà bằng tất cả tấm lòng. Mỗi chi tiết, mỗi chất liệu đều được chọn lựa kỹ lưỡng để tạo nên một cuốn sách bằng ánh sáng - thứ ánh sáng soi rọi quá khứ và đánh thức cảm xúc của hiện tại.

Nghệ nhân Bùi Văn Tự

Quá trình chế tác là chuỗi tháng ngày lao động bền bỉ, từ những thử nghiệm phối màu công phu trong nhiều tháng đến việc kiểm soát biến dạng kim loại, gò hàn tỉ mỉ. Mỗi chi tiết đều được nghệ nhân và các cộng sự tính toán kỹ lưỡng. Điều trùng hợp kỳ diệu là tính theo thước lỗ ban, tất cả các thông số đều hoàn hảo, biểu thị cho ý nghĩa nhân văn, cao đẹp.

Không dừng lại ở việc kể chuyện, "Trang sử vàng" mang theo lý tưởng của một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hội nhập và vươn mình mạnh mẽ. Nghệ nhân Bùi Văn Tự ví nghệ thuật như một cây cổ thụ, muốn vươn cao thì rễ phải bám sâu vào lòng đất, đó chính là mạch nguồn dân tộc, là lịch sử hào hùng được nuôi dưỡng bởi đam mê và bền bỉ.

Bùi Văn Tự là nghệ nhân thuộc thế hệ trẻ nhưng đau đáu, miệt mài với lịch sử dân tộc.

Bùi Văn Tự là nghệ nhân thuộc thế hệ trẻ nhưng đau đáu, miệt mài với lịch sử dân tộc.

Tác phẩm là kết quả của một hành trình gian khổ mà đầy cảm hứng. Từ các bản mẫu bằng gỗ, bằng mếch, cho đến bản hoàn chỉnh, nghệ nhân đã thử nghiệm không ngừng để hòa nhập ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, song vẫn giữ vững giá trị cốt lõi và bản sắc dân tộc.

Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tác phẩm "Trang sử vàng" sẽ được triển lãm tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) từ ngày 16-20/5. Tác phẩm được thiết kế để phù hợp cả hai không gian: ngoài trời và trong nhà. Với không gian trong nhà, tác phẩm dự kiến đặt tại Nhà bái đường của Khu di tích bảo đảm tinh thần thiêng liêng, đồng thời có thể linh hoạt để du khách trong nước và quốc tế được thưởng thức.

Riêng với không gian ngoài trời, nơi chan hòa ánh sáng tự nhiên hòa quyện cùng sự sáng tạo, thời điểm được lựa chọn để thực hiện triển lãm vào khoảng 11 giờ trưa mỗi ngày - khi ánh sáng mặt trời đi qua tác phẩm, tạo nên hiệu ứng kỳ ảo nhất, khắc họa mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa nghệ thuật và giá trị thiêng liêng của lịch sử.

 Tác phẩm đang được hoàn thiện những khâu quan trọng cuối cùng để chuyển vào Nghệ An.

Tác phẩm đang được hoàn thiện những khâu quan trọng cuối cùng để chuyển vào Nghệ An.

Tác phẩm là công trình nghệ thuật, đồng thời mở ra hành trình trải nghiệm cho người chiêm ngưỡng, từ lời ru bên võng thời thơ ấu, đến hành trình Bác đi tìm đường cứu nước, chiến khu kháng chiến… Mỗi tia sáng, mỗi hình khối trong "Trang sử vàng" đều mang đến một câu chuyện, một lời nhắn nhủ từ quá khứ gửi đến thế hệ hôm nay.

Chia sẻ về tác phẩm đầy tâm huyết, nghệ nhân Bùi Văn Tự, bày tỏ: "Tôi không sinh ra trong thời chiến nhưng tôi lớn lên giữa những câu chuyện về lịch sử dân tộc. Chính những mạch nguồn âm thầm ấy đã thôi thúc tôi tìm cách để kể lại lịch sử bằng ngôn ngữ của thời đại hôm nay. "Trang sử vàng" là tác phẩm tôi ấp ủ không chỉ bằng tay nghề mà bằng tất cả tấm lòng. Mỗi chi tiết, mỗi chất liệu đều được chọn lựa kỹ lưỡng để tạo nên một cuốn sách bằng ánh sáng - thứ ánh sáng soi rọi quá khứ và đánh thức cảm xúc của hiện tại".

Những người thợ miệt mài sớm tối trong xưởng để hoàn thiện tác phẩm.

Những người thợ miệt mài sớm tối trong xưởng để hoàn thiện tác phẩm.

"Đã có những thời điểm phát sinh nhiều thử thách, nhưng tôi luôn thường trực một ý nghĩ rằng chỉ cần mình quyết tâm, mọi khó khăn sẽ trở thành động lực. Điều tôi mong mỏi nhất là khi đứng trước tác phẩm này, mỗi người đều có thể thấy mình trong đó. Thấy phảng phất điệu hồn quê hương, ký ức tuổi thơ, giấc mơ tự do hoặc rưng rưng ánh mắt của Người, soi vào hiện tại để nhắc chúng ta đừng quên mình đến từ đâu. Lịch sử để ghi nhớ và quan trọng hơn để ta bước tiếp. Nếu tác phẩm có thể khơi dậy niềm tự hào, nguồn cảm hứng hay giản dị khoảnh khắc lặng người trước vẻ đẹp của ánh sáng và hồn nước thì đó là phần thưởng ý nghĩa nhất với tôi", nghệ nhân Bùi Văn Tự nói.

Mô hình tác phẩm được làm thử rất nhiều lần.

Mô hình tác phẩm được làm thử rất nhiều lần.

Nghệ nhân Bùi Văn Tự sinh năm 1992 tại Ninh Bình. Với đôi mắt của người nghệ sĩ và trái tim của người kể chuyện, anh đã tạo nên những tác phẩm mang vẻ đẹp độc đáo, kể chuyện lịch sử trong từng đường sáng, khoảng tối diệu kỳ. Những khối gỗ lũa tưởng chừng vô tri, dưới ánh đèn, bỗng hiện lên hình hài của các bậc danh nhân, anh hùng dân tộc. Không gian lịch sử, văn hóa được anh tái hiện sống động, lay động cảm xúc, đặc biệt chạm tới trái tim của thế hệ trẻ. Từ chân dung Bác Hồ hiện lên trên vách núi quê hương đến hình ảnh chiến sĩ Điện Biên thắp sáng từ chiếc bao tải ngụy trang, từng tác phẩm đều mang hơi thở quá khứ, ánh nhìn tương lai. Là người tiên phong cho nghệ thuật điêu khắc ánh sáng tại Việt Nam, Bùi Văn Tự được mệnh danh là người gìn giữ ký ức dân tộc bằng ánh sáng, bằng tâm huyết, và bằng một niềm tin vào giá trị của lịch sử và con người.

Nghệ nhân Bùi Văn Tự sinh năm 1992 tại Ninh Bình. Với đôi mắt của người nghệ sĩ và trái tim của người kể chuyện, anh đã tạo nên những tác phẩm mang vẻ đẹp độc đáo, kể chuyện lịch sử trong từng đường sáng, khoảng tối diệu kỳ.

Với sự đồng hành từ đội ngũ sáng tạo, sự hỗ trợ từ tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn, Ban quản lý Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và nhiều đối tác tâm huyết, "Trang sử vàng" kết tinh lao động nghệ thuật đồng thời đánh dấu sự kết nối giữa lịch sử, nghệ thuật và du lịch trong thời đại mới. Ở đó, khách tham quan vừa được chiêm ngưỡng, vừa được "chạm" vào lịch sử theo cách độc đáo, riêng có. Với kỹ thuật điêu khắc ánh sáng, từng đường nét trong "Trang sử vàng" lung linh, huyền ảo theo ánh sáng và thời gian, tựa như chính dòng chảy bất tận của lịch sử dân tộc.

Đặt thử mô hình tác phẩm.

Đặt thử mô hình tác phẩm.

Có khoảnh khắc, khi ánh nắng chiếu qua các lớp kim loại, chân dung Bác Hồ bất ngờ hiện ra từ bóng đổ đến kỳ diệu và lặng người, Sự hòa quyện giữa ánh sáng tự nhiên và không gian thiêng liêng tạo nên một trải nghiệm vừa cá nhân, vừa thiêng liêng khiến mỗi du khách có cảm giác trở thành một phần trong câu chuyện được kể. Đó không còn là nghệ thuật "bất động", mà thực sự trở thành nghệ thuật lắng nghe, kể chuyện bằng sự tài hoa của nghệ sĩ và cảm xúc của người xem. Và trong từng khoảnh khắc ấy, lịch sử đã trở thành dòng chảy sống động, chạm tới sâu thẳm mỗi tâm hồn.

Khảo sát không gian tại Khu di tích để chọn vị trí phù hợp cho tác phẩm.

Khảo sát không gian tại Khu di tích để chọn vị trí phù hợp cho tác phẩm.

Ánh sáng từ tác phẩm không dừng lại ở vẻ đẹp thị giác mà gợi mở suy tư, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm trong từng người con đất Việt. Đó là lý do không gian của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên cần thiết sự hiện diện lâu dài của tác phẩm, như một hơi thở đương đại hòa quyện cùng hồn thiêng sông núi. Để điều đó trở thành hiện thực, cần nhiều hơn nữa sự sự chung tay, đồng hành của các đối tác, tổ chức, và những trái tim đồng cảm bởi hành trình giữ gìn, lan tỏa những giá trị tinh thần sâu sắc chưa bao giờ là con đường đơn độc.

Mỗi sự góp sức hôm nay của nghệ nhân Bùi Văn Tự, Công ty Cổ phần đầu tư nghệ thuật kỳ quan thứ 8 là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho một tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa. "Trang sử vàng" như một nhịp đập của trái tim Việt với niềm tin tác phẩm tiếp tục tỏa sáng ở những không gian thiêng liêng nhất, để mỗi người con đất Việt khi chiêm ngưỡng đều lặng người và cảm nhận trong lòng mình, một ngọn lửa vừa được thắp lên.

Mai Lữ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trang-su-vang-tac-pham-cua-anh-sang-lich-su-va-tam-hon-dan-toc-post877867.html