Tránh báo cáo giám sát sơ sài, cần chuẩn bị đề cương

Chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài. Đây là nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét báo cáo kết quả bước đầu của chương trình giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021'. Theo các đại biểu, cần có gợi ý đề cương cho đối tượng giám sát.

Làm rất nhiều, hoạt động nhiều nhưng báo cáo sơ sài, không đúng theo mẫu đề cương Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) yêu cầu. Đây là thực trạng ghi nhận tại một số đơn vị chịu giám sát về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 mới đây. Trong đó có chi cục thuế Tam Kỳ - Phú Ninh.

Ông DƯƠNG VĂN PHƯỚC - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: “Có vấn đề này xảy ra trên thực tế. Nhiều đơn vị chấp hành rất tốt báo cáo nhưng cũng có đơn vị không. Trong quá trình làm việc, tôi đã chấn chỉnh và hầu như các cơ quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều chấp hành tốt. Các cơ quan đó đều hứa sẽ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo để đảm bảo yêu cầu cơ quan giám sát.”

Tại một vài buổi giám sát khác đối với các đơn vị ngành thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH), các địa phương, tình trạng này vẫn xảy ra. Đánh giá tổng kết thực hành tiết kiệm chống lãng phí cả giai đoạn 2016-2021 nhưng có những báo cáo chỉ vỏn vẹn vài trang giấy, dẫn đến việc các ĐBQH Quảng Nam phải thường xuyên đặt thêm nhiều câu hỏi để làm rõ vấn đề giám sát, đề nghị các đơn vị bổ sung.

Ông PHAN THÁI BÌNH - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: “Rõ ràng, sáp nhập như các đồng chí nói là tiết kiệm được nhiều thứ. Nhưng đánh giá thêm cái khó khăn của nó. Tôi đề nghị, qua đợt sắp xếp này, các đồng chí đánh giá thử. Trong báo cáo cũng chưa có nêu tiêu chí, tiêu chuẩn nào để chúng ta tiết kiệm được bao nhiêu chi phí.”

Trên thực tế, giám sát chuyên đề thường đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, nội dung giám sát thường rộng, nhiều lĩnh vực, lại có nhiều cơ quan thuần chuyên môn như thuế, hải quan, BHXH… Do đó, mẫu đề cương báo cáo chung thường không phù hợp, không đầy đủ thông tin, dẫn đến tình trạng trong quá trình giám sát, các ĐBQH phải thường xuyên đặt thêm nhiều câu hỏi để làm rõ vấn đề giám sát, đề nghị đơn vị phải bổ sung.

Ông NGUYỄN PHI HÙNG - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam: “Qua kinh nghiệm giám sát của Mặt trận những năm qua, để cuộc giám sát đạt kết quả thực chất thì vấn đề quan trọng là gợi ý đề cương cho các đối tượng được giám sát, chuẩn bị báo cáo cho đoàn cần có sự nghiên cứu cụ thể những nội dung thuộc về chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của ngành mà mình giám sát.”

Thực tế này đã chứng mình tầm quan trọng của công tác chuẩn bị, nhất là chuẩn bị đề cương, triển khai thực hiện đúng từ giám sát ở cơ sở. Bởi chỉ khi quán triệt thực hiện đúng từ bên dưới thì quá trình tổng hợp, báo cáo kiến nghị của Đoàn ĐBQH các tỉnh thành sẽ thuận lợi hơn, hoạt động giám sát mới đạt hiệu quả tốt hơn.

Thực hiện : Mỹ Phượng Lê Quang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tranh-bao-cao-giam-sat-so-sai-can-chuan-bi-de-cuong